Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Nhìn lại dấu ấn một nhiệm kỳ
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 6%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Quy mô nền kinh tế gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên trên 65 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông trọng điểm như quốc lộ 1A, đường ven biển, hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 1) được đầu tư, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án trọng điểm trên địa bàn phát huy hiệu quả. Khu kinh tế Vũng Áng từng bước đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh, đóng góp trên 54% tổng thu ngân sách địa phương; trong đó dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa đi vào hoạt động ổn định, trở thành hạt nhân của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển khá toàn diện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, trở thành phong trào sâu rộng trong Nhân dân, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu và về đích trước 02 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 93% số xã và 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã nông thôn mới nâng cao; 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; Hà Tĩnh là một trong tám tỉnh của cả nước vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Thành phố Hà Tĩnh đã được công nhận đô thị loại II, thị xã Kỳ Anh đã đạt tiêu chí đô thị loại III.
Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch có những chuyển biến tích cực, tăng bình quân gần 4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 6,3%/năm; kết cấu hạ tầng, dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; thị trường hàng hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chú trọng phát triển các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, tăng cường kết nối tour, tuyến trong và ngoài nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Các giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, nhất là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang và sách Hoàng Hoa sứ trình đồ được công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Giáo dục - đào tạo thuộc tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được chỉ đạo quyết liệt, huy động của cả hệ thống chính trị vào cuộc, hiệu quả cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công với cách mạng. Dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; Trung tâm hành chính công tỉnh và hệ thống trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã hoạt động hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý nhà nước được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp từng bước được nâng cao; chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thế trận quốc phòng toàn dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt những kết quả rõ nét. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Công tác cán bộ được tập trung chỉ đạo, có nhiều đổi mới, khách quan, công khai, dân chủ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên; tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn, từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới đi vào hoạt động ổn định từ sau 01/01/2020 tạo đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường.
Trong điều kiện rất khó khăn của cả nhiệm kỳ, những kết quả đạt được khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, tiếp tục tạo thế và lực mới để Hà Tĩnh vững bước trên con đường xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Tầm nhìn phát triển hướng tới tương lai
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và Nhân dân tỉnh nhà. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng đó, trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Kiên trì, kiên quyết thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú ý không gian phát triển liên vùng với Bắc Quảng Bình, Nam Nghệ An và các tỉnh trong khu vực, kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung thực hiện hiệu quả bảy nhiệm vụ trọng tâm, năm chương trình trọng điểm, ba nhiệm vụ đột phá. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế ba vùng sinh thái đồng bằng, trung du, miền núi, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế số, “kinh tế xanh”; chuyển trọng tâm từ công nghiệp khai khoáng, công nghiệp nặng sang ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics, thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ. Trên cơ sở các trục giao thông trọng yếu đã có như quốc lộ 1A, đường ven biển, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, sắp tới là đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng để phát triển mạnh các trục phát triển theo hướng Bắc - Nam. Đồng thời tập trung đầu tư các trục giao thông Đông - Tây, hình thành các nhánh phát triển ngang, kết nối với các trục phát triển Bắc - Nam đảm bảo đồng bộ, đồng đều giữa các vùng, miền. Đầu tư phát triển, chỉnh trang, nâng cao chất lượng đô thị; kết nối đô thị với nông thôn mới, nông thôn mới với đô thị; nâng cấp chất lượng đô thị thành phố Hà Tĩnh và các đô thị trong tỉnh từng bước hiện đại, thông minh. Tiếp tục xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa ngành. Chủ động phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, nước sạch. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế.
Thứ tư, quan tâm chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; chú trọng xây dựng, phát huy truyền thống văn hóa, trí tuệ, ý chí, khát vọng con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển mới trong điều kiện kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển các sản phẩm phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, kết nối tua, tuyến du lịch trong khu vực và với các tỉnh của Lào, Thái Lan. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, phát huy hiệu quả vai trò của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Quan tâm giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ sáu, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với ba trụ cột “ kinh tế - xã hội - môi trường” và phương châm “ổn định để phát triển, phát triển để ổn định”.