Tình hình đó đã đặt ra cho chúng ta một thời cơ lịch sử: Thực hiện mục tiêu chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Từ năm 1974, miền Bắc đã động viên với qui mô chưa từng có sức người, sức của để phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược đập tan toàn bộ hệ thống Ngụy quân, Ngụy quyền ở miền nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, ở tất cả các địa phương trên miền Bắc, các trục giao thông đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường không, đủ các phương tiện đã được huy động vào công tác vận chuyển lực lượng, vũ khí, khí tài, nhu cầu vật chất phục vụ cho chiến trường miền Nam. Các đơn vị LLVT ra sức huấn luyện, tiếp nhận vũ khí trang bị mới, sẵn sàng lên đường đi chiến đấu, nhân dân ta sống những ngày thật sôi động, nhộn nhịp. Cả nước với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Cũng thời gian này, tại hậu phương Hà Tĩnh, quân và dân Hà Tĩnh đã vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, huy động mọi nguồn lực để chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngay trong năm 1974, trong hai đợt tuyển quân, Hà Tĩnh đã tuyển chọn và điều động được 25.523 nam, nữ thanh niên nhập ngũ, vượt kế hoạch đề ra. Và cũng trong năm 1974, để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam với tinh thần: “Tất cả cho giải phóng hoàn toàn miền Nam”, Hà Tĩnh đã dồn sức thực hiện nhiệm vụ vận tải hàng hóa. Kết quả, hàng cho chiến trường Quảng Trị đạt 142%; Thừa Thiên - Huế 120%; Quân khu 5 và Nam Bộ 150%. Ngoài ra, nhân dân Hà Tĩnh còn cho Nhà nước vay trên 11.000 tấn lương thực để chi viện cho tiền tuyến…
Đầu năm 1975, chiến trường miền Nam có những bước phát triển đột biến, quân và dân ta đã giành thế chủ động trên chiến trường; quân địch đã bị đẩy vào thế bị động lúng túng. Nắm vững thời cơ, tháng 1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Nhiệm vụ huy động tổng lực sức người, sức của cho chiến trường được đặt lên hàng đầu và Hà Tĩnh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 14.901 nam, nữ thanh niên Hà Tĩnh tham gia nhập ngũ, vượt chỉ tiêu trên giao.
Sau khi giao cho các đơn vị bộ đội chủ lực phần lớn lực lượng tổng dự bị của địa phương, Hà Tĩnh còn tiếp tục huy động lực lượng để tổ chức 4 trung đoàn bộ binh (117, 283, 15, 375). Sau hai tháng huấn luyện khẩn trương, các đơn vị này đã được điều động đi chiến đấu, bổ sung cho các chiến trường, đảm bảo 100% quân số lên đường nhận nhiệm vụ.
Đầu tháng 3/1975, hưởng ứng phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, dồn sức cho chiến trường miền Nam đánh thắng”, quân, dân Hà Tĩnh tập trung huy động lực lượng, phương tiện tốt nhất, chất lượng cao nhất để đưa ra chiến trường. Trên mọi nẻo đường, hàng vạn chiến sỹ, dân quân tự vệ và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia vận chuyển hàng hóa ra mặt trận phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong quý I/1975, với sự cố gắng cao nhất, Hà Tĩnh đã huy động 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn, 5 đại đội với 8.091 cán bộ, chiến sỹ và 14.901 tân binh lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, qua hàng chục đợt động viên tuyển quân, Hà Tĩnh đã có 92.913 thanh niên tham gia quân đội. Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh bổ sung cho các chiến trường là 21 tiểu đoàn, 15 đại đội; Toàn tỉnh đã huy động 334.128 dân công hỏa tuyến và 10.636 thanh niên xung phong đi phục vụ chiến đấu ở các mặt trận.
Chiến tranh kết thúc, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh nằm lại trên các chiến trường, hàng chục ngàn người trở về hậu phương nhưng trên mình vẫn còn mang đầy thương tích, bệnh tật do hậu quả của chiến tranh. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn ghi nhớ và tự hào về sự hy sinh anh dũng của các anh, các chị; tự hào vì là một địa phương nghèo nhưng đã đóng góp sức người, sức của ở mức cao nhất để góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.