TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam
Từ kinh nghiệm của người đang tham gia vào chương trình hành động của một số địa phương về CĐS, cũng từng là người tham gia quản lý nhà nước về hoạt động khoa học công nghệ, TS. Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH và CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại của CĐS tại đơn vị.
PV: Ông có đánh giá thế nào về hoạt động CĐS của Việt Nam trong thời gian qua, kể từ khi Chính phủ chính thức thông qua đề án CĐS quốc gia?
TS. Nguyễn Quân: Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đáp ứng các mục tiêu của Quyết định 749. Tại thời điểm này, một số địa phương như Bình Định, Hà Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh,… đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số, ban hành kế hoạch chuyển đổi số cấp tỉnh. Điều đáng mừng là lãnh đạo các địa phương này đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội và phân công lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tham gia Ban chỉ đạo, mời các chuyên gia có uy tín tham gia các hội đồng tư vấn, mời các đơn vị mạnh về công nghệ và tài chính hỗ trợ. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một số bộ và tỉnh đã thông báo 100% dịch vụ công đạt mức độ 4, điều này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu về chính quyền số, chính phủ số là hiện hữu.
Tuy nhiên, mảng chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay còn rất chậm, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Các doanh nghiệp sản xuất thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính và con người cho chuyển đổi số, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp và chưa có sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và quản trị. Điều này ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu của kinh tế số, vì trụ cột của kinh tế số chính là các doanh nghiệp đã chuyển đổi số.
Trong các lĩnh vực của xã hội số, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay có lẽ là CĐS trong giáo dục và y tế. Đây là 2 ngành có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống xã hội, thu hút nguồn nhân lực và tài chính lớn nhất của xã hội, nhưng rất lúng túng trong CĐS. Đại dịch covid-19 đã làm bộc lộ sự yếu kém của giáo dục và y tế khi phải chuyển trạng thái, nếu không CĐS kịp thời sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ và có hậu quả nặng nề.
PV: Thời gian qua nhiều tỉnh thành phố cũng đã và đang thúc đẩy các hoạt động CĐS, là người tham gia vào chương trình hành động của một số địa phương, ông đánh giá như thế nào về cách làm của các địa phương hiện nay?
TS. Nguyễn Quân: Hầu hết các địa phương mà tôi có dịp tiếp cận đang xây dựng chương trình CĐS đều thể hiện tính quyết liệt trong hành động, phân công lãnh đạo cao nhất của địa phương chủ trì các Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Hội đồng tư vấn,…và mời các chuyên gia có uy tín, trình độ giúp địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS. Tuy nhiên, đề án CĐS của nhiều địa phương vẫn chưa thoát khỏi sự rập khuôn, xây dựng theo cơ cấu của quyết định 749, kể cả một số mục tiêu cũng đặt ra theo Quyết định 749 chứ chưa căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình. Ví dụ Đà Nẵng hay Ninh Thuận đều đặt ra mục tiêu tỷ lệ kinh tế số đến 2025 là 20% như Quyết định 749, trong khi Đà Nẵng là thành phố công nghiệp, có tiềm lực mạnh về nhân lực và tài chính lẽ ra phải đặt mục tiêu cao hơn, còn Ninh Thuận là tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, có thể đặt chỉ tiêu thấp hơn. Thêm nữa, các địa phương chưa đưa ra được giải pháp mang tính đột phá cho CĐS dựa trên đánh giá một cách khoa học về tiềm năng và lợi thế của địa phương mình. Đồng thời cũng còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực chính cần ưu tiên CĐS.
PV: Trong một hội thảo gần đây, ông có cho rằng CĐS phụ thuộc nhiều vào vai trò của người đứng đầu, lý do là gì thưa ông?
TS. Nguyễn Quân: Nói về chủ đề người đứng đầu trong CĐS thì có thể khẳng định vai trò của người đứng đầu bao giờ cũng là yếu tố hết sức quan trọng, đôi khi là vai trò quyết định trong một cuộc cách mạng. Thành công của mọi cuộc cách mạng đều gắn liền với vai trò của người đứng đầu, hay chúng ta thường gọi là thủ lĩnh, mà CĐS cũng là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng về trí tuệ. Nếu không có người đứng đầu đủ bản lĩnh, trí tuệ và tập hợp được những người giỏi nhất thì không thể có sự thành công của các quốc gia mới công nghiệp hóa (NIC) như Hàn Quốc, Singapore,…
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mà cốt lõi là CĐS cần một thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu vĩ đại của nó. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, có ý chí và theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Nếu thế hệ lãnh đạo sau không tiếp tục được tư duy và nhận thức của thế hệ trước, rất có thể công cuộc CĐS sẽ bị buông rơi giữa chừng và đất nước sẽ không bắt kịp con tàu 4.0 cùng thế giới.
PV: Xin ông cho biết cụ thể vai trò ấy là như thế nào?
TS. Nguyễn Quân: Nói về người đứng đầu trong CĐS chúng tôi thấy rằng có 4 tố chất chính:
Tầm nhìn của người lãnh đạo, nhận thức được vai trò quan trọng của CĐS đối với sự phát triển của địa phương, của quốc gia. Người đó cần có kiến thức đủ rộng về CĐS. Tất nhiên không phải là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu về CĐS, không nhất thiết phải biết Blockchain là công nghệ gì, trí tuệ nhân tạo vận hành ra sao, nhưng ít nhât nội hàm của CĐS cần phải nắm được. Người đứng đầu phải biết cần làm gì để thúc đẩy CĐS ở địa phương mình, phải bắt đầu từ đâu, sử dụng quyền lực, nguồn lực của mình như thế nào?
Tập trung được quyền lực trong tay mình, cùng với tập thể lãnh đạo, với địa phương thực hiện mục tiêu CĐS. Nếu như không có đủ quyền lực và ý chí để theo đuổi mục tiêu đó thì chắc chắn khó thành công.
Người lãnh đạo phải biết dùng người, tập hợp được những người tâm huyết nhất, những chuyên gia giỏi nhất của địa phương, của tổ chức mình để xây dựng chương trình CĐS một cách khoa học nhất, khả thi nhất.
Người đứng đầu phải dám chấp nhận thách thức, mạo hiểm. Bởi CĐS là cuộc cách mạng, khả năng thành công và khả năng thất bại là 50/50. Nếu chúng ta có quyết tâm, có người lãnh đạo đủ tầm, có nguồn lực thì tỷ lệ thành công cao hơn. Nhưng không ai khẳng định được nó có thành công 100% hay không. Do đó người đứng đầu phải chấp nhận thách thức, gần như là người bảo lãnh về mặt chính trị cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương CĐS của địa phương mình. Trong chừng mực nào đó còn phải chấp nhận hy sinh cả quyền lợi chính trị.
Trong quá khứ chúng ta đã từng thấy có đồng chí bí thư tỉnh ủy nhiều khi phải hy sinh lợi ích chính trị khi thực hiện chủ trương mà chưa được thừa nhận. Ví dụ đồng chí Kim Ngọc bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú trước đây khi thực hiện khoán hộ cho nông dân đã phải chịu kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên hành động của đồng chí bí thư đã mở đầu cho một giai đoạn đổi mới của Đảng và cho đất nước chúng ta, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu đói, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.
Tọa đàm tìm giải pháp cho cuộc cách mạng CĐS tại VN
PV: CĐS là hành trình dài, nhưng người đứng đầu ở thời điểm khởi xướng một đề án CĐS chưa hẳn đã là người theo suốt chương trình CĐS của một địa phương hay một doanh nghiệp. Vậy phải hiểu vai trò của người đứng đầu như thế nào cho đúng, thưa ông?
TS. Nguyễn Quân: Trong quan niệm của mỗi chúng ta, người đứng đầu phải là người giữ vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị hoặc hệ thống hành chính của một địa phương, một cơ quan. Ai ai cũng nghĩ mặc định người đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, các cấp khác cũng tương tự như vậy. Điều này cũng rất tốt nếu các đồng chí đó trực tiếp chỉ đạo thực hiện CĐS ở địa phương mình sẽ mang đến tỷ lệ thành công cao hơn.
Tuy nhiên, có vấn đề cùng phải suy ngẫm. CĐS là vấn đề quan trọng nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Không ai có thể dự báo được khi nào chúng ta hoàn thành được chương trình CĐS quốc gia. Vì vậy, nó đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành với chương trình này với thời gian đủ dài. Tuy nhiên trong hệ thống của chúng ta hiện nay thì có thể nói đây cũng là điểm thách thức. Trước đây có thể đồng chí bí thư là người của địa phương, trưởng thành từ cơ sở, được đại hội đảng bộ của địa phương bầu, gắn bó lâu dài với địa phương của mình. Nếu các đồng chí đó gắn bó với chương trình CĐS sẽ có những thuận lợi nhất định. Nhưng trong gian đoạn hiện nay có những biến động trong công tác tổ chức và cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cho nên nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh/huyện không đảm nhiệm được công việc hết nhiệm kỳ, thậm chí là vài ba năm đã được điều động đi địa phương khác, cơ quan khác. Cho nên khái niệm người đứng đầu trong CĐS chúng ta có thể lại phải hiểu theo xu hướng mang tính tượng trưng – vị trí của người đứng đầu chứ không hẳn là một con người cụ thể.
Ở địa phương khi đã thống nhất trong tập thể lãnh đạo, cùng một ý chí thì phải xác định vị trí đứng đầu hệ thống chính trị và hệ thống hành chính cho dù là ai cũng phải tuân thủ ý chí của tập thể lãnh đạo. Nó phải được thể hiện trong nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân. Tất cả đường đi nước bước, lộ trình CĐS hướng tới mục tiêu CĐS của địa phương cũng phải được tuân thủ, cho dù ai được giao đảm nhiệm chức vụ bí thư tỉnh ủy hay chủ tịch UBND tỉnh. Như vậy tính kế thừa mới phát huy được, mới có đủ căn cứ pháp lý, đủ uy tín chuyên môn cũng như ý chí chính trị để thực hiện bằng được chương trình CĐS của địa phương mình.
Khi chúng ta đã chọn đúng người, giao đúng việc thì người đứng đầu phải tin tưởng những người mình đã lựa chọn, những người mình giao việc. Thậm chí trong một chừng mực nào đó, giao quyền lực cho người được giao thực hiện những nội dung lớn của chương trình CĐS. Những người đó có thể là người trong bộ máy của địa phương nhưng cũng có thể là chuyên gia được mời hoặc thuê từ các tổ chức trong nước và quốc tế để giúp cho địa phương mình. Họ chỉ có thể làm việc tốt khi họ được tôn trọng, được giao quyền lực đầy đủ và được tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
PV: Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!