Tiêu đề bài viết trên báo Đầu tư ngày 3/2/2020
Sau khi bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”của TS Nhị Lê đăng trên báo Đầu tư ngày 3/2 nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, rất nhiều quan điểm khác nhau về tựa đề bài viết này.
Theo đó, bài báo của TS Nhị Lê đăng tải nêu rằng: “Trong 90 năm qua, chưa bao giờ như bây giờ, đạo lý phải được nêu cao và cổ vũ, pháp lý phải được toàn dụng và phát triển, lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh, Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường. Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc”.
Bài báo cũng nêu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Chính trị lúc này là đạo đức. Đạo đức chính là đòi hỏi và cũng là nền tảng để Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc Việt Nam”.
Sau khi bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” của TS Nhị Lê đăng trên báo Đầu tư ngày 3/2, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có rất nhiều quan điểm khác nhau về tựa đề bài viết này.
Xung quanh vấn đề trên, trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, “không nên đặt tựa đề như thế” vì có thể “gây hiểu nhầm” và có thể “ảnh hưởng tới vai trò, sứ mệnh của Đảng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, tựa đề trên xuất phát từ tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Marx và F.Engels, được nêu cụ thể rằng: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”. Quan điểm đó có nghĩa là giai cấp vô sản phải đại biểu cho lợi ích của toàn dân tộc và là người lãnh đạo phong trào dân tộc.
Vị chuyên gia này cho rằng bài báo cần trích dẫn đầy đủ ý của C.Marx và F.Engels sẽ có hiệu quả tốt hơn và phải diễn đạt dưới góc cạnh và bối cảnh cụ thể.
“Còn với lối diễn đạt như trên khiến nhiều người khó hiểu”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
“Vấn đề này được nêu rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Ý nghĩa “tự vươn lên thành giai cấp dân tộc” mang nội hàm là “trở thành người đại biểu cho lợi ích của dân tộc, đấu tranh trong lòng dân tộc”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc diễn giải.
Ngoài ra, từ “dân tộc” ở đây không mang nghĩa là “tộc người” theo nghĩa hẹp (như Việt Nam có 54 dân tộc người là Kinh, Thái, Nùng, …), mà phải được hiểu theo nghĩa rộng, tức là toàn bộ nhân dân cả nước, gọi chung là dân tộc Việt Nam.
“Cách trình bày tựa đề của bài báo trên là rất máy móc theo ngôn từ, có thể gây hiểu nhầm cho người đọc. Cách diễn đạt đúng phải là làm rõ ý nghĩa “Đảng là đại biểu chân chính lợi ích cho dân tộc”, ông Phúc cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.
Bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” của TS Nhị Lê đăng trên báo điện tử Baodautu.vn. (Ảnh chụp màn hình)
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia hàng đầu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với VTC News rằng, “không nên đặt tựa đề như thế” và đó là cách làm “rất không ổn”.
“Đầu tiên, cách sử dụng tựa đề như trên là thiếu chính xác. Tiếp đó, sẽ gây lập lờ, hiểu nhầm. Sau cùng là tạo ra kẽ hở để người ta có thể hiểu rằng, từ xưa đến nay Đảng không đại diện cho dân tộc.
Bởi vì về bản chất sâu xa, bản thân Đảng phải là dân tộc, chứ không phải “phấn đấu trở thành” nữa. Đảng là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động và của toàn dân tộc”, chuyên gia chia sẻ.
“Nếu nói như trên thì vô tình phủ định rằng, từ trước đến nay Đảng không trở thành dân tộc, không đại diện cho dân tộc. Cho nên, không nên đặt tựa như thế. Một tựa đề rất không hay. Vì có thể tạo kẽ hở cho người xấu lợi dụng”, chuyên gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, cách đặt tựa đề trên vô tình “tự mình phủ định chính mình toàn bộ từ trước đến nay”. Đó là cách đặt hoàn toàn không ổn.
Cũng có cùng ý kiến này, chuyên gia khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, tựa đề bài viết trên “không rõ ràng” và “không tường minh”.
“Tôi cho rằng, đối với những người làm công tác nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ hiểu được ý tựa đề trên. Nhưng với những người không có chuyên sâu về tư tưởng của Bác, thì sẽ có nhiều thắc mắc, khó hiểu”, chuyên gia này chia sẻ.
Tựa đề trên có trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được kế thừa và phát huy từ lý luận của C. Marx và F. Engels được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
“Ở đây, từ “dân tộc” phải hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa bao hàm quốc gia, toàn thể 54 dân tộc anh em, đồng bào trong và ngoài nước. Hơn nữa, Đảng là đại diện lợi ích cho toàn dân tộc. Mục tiêu của Đảng không nằm ngoài mục tiêu, lý tưởng của dân tộc. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do đó, Đảng và dân tộc là thống nhất”.
“Tựa đề đăng trên báo in vừa qua, được trình bày thiếu tường minh và cần phải bỏ vào trong ngoặc kép (vì dẫn theo tư tưởng của Bác Hồ). Đây có thể xem là ý tưởng cá nhân và xuất phát ý kiến chủ quan của tác giả và tòa soạn”, vị này phân tích thêm.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, viết về tư tưởng của Bác Hồ vừa dễ lại vừa khó. Dễ là những gì Bác nói từ ngày xưa, thì đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Còn khó là ở chỗ, bối cảnh lúc Bác Hồ nói, tình hình thực tiễn khác so với hiện tại.