"Suy tư", "trăn trở", "tâm huyết và đầy trách nhiệm" là những từ mà ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương) đánh giá khi nhắc đến bài viết về lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo ông bài viết đã tác động mạnh mẽ, có sức lan toả nhanh và sâu rộng trong dư luận xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
"Đây cũng chính là chỉ đạo xuyên suốt của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong vấn đề này để giúp các cấp ủy đảng triển khai thực hiện trong thời gian tới", ông Hà nhấn mạnh với Zing.
- Tổng bí thư khẳng định kiên quyết không để lọt vào Trung ương những cán bộ có khuyết điểm, như cán bộ giàu nhanh và có nhiều tài sản, nhà đất nhưng không giải trình rõ nguồn gốc; có biểu hiện quan liêu, cơ hội, lợi ích nhóm, có người thân vi phạm, lợi dụng chức quyền để trục lợi. Theo ông, vì sao người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh điều kiện này?
- Quan điểm của Đảng là kiên quyết đấu tranh khắc phục tính cá nhân chủ nghĩa theo kiểu “yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu”.
Vì thế lần này, Tổng bí thư đặc biệt lưu ý 2 vấn đề: “không bỏ sót” và không để lọt”.
Không bỏ sót người có đức, có tài. Và không để lọt những người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, những người không xứng đáng, không đủ phẩm chất tư cách vào Ban chấp hành Trung ương.
Bởi vì nếu những người đã vướng vào tham nhũng, có phẩm chất đạo đức không trong sáng, tư cách đảng viên không còn mà lại được cơ cấu vào cơ quan lãnh đạo của Đảng thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Đây chính là cơ hội để họ càng hại Đảng, hại nước, hại dân nhiều hơn.
Vì thế, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, các cơ quan tham mưu về cán bộ phải công tâm, khách quan, vô tư, trong sáng và có con mắt tinh đời là thế.
Thực tế hiện nay cũng có người cải trang giỏi lắm, động tác giả giỏi lắm nên phải có con mắt tinh đời để nhìn cho thấu, nhìn cho ra.
Việc cán bộ không được để bản thân hay vợ, con, người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi cũng đã được quy định rõ trong Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương.
- Cán bộ có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu cũng là nhóm được quán triệt “không để lọt vào Trung ương”. Làm thế nào để nhận diện những khuyết điểm này, thưa ông?
- Nói là như thế thôi nhưng khi cụ thể ra thì nó rất phong phú. Với cái gọi là “tham vọng quyền lực” cần phân tích rõ, vì con người ai cũng muốn tiến bộ, đó là nguyện vọng chính đáng. Nhưng vì nói xấu người này, người kia để “dìm" họ, tìm cách nâng mình lên và đánh bóng tên tuổi, tô vẽ cho mình, thì đó chính là tham vọng quyền lực.
Cơ hội chính trị là muốn vào vị trí này, vị trí kia nhưng không phải vì phục vụ cho Đảng, cho nước, cho dân, mà vì động cơ cá nhân, vì lợi ích chính trị.
Những cái này có biểu hiện rất phong phú, cái gốc của nó là chủ nghĩa cá nhân, luôn đặt lợi ích của mình lên trên hết, làm cái gì cũng tính xem mình có lợi ích gì trong đó không.
Bác Hồ nói từ chủ nghĩa cá nhân đẻ ra biết bao nhiêu tội lỗi. Vì vậy lần này Tổng bí thư nhấn mạnh cán bộ phải vì lợi ích chung, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
- Theo Tổng bí thư, xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Việc này được hiểu thế nào?
- Có thể nói vấn đề bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban chấp hành Trung ương, đặc biệt đối với những vị trí, địa bàn trọng yếu đã được Đảng ta đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ và thực tế ta thực hiện tương đối tốt.
Ví dụ những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng - an ninh đều có nhiều ủy viên Trung ương.
Với các bộ, ngành khác, mỗi bộ có thể chỉ có một ủy viên Trung ương, nhưng riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có số lượng ủy viên Trung ương nhiều hơn. Bộ Ngoại giao cũng tương tự và các ban Đảng cũng như vậy.
Đó là những vị trí trọng yếu đã được ta thực hiện nguyên tắc này.
Với các tỉnh, cơ cấu mỗi nơi có một ủy viên Trung ương, nhưng thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì nhiều hơn, vì đây là những địa bàn trọng yếu.
Như vậy để thấy quan điểm này Đảng ta đã xác định từ lâu và trong nhiều nhiệm kỳ nay ta đã thực hiện điều đó rồi.
- Tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu của Trung ương khoá XIII đối với cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước... lần này cũng được nhấn mạnh. Giai đoạn trước, tỷ lệ này được đảm bảo ra sao, thưa ông?
- Đây là vấn đề Đảng ta đặt ra từ lâu. Tỷ lệ về cán bộ nữ, cán bộ trẻ hay cán bộ thiểu số đều nằm trong quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng. Tất nhiên cũng có nhiệm kỳ tăng - giảm một chút, nhưng lúc nào cũng luôn được quan tâm, chăm lo.
Nhưng vấn đề này còn phụ thuộc vào tình hình, yêu cầu thực tế, rồi con người cụ thể để tính toán. Tất cả chỉ đặt ra định hướng chứ không thể quy định cứng.
Nhưng rõ ràng trong nhiệm kỳ XII, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những giải pháp mạnh để tăng tỷ lệ này.
Ví dụ với cán bộ nữ, khi một bộ (đang có 3 thứ trưởng là nam) có nhu cầu bổ sung 1 thứ trưởng vì còn thiếu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý cho bổ sung thứ trưởng, nhưng phải là nữ. Vì thế, yêu cầu đặt ra là lúc nào tìm ra được nhân sự phù hợp thì báo cáo, không tìm ra được thứ trưởng nữ thì vị trí đó vẫn cứ để như vậy. Đó là một biện pháp mạnh được thực hiện trong nhiệm kỳ này.
- Khái quát lại tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh nhiều quan điểm như “cán bộ cần phải có đức và tài, trong đó đức là gốc”; phải "cân đối số lượng và chất lượng, nhưng quan trọng chất lượng”; phải “đảm bảo cơ cấu nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Theo ông, những điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Tổng bí thư đã đề cập khá đầy đủ, toàn diện, phân tích sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác chuẩn bị nhân sự; về yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách thức, quy trình tiến hành. Đặc biệt, còn đề cập đến trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, của từng đảng viên và của cả hệ thống chính trị trong vấn đề này.
Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan đến vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, và sự phát triển bền vững của đất nước nên không phải việc riêng của Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.
Yêu cầu rất cao được đặt ra là phải xây dựng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất, vững mạnh.Ban chấp hành Trung ương là linh hồn của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là hạt nhân của Ban chấp hành Trung ương nên sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể này được đặc biệt nhấn mạnh, vì đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đảng.
Lần này, Tổng bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng. Đành rằng việc chuẩn bị phải có số lượng hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phải có cơ cấu phù hợp, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn. Trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì phải đặc biệt chú ý chất lượng, không thể vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Vậy chất lượng là gì? Nghĩa là lựa chọn, giới thiệu cán bộ tham gia vào Trung ương khoá XIII phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên trên hết.
Bởi đây là những lãnh đạo cấp cao của Đảng nên càng phải thể hiện rõ việc này, và phải có uy tín, tín nhiệm với đảng viên, nhân dân. Nhưng đồng thời cũng phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược để tham gia vào những quyết định lớn của đảng, đất nước.
Cơ cấu có đẹp mà chất lượng không tốt thì cũng không đáp ứng yêu cầu.
Giữa đức và tài, phải lấy đức làm gốc vì đây là cơ sở, là cái gốc để bộc lộ tài năng. “Đức” ở đây chính là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, phải có mối quan hệ mật thiết, máu thịt với nhân dân, tôn trọng nhân dân, có uy tín với nhân dân.
Mặt khác, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng lưu ý phải xây dựng một tập thể mạnh, một ekip ăn ý, đoàn kết, thống nhất để mọi người bổ sung, hỗ trợ cho nhau, bởi “nhân vô thập toàn”, không ai hoàn thiện cả, mỗi người có cái mạnh, cái yếu riêng.
Bác Hồ cũng dạy ta phải “dụng nhân như dụng mộc”, biết khai thác chỗ mạnh, hạn chế chỗ yếu của từng người để trở thành tập thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau, kiềm chế lẫn nhau, phát huy những mặt tích cực.
- Trước đây ta có quy trình 3 bước lựa chọn nhân sự, giờ là 5 bước. Là người nhiều năm tham mưu xây dựng các văn bản, quy trình phục vụ cho việc lựa chọn cán bộ, ông đánh giá quy trình 5 bước hiện nay đã đủ chặt chẽ, dân chủ để lựa chọn được cán bộ xuất sắc, xứng đáng nhất cho khóa tới?
- Không có gì là tuyệt đối cả, vấn đề là ta phải tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để từng bước bổ sung, hoàn thiện dần.
Trước đây ta xây dựng quy trình 3 bước, thấy tốt và đã thực hiện trong thời gian dài. Nhưng nay ta lại thấy nếu theo quy trình 3 bước, tính dân chủ chưa thực sự được phát huy nên phải mở rộng thành quy trình 5 bước để dân chủ, khách quan hơn, ít phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu, hoặc của một tổ chức nhỏ.
Thực chất, với quy trình 3 bước thì vai trò của một số ít quyết định việc to. Nhưng với quy trình 5 bước thì tập thể to mới quyết định được việc lớn. Như vậy hợp lý hơn, nên ta tiếp tục thực hiện. Nhưng để nói rằng đây là quy trình hoàn hảo thì chưa thể khẳng định.
Trong quá trình thực hiện tới đây rất có thể xuất hiện vấn đề mới chưa lường trước được nên ta lại phải tính để bổ sung, hoàn thiện. Đừng nên tuyệt đối hóa điều gì.
Ngoài ra, để lựa chọn đúng cán bộ, một việc rất quan trọng là phải đánh giá cán bộ.
Việc đánh giá cán bộ được thực hiện qua nhiều kênh, lắng nghe nhiều chiều. Đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, đa chiều, dựa vào nhiều tiêu chí, phải đánh giá bằng sản phẩm, có so sánh.
Nhưng đặc biệt, để đánh giá cán bộ đúng và chọn đúng người, phải có khảo sát, lắng nghe từ thực tế. Không thể ngồi trong phòng đánh giá, mà phải có người “mặc áo cũ, đội nón mê, ngồi lê la” để nghe ngóng thông tin, tìm hiểu cán bộ.
- Để việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia vào các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ tới, theo ông, cần có những giải pháp gì để chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm?
- Vấn đề này Đảng ta đã rút kinh nghiệm. Trong một vài kỳ Đại hội trước có những chuyện không được tốt như vận động, tranh thủ phiếu giới thiệu, tranh thủ phiếu bầu là có, nên lần này chúng ta kiên quyết đấu tranh khắc phục việc đó.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 214 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá với cán bộ, có đầy đủ căn cứ định lượng cụ thể chứ không chỉ là định tính nữa.
Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, đặt ra những vấn đề về mặt thể chế, góp phần đấu tranh khắc phục, ngăn chặn từ xa những biểu hiện không tốt đó. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh với những người vi phạm.
Để chống các biểu hiện trên, chúng ta phải mở rộng dân chủ. Kinh nghiệm cho thấy với những vấn đề càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì ta càng phải giữ vững nguyên tắc, càng phải phát huy dân chủ, đảm bảo khách quan, minh bạch. Cái gì cũng vậy, cứ vì lợi ích chung thì sẽ tạo được sự thống nhất, khó khăn mấy cũng vượt qua được.
Ta phải phát huy vấn đề đó để lựa chọn được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đúng yêu cầu, đúng mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân.
Đây là vấn đề rất lớn vì cán bộ quyết định tất cả. Như Bác Hồ dạy, cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Bác còn ví bất kỳ một chính sách, công tác nào nếu cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Nếu không có cán bộ tốt thì thất bại, tức là lỗ vốn