Ấy thế nhưng nếu không có nó hắn sẽ lỡ bao nhiêu chuyện vì hắn không thể đậy đúng giờ. Hắn cũng không nhớ nỗi đã có bao nhiêu ngày tháng hắn bật dậy tất tả sau tiếng chuông báo thức. Lâu dần rồi cũng thành quen, thành thân thiết. Đến nỗi, mỗi sáng cuối tuần, tầm đấy, hắn vẫn ngóc dậy tắt chuông rồi ngủ tiếp mặc cho vợ hắn vừa lật nghiêng người vừa làu bàu thứ gì đó…
Sáng nay cũng vậy, cẩn thận gạt tắt chuông trên cái màn smat-phon xoi xói vào đôi mắt đang thèm ngủ, hắn lật chăn, trườn khỏi giường. Trời lạnh. Dường như mùa đông năm nay dồn cả cái lạnh vào một đợt gió mùa dai dẳng, rét đến thấu xương. Phòng kín, chăn ấm nhưng cái lạnh vẫn len lõi vào từng thớ thịt. Hắn lạnh có lẽ cũng bởi đã hết thời trai trẻ. Đó là cái thời còn ở quê mấy manh áo cộc, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt thế nhưng chạy vù mấy vòng rồi múc ngay nước dưới giếng lên xối ào ào như không, người bốc hơi nghi ngút. Thế ra hắn đã không còn trẻ nữa rồi, tóc hắn cũng đã vài sợi bạc…
Hắn cẩn thận dém chăn lại cho thằng cu, rồi hôn lên trán nó một cái. Đó là điều sáng nào hắn cũng làm mặc cho thằng cu lại quầy quậy vì bộ râu cứng ngắc lởm chởm của hắn làm nó khó chịu. Hắn luôn làm thế trước khi rời khỏi phòng ngủ bởi có khi chiều nay hắn sà vào một cuộc nhậu nào đó, về muộn thì thằng cu con lại đã ngủ, rồi sáng ra hắn lại đi sớm nên vài ngày không thấy mặt bố là chuyện thường tình...
Hắn vội vàng mở cửa, gió lạnh xộc vào mặt. Rát và khô khốc. Vừa khóa lại cửa hắn vừa lẩm bẩm đếm 1,2,3,4 vừa sờ soạng khắp người. Cái tiết mục này trông thật ngớ ngẩn nhưng lại có ý nghĩa và hiệu quả cho một kẻ đãng trí như hắn. Số là hắn ra khỏi nhà từ sáng sớm, tối mịt mới về, chỗ hắn làm cách nhà 50 cây số vì thế nếu lỡ quên bất kỳ thứ gì sẽ hết sức phiền toái, thậm chí có nguy cơ thành thảm họa của ngày hôm đó. Nhiều lần hắn đã quên, khi thì chùm chìa khóa, khi vé xe, khi điện thoại … nhưng căng nhất là quên ví, thứ mà trong đó có tiền và cả một mớ thẻ, giấy tờ đủ loại. Nhiều lần tự “kiểm điểm” bản thân rồi hắn nảy ra một ý, hắn đặt tên cho mỗi thứ một con số, ban đầu là ví, số 1, rồi chùm chìa khóa số 2, điện thoại số 3, vé xe buýt số 4… Cứ mỗi sáng ra khỏi cửa là hắn sờ soạng và lẩm nhẩm, nhờ thế nếu thiếu thứ nào kịp bổ sung ngay khi hành trình vừa mới bắt đầu. Thế mà có hiệu quả thật, nhiều khi hắn xem đây là một sáng kiến và đắc chí cười một mình.
Sáng nay trời lạnh nhưng không mưa, như thế là ổn với hắn bởi không cần cắp thêm một cái ô lệch kệch. Hắn cẩn thận xem lại khóa khóa cổng lần nữa rồi rảo những bước chân đầu tiên trong cái lạnh se sắt. Những sáng mùa hè hay mùa đông trời không mưa như hôm nay thì hắn chỉ cần khoảng 15-20 phút để đi bộ ra bến xe buýt. Chỗ nhà hắn phải qua vài ba con phố mới tới nơi đón xe. Bởi thế là sáng nào cũng vậy, tầm giờ này hắn bươc đi trong ánh đèn vàng hiu hắt của phố xá im lìm, nhiều khi hắn cũng muốn được “ngủ nướng” như cái thành phố mà hắn ở… Đi mãi rồi cũng quen, rồi hắn cũng cảm thấy thích thú khi đi trên đường phố vắng tênh tao, chỉ một vài bóng người xe qua lại, một vài ngôi nhà lên đèn mờ ảo trong sương sớm. Con phố trong mắt hắn bấy giờ thật đẹp, trong lành và hiền hòa, hoàn toàn chẳng liên quan gì với nghẹt ứ, với ồn ào, với khói bụi ngút trời, hệt như là sự nổi giận của phố xá bị đọa đày, trong những giờ cao điểm…
Qua ngã ba đầu tiên, thế là hơn nửa đường. Hắn ngửi thấy cái mùi bánh canh quen thuộc se trong gió lạnh và bất chợt quyết định: sáng nay sẽ ăn bánh canh. Cái sự nghiệp ăn sáng của hắn kể cũng khá phức tạp bởi giờ giấc đã được căn chỉnh gần như tuyệt đối, bởi thế hắn chỉ có hai lựa chọn một là ăn khi trời còn nhá nhem và hai là khi trời sáng hẳn. Đơn giản là hắn chỉ có thể ăn trước khi lên xe buýt hoặc sau khi xuống xe đến cơ quan. Thông thường hắn hay ăn trước, ăn như một con cú đêm để chủ động bởi có lúc xe chậm “lốt” là coi như mất hẳn quyền ăn sáng. Nhiều hôm hắn cũng đến cơ quan rồi trốn đi ăn nhưng rất phiền hà. Thế nhưng cái giờ tranh tối tranh sáng này trên trục đường hắn đi chỉ mỗi quán bánh canh đóng gần nhà máy sợi là mở sớm, có nghĩa rằng hắn ít có lựa chọn cho mình...
Chủ quán bánh canh là một cụ bà tầm 65 tuổi, ít nói nhưng rất chu đáo. Quán của bà cụ được quây bằng mấy tấm bạt, kê mấy cái bàn chủ yếu để bán cho công nhân làm ca hay tan ca sáng. Cái quán này hắn là khách hàng thân thiết, nhiều lúc hắn định ăn một thứ gì khác nhưng thương bà cụ hắn lại tạt vào. Bánh canh của bà cụ làm khá sạch sẽ, ngon nhưng giá lại rẻ. Bà cụ bán rẻ bởi khách hàng chủ yếu là công nhân hai nhà máy gần đấy.
Hắn vừa húp xì xoạp bát bánh canh tận hưởng bữa sáng trong âm thanh đều đều phát ra từ cái đài nhỏ của bà cụ xen lẫn mấy câu chuyện không đầu không cuối từ tốp công nhân vừa tan ca. Quán của bà cụ tuyềnh toàng nhưng cái bếp than củi lại là một điểm tập kết lý tưởng của những người công nhân vừa đứng máy trong đêm lạnh. Ở cái thành phố này ít quán nào còn nấu un bằng củi, muốn kiếm củi nấu vài hôm còn khó chứ chưa nói đến quán hàng như bà cụ. Có lần hắn hỏi, bà cụ bảo quán tạm, đầu tư bếp điện hay bếp than cũng tốn kém, trong khi nấu bánh canh bằng bếp củi vừa nhừ vừa giai, ngon hơn nấu bếp khác. Mùa hè có hơi nóng nhưng mùa đông ít nhiều cũng được sưởi ấm, củi lửa có hiếm nhưng bà cụ vẫn nhặt được, nhiều người thi thoảng lại gom góp cho bà cành cây, vật dụng cũ... Hắn cũng thích cái bếp của bà cụ, mỗi lần vào đây, nhất là ngững ngày đông giá hắn lại nhớ cái hồi còn nhỏ ở quê suốt ngày quanh quẩn bên bếp lửa với bà ngoại. Cái hơi ấm đó dường như còn quanh quất đâu đây…
Ngồi gần hắn là hai nữ công nhân bụi bông trắng toát còn vương trên đầu tóc, áo quần vừa ăn xong đứng dậy xin ghi nợ hẹn 15 ngày nữa nhận tiền tết sẽ thanh toán một thể. Có lẽ bà cụ cũng là người cho ăn nợ duy nhất ở cái quảng phố này, nhiều khi hắn nghĩ bà cụ vừa thương họ, vừa không có sự lựa chọn. Hai cái nhà máy này cũng khá lớn trong khu vực, công nhân lên đến cả ngàn thế nhưng lương thì èo ọt. Công nhân làm tại nhà máy chủ yếu ở các vùng lân cận, trong số đó cũng chủ yếu là thanh niên kéo nhau theo phong trào lên phố để rồi lương không đủ trang trải, sống lay lắt đã đành còn bập vào tệ nạn, nợ nần. Nhiều công nhân nữ cứ đêm làm ca, ngày về ngủ vùi chôn cả tuổi thanh xuân nơi phố thị …
Nếu bà cụ không quên nhắc hắn trễ giờ xe, hắn còn miên man trong dòng suy nghĩ. Hắn uống nước, trả tiền rồi cầm vội cái tăm đứng dậy bước nhanh về điểm chờ xe buýt …
Xe hôm nay đến đúng giờ, hắn sẽ trễ chuyến nếu chậm mấy bước chân. Sáng nay xe rảnh thế nhưng hắn vẫn ngồi cuối xe. Bấy nhiêu năm đi làm bằng xe buýt, hắn đã ngồi đủ mọi vị trí trê xe, nhưng, chỗ ngồi thích nhất vẫn là ghế phía sau cùng, chỗ đó hơi xóc nhưng ít bị xáo trộn, yên ổn. Hắn liếc qua một lượt, đưa ánh mắt và gật đầu ra vẻ chào hỏi một vài người quen trên xe, đó là những người sáng nào cũng chung sự nghiệp “gập gềnh” như hắn. Đi làm qua lại giữa hai cái thành phố nhỏ bằng xe buýt có cả trăm người, người ở thành phố này lại làm ở thành phố kia và ngược lại. Hơn 10 năm lên lên, xuống xuống hắn quen mặt hầu hết những người này, cứ tầm giờ sáng đó, rồi buổi chiều cũng vậy cùng nhau chen chân trên những chuyến xe buýt gập ghềnh.
Trời bắt đầu sáng hẳn, xe từ từ qua trạm thu phí rồi qua cầu. Cái cầu sắt bắc qua sông này mới đó mà cũng ngót nghét 30 năm tuổi. Khi hắn lên chín mười tuổi thì cầu thông, chấm dứt những chuyến phà ì ạch đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ của hắn. Nhớ nhất vẫn là mỗi dịp hè ngày nào hắn cũng cùng với mấy đựa bạn, đầu tóc cháy sém, da đen nhẻm cầm mỗi đứa một cái ấm nhôm len lỏi trên từng chuyến phà để bán nước. Những chuyến phà ì ạch chầm chậm trong ký ức tuổi thơ của hắn, những niềm vui, nỗi buồn theo những năm tháng tuổi thơ hắn không bao giờ quên được. Đó là những ngày gian khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mẹ hắn đi làm bốc xếp ở cảng. Mỗi lần ca rảnh, mẹ hắn tranh tủ bóc vỏ cây gỗ ở chân cầu cảng, cái thứ vỏ cây được ngâm lâu ngày bốc mùi vô cùng khó chịu để mang về phơi khô làm củi nấu. Bố hắn đi bộ đội xa một mình mẹ hắn lo mọi việc, từ cái ăn cái mặc, đến học hành cho anh chị em hắn. Cho đến bây giờ hắn vẫn không thể nào quên được những lần chân thấp chân cao chạy thục mạng từ bến phà về nhà để chỉ để hét hai tiếng “phà tắc” vào tai mẹ nó. Khuôn mặt mẹ nó lúc này dãn ra rồi tay chân quýnh quáng cùng chị hắn vo gạo, ôm rơm củi nhanh chóng nấu cơm, thức ăn…Thời điểm đó, bán cơm cho khách tắc phà là nguồn thu nhập tốt nhất của gia đình hắn. Phà tắc thì lữ khách buồn nhưng với hắn, gia đình hắn lại rất mừng. Mừng bởi mẹ hắn sẽ bán được cơm, hắn sẽ bán được nước, chị hắn cũng bán được vài bắp ngô, khoai luộc, mía … và như thế cả tháng tới hắn sẽ được ăn cơm vài bữa. Mỗi lần phà tắc hắn cứ chạy đi chạy lại như con thoi để thông báo tình hình cho mẹ hắn như xe tắc đến đâu, phía nào tắc nhiều hơn, nhà phà có thông báo gì … Những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm vui buồn mà không bao giờ quên, cho đến tận bây giờ thi thoảng nghĩ lại nước mắt cứ chảy dài khi nhớ đến khuôn mặt mẹ buồn rười rượi với gánh cơm ế ẩm trĩu nặng trên vai trở về. Không bán được cơm nhân lên bội phần những lo toan của mẹ, nhưng với chị em hắn là cả một niềm vui vô bờ bến, đơn giản chỉ là được đánh chén một bữa cơm ngon mà thôi. Những năm tháng đó nhà hắn dằng dặc chỉ ăn khoai sắn độn...
Dòng suy nghĩ của hắn bị ngắt quảng bởi tiếng của phụ xe chát chúa. Một thằng bé trạc tầm tuổi con hắn đeo lỉnh kỉnh đủ thứ hàng vặt đứng khép nép giữa lối đi. Thằng bé vừa bị to tiếng vì mang đồ kềnh càng lên xe, một người bạn của hắn đứng dậy xoa đầu rồi nhường chỗ cho nó, trông nó thật tội nghiệp ngồi xuống một cách dè dặt không khỏi nhìn về phía nhân viên soát vé … Hắn cảm thấy cay cay ở khóe mắt, tầm tuổi con hắn thôi đã phải sớm mưu sinh trong giá lạnh. Thỉnh thoảng hắn vẫn gặp những người bán hàng rong di chuyển trên xe buýt từ thành phố này sang thành phố khác, bán hàng xong tối lại về. Đó là những người khổ hạnh và kém may mắn, thế nhưng nhiều lúc khổ hạnh hay vất vả của người này có khi lại là niềm mơ ước và hạnh phúc của người khác…
Tiếng radio đều đều, cái chương trình JonFm sáng nào cũng được tài xế cho mở để thay đổi không khí. Nhiều người trên xe đã lại gật gù, ngủ vay trong cái thời gian chết buồn tẻ. Hắn ít khi ngủ trên xe, ngày nào hắn cũng ngồi nhìn qua ô cửa xe lướt qua từng góc nhìn quen thuộc, thi thoảng hắn lôi cái smatphon ra lướt facerbook xem vài thông tin trên dòng thời gian, lai dạo một vòng rồi chuyển sang đọc báo, nắm thông tin thời sự. Sáng nay hắn lướt qua hàng tin nào “cướp, hiếp giết”, rồi “vào lò, nhập kho”…nhưng chợt dừng lại rất lâu ở bản tin xe congteno cướp đi hàng loạt sinh mạng của nhiều người khi dừng đèn đỏ ở miền nam. Cuộc đời vô thường đến thế là cùng, chỉ dừng đèn đỏ trong phút chốc đã xa lìa trần thế! Hắn chợt nghĩ nghĩ có được thêm một ngày để vất vả, lo toan đã là may mắn và hạnh phúc!
* * *
Xe vào thành phố, chạy chậm lại. Khách bắt đầu xuống rải rác. Hắn xuống điểm quen thuộc hàng ngày. Ngồi trong xe không lạnh nhưng bước xuống ra đường cái lạnh ùa xộc vào người làm hắn chững lại. Hắn đi qua mấy con phố quen, hàng quán cũng đã bày bán, không khí tết đã về trên từng hàng cây phố xá. Hắn liếc nhìn đồng hồ, mới bảy giờ, ba mươi phút nữa mới tới giờ làm việc, hắt tạt vào quán nước con con ở góc đường trước cơ quan gọi một ly trà nóng. O ép cái ly nước trong hai lòng bàn tay vừa tán chuyện với ông cụ chủ quán. Ông cụ là một người hóm hỉnh, về hưu mở quán nước để phụ vào đồng lương ít ỏi sống qua ngày. Hắn thường trêu đùa ông cụ là trung tâm tin tức thông tấn xã, mỗi lần ngồi ở đây hắn cũng có được thông tin gần xa, trên dưới. Sáng nay ông cụ đang say sưa với mấy thanh niên làm tòa nhà đối diện nào là bác x chuẩn bị về hưu, anh y chuẩn bị sang làm bí thư thành phố, rồi mưa rét hư hại hoa màu, tai nạn hay mấy tay quản lý thị trường gần tết ăn bẩn bị bắt …
Hắn uống hết cốc nước, cười chào ông cụ rồi leo lên tầng ba mở phòng làm việc. Cái mùi âm ẩm của hai ngày cuối tuần không mở cửa trong phòng làm hắn hơi khó chịu. Hắn bật máy tính, cắm nước sôi rồi ngồi vào ghế bắt đầu dọn dẹp cái đống giấy tờ ngổn ngang công việc từ tuần trước. Cái ngưỡng cuối năm cơ quan to nhỏ gì cũng đều bận rộn, không báo cáo báo chồn thì cũng tổng kết kiểm điểm, không rốt ráo thanh toán thì cũng xốc hạng mục còn tồn đọng… Hắn cũng trong cái vòng quay ấy, phòng hắn thuộc dạng nhàn nhất cơ quan thế mà cũng lu bù, vất vả. Cả tháng trời xoay một lúc nhiều việc làm cho hắn cũng rệu rã, mệt mỏi, nhưng may mắn là công việc đều hanh thông thuận lợi. Cái đời làm công ăn lương trong thời đại này nhiều khi cũng mùa vụ, khi thì làm thâu đêm suốt sáng, không ngày nghỉ thứ bảy chủ nhật, khi thì nhàn nhã ngồi chơi chờ việc…
Hắn mở cái trang điều hành nội bộ cơ quan xem tuần này được giao việc gì, ôi chao mới update mà đã ba mục đỏ choét. Lướt qua thấy những việc được giao từ thứ 7, thế đấy, làm xếp cũng có cái khổ. Cuối tuần hắn về nhà, tắt máy, thế là xong. Còn ông xếp cần mẫn của hắn lại lụi cụi lên cơ quan, xem xem, sắp sắp phân công việc từ thứ bảy. Cái cơ quan bé tẹo của hắn tưởng chừng như không có việc gì để làm thế nhưng việc cũng đầy rẫy, các sở ngành có món gì thì tất cơ quan hắn cũng hầu như có món đấy. Thế nhưng sở ngành nó lớn, nhân lực dồi dào, cao thủ cũng nhiều, giúp việc cũng lắm làm việc gì còn đỡ. Cái cơ quan hắn một vài biên chế lơ thơ nên nhiều lúc cũng chạy marathon bở cả hơi tai …
* * *
Đồng hồ chỉ mười một giờ ba mươi. Hắn nhấc điện thoại bàn, bấm những con số mà hắn đã thuộc làu, đó là số ship cơm hộp. Hắn gọi một suất cơm và một ly cà phê rồi đi xuống tầng một vào phòng bác bảo vệ chờ cơm ship tới. Buổi trưa hắn thường ăn cơm một mình, thi thoảng gọi thêm suất cùng ăn với bác bảo vệ, khi thì ra đầu ngõ phố ăn bún, cơm rang, mì xào. Ăn lắm rồi cũng chán, quanh đi quẩn lại cũng mấy món chỉ là đổi thứ tự.
Hắn cầm hộp cơm đi lên phòng, cả cái khu này rất ít người ở lại, hầu hết nhà gần nên họ về nhà ăn cơm, cái thành phố bé tẹo này cũng chưa làm thông tầm nên cái kiểu ăn trưa trực cơ quan gàn dở như hắn cũng vào loại hiếm. Hắn mở cửa cho mùi thức ăn khỏi ủ lại trong phòng làm việc, mùa đông còn đỡ, mùa hè mùi thức ăn quện với mùi điều hòa trở nên hết sức khó chịu. Hắn vừa ăn vừa hướng về cửa sổ nhìn xiết xuống góc đường quen thuộc, đó là một con đường rộng với hàng cây dài khá đẹp. Buổi trưa nào ở lại hắn cũng nhìn xuống đó bởi góc phố này thường hay huyên náo, tiếng cười nói của những người cửu vạn. Nào xe thồ, bốc vác, thu gom phế liệu … cứ tầm đứng bóng, hôm nào cũng tập trung về đây để ăn trưa, chuyện trò một cách vui vẻ. Điểm tập kết này với họ khá lý tưởng khi mùa hè cây che bóng mát, thoáng gió, vỉa hè sạch sẽ, mùa đông có thể ngồi khuất trong các bậc thềm tránh gió.
Hắn ăn trưa rất nhanh, vèo cái hết suất cơm. Một phần vì đói và lạnh, một phần vì hành trình “ngày” của hắn mới đi qua một nửa. Ở dưới mấy hàng cây dần râm ran vui nhộn, cái âm thanh ồn ào thu hút hắn từ rất lâu mỗi khi ở lại bởi nó đối lập hoàn toàn với sự vắng lặng của công sở ban trưa. Hắn cầm li cà phê ra hành lang trước phòng làm việc, châm một điếu thuốc, rít một hơi dài. Ở dưới kia những người cửu vạn đã khá đông, họ chia thành từng nhóm, người mắc võng vào cây, người trải bạt, ni lon túm tụm, người ngồi, người đứng vừa mở cơm ăn, tiếng nói cười không dứt. Thi thoảng một vài người lại đi lại lại, họ chia nhau một vài quả cà, đổi nhau một tý rau, vài thìa vừng lạc, rồi xin nước chè xanh, thuốc lào huyên náo một góc phố. Ăn uống xong cứ thế ai nấy tùy nghi nằm nghỉ, người cuộn mình trong võng, người úp nón lên mặt ngả người ngay trên bậc thềm, người tựa vào tường cứ thể mà nghỉ, thậm chí có nhiều người vắt vẻo trên yên xe máy dựng bằng chân chống giữa… Hắn biết trong số họ rất nhiều người không phải là cửu vạn “chuyên nghiệp”, đó là những người dân ven thành phố tranh thủ lúc nông nhàn lên phố mưu sinh kiếm thêm thu nhập. Cái nghỉ trưa chớp nhoáng chỉ là một phần gian truân vất vả của những phận đời khốn khó giữa bộn bề cuộc sống, giữa thế giàu sang, uy nghi tráng lệ…
Cuối chiều. Một thằng bạn thân gọi hắn rủ đi làm vài chén. Ban đầu cái cảm giác gặp bạn bè chém gió cũng kích thích hắn tột độ, nhưng rồi hắn nhanh chóng nhận ra tuần trước hắn khá nhiều hôm không ăn cơm nhà. Hắn từ chối bằng một lý do nhạy cảm nhất: uống thuốc! Tiếng thằng bạn làu bàu trong điện thoại rồi mất hẳn, thế nhưng hắn biết nó chẳng hề giận bởi hôm sau chúng bạn lại cười hả hê trong tiết mục chuộc lỗi bằng một chầu nào đó với cả hội. Hắn chậc lưỡi thả bộ về bến xe buýt, vừa đi hắn vừa nghĩ lung bung trong đầu, sao cuộc đồi này cứ thế đếch nào cũng nhậu, tăng lương nhậu, điện thoại mới nhậu, áo mới nhậu … thậm chí có bồ mới cũng nhậu. Nhậu tất, miễn là có lý do để nhậu. Thời đại bây giờ cái gì cũng đưa lên bàn nhậu để cân tất, mà đã nhậu là phải nhiệt tình. Hắn chợt nhớ cái thời thanh niên chưa vợ, chiều nào chơi thể thao xong cũng nhậu cho tới khuya mới về, liên miên ngày này qua tháng khác, hậu quả cho đến bây giờ dạ dày hắn đã quá tải, nhiều hôm đau quằn quại. Thế nhưng không nhậu cũng buồn. Bạn bè anh em lâu lâu gặp nhau chẳng nhẽ chỉ nhìn nhau, đánh chén rồi đường ai nấy về, không có chén chú, chén anh thì lấy gì vui vẻ, thú vị…
* * *
Hắn không bỏ rượu nhưng giảm uống hẳn, có những tuần hầu như không uống một bữa nào. Bạn bè anh em gọi hắn cứ lấy lý do còn chưa lành hẳn, nhiều đồng đội, bạn bè gọi một lần không được, hai lần không được, châm chích, khích bác chán rồi cũng thôi. Thực ra hắn có khiếu hài hước, sôi nổi, không có hắn cuộc nhậu nào cũng buồn đi một nữa. Hắn cũng buồn. Thế nhưng bạn bè hắn không quên hắn, cứ có sự kiện là là nhớ đến hắn, gọi hắn, còn hắn đến được không là tùy hắn. Rồi thi thoảng hắn cũng ngồi một bữa nhưng uống cầm chừng, bạn bè anh em dần cũng quen, không còn ép hay khích bác nữa và đặt cho hắn biệt danh “chuyên gia phá mồi” bởi hắn đến bàn nhậu chỉ để ăn mà thôi …Chiều nay cũng vậy, hắn cũng đã từ chối một cuộc nhậu.
Hắn tới bến xe buýt, ngồi ghế chờ. Mùa đông đúng là nhanh tối thật, mới có sáu giờ kém mà trời đã nhá nhem. Cái đèn đường đối diện nhà chờ hắt màu đỏ quạch lên cả đoạn phố, trời càng về tối càng lạnh se sắt. Tầm mười phút, xe tới, hắn bước lên cửa sau, xe rảnh chỉ một vài khách. Giờ này hầu hết ai cũng đã về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình, chỉ có những kẻ như hắn còn vật vờ lắc lư trên đường mà thôi. Chuyến xe buýt gần cuối ngày chở hắn lầm lũi bươn qua từng con phố quen thuộc một cách khó nhọc, dừng đỗ đón khách vài bến rồi ào ra ngoại thành. Trời đã tối hẳn và bắt đầu mưa phùn, trên xe chỉ khoảng tầm chục khách, người lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, người nghe nhạc quan heat phon, người chúi mũi vài điện thoại lắc lư theo nhịp xe lao vút đi trong làn mưa bụi …
Hắn cũng thế, rút điện thoại ra nhưng không phải để lướt facerbook hay lai dạo như ban sáng mà để thực hiện ước định cuối cùng của ngày mà hắn đặt ra. Hắn đeo tai nghe, mở phần mềm và học hai từ mới tiếng Anh. Cái trò này hắn nghĩ ra cách đây vài năm mà theo triết lý của hắn là “giết thời gian một cách có ý nghĩa”. Ban đầu mỗi ngày hắn học những năm từ, thế nhưng rồi học trước quên sau, cộng với cái bản tính lơ là của hắn khó thực hiện được mục tiêu thế nên hắn quyết định giảm xuống còn hai từ trong mỗi buổi chiều trở về nhà. Mấy năm hắn thực hiện kiểu xoay vòng hôm nay học được hai từ mới nhưng hắn lại quên mất hai từ của những tháng đầu năm, và thế là “lượng không đổi”. Thế nhưng nếu khách quan lượng từ mới của hắn cũng kha khá và cũng đủ làm hắn hài lòng.
Xe bắt đầu vào thành phố, chậm chậm nép từng bến đỗ, gần đến điểm dừng quen thuộc hắn đứng dậy nhấn đèn, không quên chào bác tài rồi bước xuống. Trời mưa phùn và lạnh. Hắn kéo xéc áo lên kín cổ, đút tay vào túi áo. Bàn tay hắn gặp ngay thứ gì đó như giấy, đó là cái phong bì của buổi họp ban chiều. Hắn dừng lại rồi lùi mấy bước rẽ vào tiệm bánh mà thằng cu con rất thích. Hắn mua hết cả số tiền họp, xách túi bánh ra khỏi cửa hàng trong làn mưa bụi se sắt của những ngày cuối năm.
Hắn châm một điếu thuốc vừa đi vừa mường tượng ra cái cảnh quen thuộc khi hắn tra chìa khóa lạch cạch mở cổng, thằng cu hắn xộc ra hét lên hai từ như mọi ngày “bố về” rồi thót lên người hắn. Phía trong nhà mẹ, con gái và vợ hắn đang chờ đợi hắn bên mâm cơm còn nóng hổi. Đó là điểm tập kết cuối ngày của hắn.
Xuân Canh Tý 2020