Quê tôi miền Trung, không có năm nào là không có bão. Nhiều người ví von bão đã trở thành một "đặc sản" quen thuộc của mảnh đất vốn đã vô cùng khắc nghiệt. Mưa thối đất, nắng cháy da, gió Lào rát bỏng, thế những mỗi năm người dân quê tôi lại oằn mình gánh thêm vài cơn bão.
Cho đến bây giời tôi không thể nhớ cuộc đời mình đã đi qua bao nhiêu cơn bão. Trong cái ký ức cũ kỹ của tôi bão như là một thứ gì đó vừa quen, vừa lạ vừa như một chút gia vị cay xè trong chiếc bánh kỷ niệm thời thơ ấu.
Tôi nhớ những ngày còn ở quê, cả cái làng nhỏ chông chênh bên bãi cát đều là nhà tạm bợ, hy hữu lắm mới có một ngôi nhà kiên cố bằng tường đỗ mái hay nhà gỗ chắc chắn. Nhà tôi nằm ngay đầu làng, một bên là cồn cát một bên là cánh đồng.
Tôi lên 6 tuổi, cha mẹ tôi dựng lại nhà. Cái nhà toàn gỗ lim khá chắc chắn được xuôi bè hàng tháng trời theo sông La từ Đức Thọ về mới đầy đủ các bộ phận để lắp ghép.
Đây cũng chính là nơi tôi trú ngụ cùng gia đình qua bao cơn bão thời thơ ấu. Cơn bão đầu tiên ghé thăm nhà tôi ngay khi nó mới dựng lên được vài tháng. Đó là một cơn bão mạnh và nguy hiểm, tôi biết vậy bởi nét mặt của cha tôi chưa bao giờ lo lắng đến thế, mẹ tôi cũng chưa bao giờ chạy đôn chạy đáo một cách rối bời.
Bão đêm gió rít từng hồi, mưa xối xả, ký ức của tôi về cơn bão đó là không bao giờ phai nhạt. Mưa càng lúc càng to, gió giật từng chiều nước sốc vào nhà từng đợt.
Cả nhà quây lại bên góc tường chắc nhất, được căng tấm nilon sũng nước. Tôi được đội một cái mũ cối rộng chòng chành, cha tôi bảo đội vào để tránh ngói rơi vào đầu nếu bão tốc mái.
Cái đèn bão cỡ lớn cháy thoi thóp tắt lên tắt xuống, thế nhưng cha tôi vẫn cứ cố khêu cho sáng lại. Đó là thứ ánh sáng mà mãi về sau tôi không thể nào quên được.
Cả màn đêm ngoài kia đen kịt, chỉ có tiếng gió rít ầm ào, tiếng cây gãy, tiếng nước táp vào hiên nhà dồn dập. Gió ngày càng mạnh lên, cha tôi kê thêm hai tấm ván trên chỗ ngồi, tháo pin từ chiếc radio lắp vào đèn pin và dặn dò chúng tôi cách xử lý nếu có tình huống gì xẩy ra.
Gần về sáng cha tôi nói bão đã đổi chiều gió như vậy có nghĩa là bão đã vào đất liền và sẽ tan, đó là cách mà cha tôi "đoán bão" trong màn đêm dày đặc... Tôi đã thiếp đi trong ánh mắt lo lắng của cha, khuôn mặt nhợt nhạt của mẹ, tiếng chập chờn từ cái đài radio cũ kỹ.
Tôi thức giậy trong cái mùi khói cay cay, ngái ngái của mùi rơm và củi ướt. Giữa nhà là một đống lửa to được cha tôi đốt lên. Mẹ và chị tôi đang hơ phong vài cái áo ướt từ tối qua, cha đang lật tìm mấy đống sách vở giáo án ướt nhòe trên góc tủ. Bữa cơm sau bão bao giờ cũng nhanh chóng và tạm bợ bởi sau đó là công việc dọn dẹp sửa chữa có thể kéo dài hàng tuần lễ.
Bão đi qua cái làng nhỏ của tôi tiêu điều xơ xác, cây gãy đổ ngổn ngang. Dọc đường làng hàng loạt ngôi nhà xiêu vẹo, một vài cái lật chổng lên trời, hình như đó là những nhà tạm bợ của những đôi vợ chồng trẻ mới ra ở riêng.
Đầu đường làng tiếng chặt cây, tiếng cán bộ thôn huy động người dân giải phóng đường sá, hỗ trợ các nhà neo đơn... Đâu đó là tiếng của lũ trẻ trâu trong làng gọi nhau í ới. Lũ trẻ chúng tôi chỉ chờ có thế là lẻn ngay ra đường cái, nhập hội đi nhặt quả, nào bưởi, ổi, mía, cam, khế thứ gì cũng có. Chia nhau ăn, bàn tán, vui cười một cách vô tư mà chưa hề biết bố mẹ, ba con đang lòng đau quặn thắt.
Quá nhỏ để chúng tôi những đứa trẻ mới lên năm lên sáu hiểu được nỗi lo âu và những thiệt hại mà bão để lại. Những cánh đồng lúa sắp gặt đổ rạp chìm trong nước, hoa màu tơi tả, trường học bị tốc mái, đường ngập sụt trôi... dần hằn vào ký ức của những đứa trẻ trường làng...
Tôi đã lớn dần lên theo từng cơn bão, dần hiểu những khó khăn khi bão tràn qua cái làng nhỏ bé, hiểu những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt cha mẹ.
Ngôi nhà gia đình tôi và nhiều nhà trong làng cũng dần được kiên cố, chúng tôi đã cùng nhau đi qua những cơn bão lớn trong những ngôi nhà kiên cố, trong sự đùm bọc của xóm làng, tình đồng chí...
Thế rồi tôi cũng định cư trong cái vùng rốn lũ mưa bão của miền Trung. Mỗi mùa mưa bão đến cái ánh mắt của cha, tiếng thở dài của mẹ, tiếng gió rít qua mái hiên, tiếng chìm nổi phát ra từ chiếc đài radio cũ kỹ lại chập chờn ẩn hiện.
Tôi đã dần tự biết lo, biết chống đỡ cho những cơn bão của cuộc đời mình, những cơn bão đi qua đã cho tôi thêm rắn rỏi và biết yêu hơn "quê bão" của mình.
Ngoài kia gió đã rít từng hồi, bão lớn đang tiến gần đất liền.
Thương quê thêm một lần gồng mình trong bão.