Đó là những cái tết trong ký ức của tôi - những ký ức tưởng chừng như vụn vặt, chắp dính không thành mạch ấy trộn lẫn với cảm giác mùi rơm khô ngai ngái, mùi lá dong, mùi bùn non... lại ùa về trong tôi mỗi khi mai đào nở rộ ...
Ngày đó làng tôi còn nghèo lắm. Đường làng hẹp, sau những ngày đông giá rét mọi ngã đường đều nhão nhoẹt với vô số những dấu xe đạp, xe bò, dấu dày dép tông... Nhà tôi gần đường cái, cứ gần tết cả nhà lại tổng động viên rải cát làm lối đi. Cả lảng cũng thế, không ai bảo ai, nhà nào cũng dọn dẹp lối đi lại cho sạch sẽ, tươm tất....
Cả tháng trước tết mẹ tôi chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị một ít tiền “tiêu tết”, việc đầu tiên là bán chè. Chè nhà tôi tốt và ngon nổi tiếng nhưng mỗi sáng tất tưởi trở về sau khi đã gánh một gánh đầy chè lên chợ huyện cũng chỉ được vài ngàn đồng. Rồi mẹ lại sai tôi trèo hái cau rồi cam, chanh, ổi ... tất tần tật thành hàng hóa để làm sao cho tết thêm phần hương vị.
Chị tôi ngoài giờ làm gom những mảnh vài thừa từ xí nghiệp về tự thiết kế chắp lại để may thành những tấm ri đô đủ màu sắc, rồi áo quần trẻ em đem đi các chợ bán phụ cha mẹ tôi lo toan dịp tết. Cha tôi là giáo viên, nhưng làm thêm nghề thợ may. Gần tết được nghỉ là ông bắt tay vào việc chuẩn bị áo quần tết cho anh em chúng tôi.
Ngày đó vải đắt và hiếm, vì thế bắt đầu từ việc chuẩn bị áo quần mới là cả một công đoạn tính toán “chuyên nghiệp” của ông để “cải tạo” sản phẩm. Chiếc quần của chị gái đầu được sửa lại cho chị gái thứ hai. Chiếc quần của chị gái thứ hai lại được “nhường” lại cho tôi. Phải nói cha tôi rất khéo tay mỗi chiếc quần được biến hóa “trở trên xuống dưới” “trở trong ra ngoài” đều như mới, cả mấy chị em đều hài lòng.
Ngày đó có được quần áo mới như chúng tôi cũng là một niềm vui mà lũ bạn đồng trang lứa đều mơ ước. Còn nhớ anh trai đầu chúng tôi đã học đại học nên được cả nhà ưu tiên cho may quần áo mới, và tết nào tôi cũng dỗi hờn vị sự ưu ái này của bố mẹ dành cho anh tôi.
Làng tôi ngày đó chưa có điện. Giáp tết cha tôi cho khêu thêm chiếc đèn đại cháy bấc to để cả nhà chuẩn bị. Mẹ tôi lo gạo nếp, lá dong, đậu lạc, hương đèn .... các chị tôi miệt mài bên những sợi giấy màu để làm những con rô xâu chuỗi để trang trí trong nhà. Rồi các dải dây đăng ten được dán lại treo chéo góc ở nhà ngoài, các mành con rô đủ màu sắc cũng được treo lên trước bàn thờ.
Anh tôi về tết cũng ngồi bên cây đèn hỳ hục viết câu đối bằng mực tàu, ngày đó câu đối bày bán rất nhiều nhưng cha tôi lại thích anh viết thế. Đó là thứ ông sẽ “khoe” với mọi người cùng với thư khen của nhà trường về thành tích học tập của anh tôi được cài trang trọng trên cành đào tết.
Những ngày giáp tết, tiếng pháo đì đùng khắp làng. Thi thoảng lại có nhà ai đốt thử một tràng, tiếng pháo cứ dần nhiều thêm, rộn ràng. Cha tôi bảo nếu pháo đốt kêu, nổ liền một dây không đứt đoạn, không có pháo xịt thì năm đó làm ăn sẻ phát đạt. Ông giao việc đó cho anh tôi cùng với việc chuẩn bị củi nấu tết và nấu bánh chưng. Năm nào cũng thế anh tôi bỏ pháo vào giấy xi măng, gác lên dàn bếp cẩn thận, anh bảo có như thế pháo mới không bị ỉu, sẽ nổ giòn ....
Vui nhất vẫn là được đi chợ tết. Chợ tết người từ các xã kéo về huyện đông đúc, chợ bày bán đủ mọi thứ hàng hóa từ sản vật cây trái đến câu đối, hoành phi. Năm nào chị tôi cũng chở tôi đi mua sắm, cũng chẳng có gì nhiều và thay đổi chỉ là một bộ cốc uống nước, một vài bóng bay, kẹo bánh.... Năm nào có thêm tiền chi tôi mua cho tôi một chiếc mũ len hay một chiếc áo mới.
Chiều 30, nhà tôi làm cỗ cúng tất niên. Tối, cả nhà rộn rịp, tất bật cho giao thừa. Mẹ tôi lo mâm cỗ để cúng sang canh. Bố tôi chuẩn bị bàn thờ, châm đèn chạm hương. Các chị tôi cũng tất bật với việc dọn dẹp lại lần cuối, đảo thêm vài mẻ cốm trộn đường – món mà những ngày đầu năm sẽ làm quà cho khách đến chơi. Sau cùng cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chờ bánh chín...
Gần giao thừa pháo nổ càng dày. Tiếng chiêng, trống bắt đầu điểm, giao thừa tới, cả nhà ngồi bên chiếc radio cũ của cha tôi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết. Cha tôi thắp hương cúng cầu mong cho cả gia đình một năm mới bình an... Lì xì sau giao thừa của cha cho anh em tôi là mỗi người một cuốn sổ. Năm nào cũng thế ông bắt chúng tôi ghi vào đó một vài dòng cảm xúc mà ông gọi là “khai bút đầu xuân” để học hành thành đạt.
Tôi lớn dần lên theo từng cái tết. Cha mất. Chúng tôi lập gia đình. Mẹ cũng theo anh em chúng tôi ra thành phố, không còn đón giao thừa ở quê. Gần tết cả nhà lại về quê dọn dẹp nhà rồi lại tất bật cho cái tết riêng ở gia đình mình...
***
Làng tôi đổi khác từng ngày, những lối đi, những con đường tắt cả những tiếng phào đì đùng đã không còn nữa. Đường đi đã bê tông hóa, nhà nào cũng xây khang trang, ngõ nào cũng có ánh điện, tiếng nhạc xập xình, đèn hoa rực rỡ. Trẻ em ở làng chưng áo mới, không còn phải lội bì bõm trên những con đường đất đỏ lầy lội, cũng không còn tranh nhau nhặt pháo đầu ngõ, chia nhau từng chiếc kẹo mềm. Trong túi áo của chúng không còn là những xác pháo xì, những chiếc bong bóng mà thay vào đó là những tờ tiền mới, những phong bì lì xì hồng tươi.
Năm này, con gái đầu của tôi lại đòi về quê ăn tết. Tôi thu xếp đưa cả nhà về. Mẹ tôi mừng lắm. Tết năm nay lạnh hơn, đào trong xóm đều nở muộn. Tôi dắt con đi dọc đường làng, nó chạy vọt lên phía trước reo vang khi nhìn thấy cánh đồng. Tôi nhìn theo, cảm giác như thiếu vắng một thứ gì đó lại tràn ngập, mênh mông dâng lên trong lòng ...