Từ đó, chúng tôi nghĩ ta không thể học và làm theo một cách máy móc, rập khuôn hành động sống, đấu tranh, làm việc… của Bác được. Vì hai lẽ: thứ nhất, hành động sống và làm việc… của Bác là hành động của con người có chức phận lịch sử và nhân cách cao cả khác với con người cá nhân “bé nhỏ” của mỗi chúng ta. Thứ hai, mỗi hành động sống cụ thể của Bác đều xuất phát từ những hoàn cảnh và tình huống lịch sử nhất định. Thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động, liệu ta có thể gặp lại nguyên bản hoàn cảnh và tình huống Bác đã từng sống không để là làm theo Bác? Do vậy, chúng tôi nghĩ việc học tập Bác phải từ chính cái nền tảng chuẩn mực văn hóa của những hành động sống của Bác. Từ đó để định vị hành động học tập và làm theo Bác của chúng ta như một hành động văn hóa, nghĩa là một hành động biểu hiện ý thức về giá trị làm người hài hợp với hoàn cảnh, chức phận và vị thế bình thường của mỗi con người. Hành động văn hóa học tập Bác như vậy là một hành động sáng tạo chứ không phải là những động tác copy máy móc, càng không phải là một động thái giả ngụy để hóa trang những hành động, những mưu đồ làm hại nước, làm khổ dân đi ngược lại với những giá trị văn hóa Bác Hồ mà hiện nay Trung ương, Chính phủ đang cùng với nhân dân quyết tâm trừ diệt.
Mặt khác, chúng ta học tập và làm theo Bác từ chính điều kiện, môi trường và tình huống của mỗi con người đang sống và chịu sự tác động ảnh hưởng nhiều chiều của thời kinh tế hàng hóa đang tiến dần lên hiện đại từ những chân trời xưa của cái tùy tiện, tư lợi, lạc hậu và bảo thủ. Do đó, thời ta sống đây khó có thể tìm được một cá thể con người sống theo một chuẩn mực giá trị đơn nhất, độc nhất. Bởi vì trong mỗi con người hai chân hai tay của chúng ta không chỉ có một người mà là mấy người. Chúng cứ kéo ta về nhiều phía, làm cho đứt ra từng mảnh cho đến khi ta bị lôi xuống mồ rồi vẫn chưa thôi. Con người thời ta sống luôn bị giằng xé bởi những quan hệ, những khát vọng, dục vọng khác nhau có khi ngược chiều nhau hình thành kiểu người - khối mâu thuẫn. Trong hoàn cảnh phải chấp nhận một con người tồn tại đến mấy người đó, cần phải cấp thiết và thường xuyên giúp con người phục sinh và tăng trưởng sức sống của con người văn hóa để tạo ra sức đề kháng chống lại xu hướng thoái hóa, tha hóa từ những bình diện con người khác trong mỗi chúng ta. Học tập văn hóa Bác Hồ trong ý thức chân tín tự nhận thức, chắc chắn sẽ giúp chúng ta tăng trưởng sức mạnh văn hóa ấy.
Văn hóa là ý thức của con người về giá trị. Đó là ý thức cơ bản để phân biệt con người với các sinh vật khác trong giới tự nhiên. Văn hóa của sự học tập ở con người, do đó không chỉ để nhận thức thế giới mà phải lựa chọn, chuyển hóa sự nhận thức thành ý thức về giá trị. Mà ý thức về giá trị lại luôn luôn gắn bó máu thịt với mục đích văn hóa của cuộc sống.
Học tập văn hóa Bác Hồ là đi tìm cho mình những giá trị trên tất cả các bình diện con người văn hóa của Bác. Nhưng vì ta đang học tập Bác, thì trước hết xin được học Bác từ văn hóa của sự học nơi Bác làm đầu mối cho việc học của ta.
Văn hóa học của Bác Hồ trước hết là ý thức đi tìm mục đích của sự học như đi tìm một giá trị. Trên con đường thuở hoa niên từ xứ Nghệ vào kinh thành Huế rồi hướng về phía Nam đất nước, nếu học chỉ để “vinh thân phì gia” thì với người thông tuệ ấy, chắc chắn Bác không cần phải gian khổ dấn thân hàng ngàn dặm đường để học trong sách vở Nho giáo, trong các kiến thức mới của phương Tây, trong nỗi đau lớn của thế hệ cha anh trước sứ mệnh cứu Tổ quốc và đồng bào. Con đường học tập ấy dần dần định hình một mục đích: cứu nước cứu dân. Nhưng điểm cuối của con đường ấy - năm 1911 - lúc đứng trên bờ đất cha ông nhìn ra biển cả, mục đích cứu nước cứu dân vẫn là một dấu hỏi lớn. Bao nhiêu năm “góc bể chân trời”, “Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”, lao động cực nhọc nhằm kiếm miếng ăn để học, để tìm lời giải đích đáng cho bài toán sống còn của dân tộc. Trên con đường gian lao tìm học ấy, bắt gặp cả vũ trụ mênh mông của tri thức nhân loại, nhưng lựa chọn cái gì để học là một xác tín văn hóa gắn bó máu thịt với mục đích cuộc đời đã định. Với ý thức văn hóa sâu sắc đó, một mặt Bác tự nhận là “người học trò nhỏ” của những bậc thầy từ cổ xưa đến hiện đại, từ phương Đông sang phương Tây. Nhưng mặt khác, Bác lại có ý thức rất rõ ràng về tính chủ thể của người học, không bao giờ xa rời mục đích văn hóa của sự học: tri thức của các bậc thầy thật vô cùng sâu rộng, nhưng “là một người yêu nước”, tôi xin học các bậc thầy những tri thức nào giúp tôi cứu nước cứu dân. Với mục đích của sự học như vậy, rõ ràng Bác đã tìm ra được con đường đích đáng giải phong đất nước và nhân dân.
Xin nghĩ tiếp để học văn hóa ứng xử của Bác giữa những quan hệ đời thường. Với chức phận con người bình thường giữa thế sự phức hợp của xã hội ngày nay nếu ta chỉ học tập Bác theo khuynh hướng cái cao cả thì thường dẫn ta tới một sự thiên lệch, thiếu sự tương thích với chính vị thế đời thường của chúng ta. Một khuynh hướng học tập như vậy vẫn đúng nhưng lại chính là không thích hợp với văn hóa của Bác Hồ. Bác là người sống giữa nhân dân một cuộc sống như tất cả mọi người Việt Nam bình thường khác. Vì vậy, văn hóa ứng xử của Bác là những giá trị gần gũi vừa mang hồn cốt văn hóa dân tộc vừa biểu hiện những giá trị dân chủ mới mẻ và thực tế. Bác là người dị ứng với tâm thế và ngôn ngữ phi phàm, trong ứng xử và trong văn chương đều thế. Trong khuôn khổ bài báo chỉ xin học văn hóa ứng xử của Bác từ một vài chuyện thật.
Ở trên có nói thời đi tìm chân lý, Bác tự nhận là người học trò nhỏ của Khổng Tử, của K.Marx, của Tôn Dật Tiên… mặc dù các vị chưa bao giờ giảng cho Bác một giờ nào. Nhưng lòng kính cảm của Bác với các vị biểu hiện một văn hóa của đức tính thủy chung của con người Việt Nam. Nhà Tần (Trung Quốc) xưa đốt sách chôn Nho. Những năm 60 thế kỷ XX, người ta “bài Khổng” trên quê hương ngài. Nhưng “người học trò nhỏ” của ngài lúc ấy đã là nguyên thủ quốc gia láng giềng - Bác Hồ - lại đến thăm quê hương Khổng Tử và thắp hương trên lăng mộ ngài. Đó là ứng xử văn hóa, là kết quả của một quá trình nghiệm sinh không chỉ với cá nhân Bác mà với cả thực tiễn lịch sử dân tộc ta. Học Khổng Tử, Bác chú ý nhiều đến việc tu dưỡng đạo đức cá nhân. Sách Đại học của Nho giáo viết: “Đức giả bản dã, tài giả mạt dã” (Đức là cái gốc, của cải chỉ là cái ngọn). Trong Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Lời này của Bác những ngày gần đây là một trong những lời đầu tiên của mục Lời Bác dạy mà VTV1 phát vào buổi sáng sớm hàng ngày.
Một chuyện thật khác ghi trong nhật ký của Bác. Nhật ký để ghi chuyện riêng của mình chỉ cho mình đọc nên chuyện là chuyện thật. Đó là cuốn Nhật ký trong tù Bác viết trong thời gian bị quân phiệt Trung Quốc bắt vào tù từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Đây mới chỉ là một vài chi tiết thể hiện văn hóa ứng xử của Bác:
- Trong tù, Bác tự giác về mình cũng là một thân phận tù nhân như những từ nhân khác, không bao giờ có ý phân biệt. Cuộc sống và ứng xử của Bác là bình đẳng, hòa nhập với thế giới tù nhân. Bác gọi họ là nạn hữu (bạn cùng hoạn nạn) đến 8 lần. Bác là một trong nhân nhân (mọi người), ngã mẫn (chúng tôi). Bác coi họ là đồng chu cộng tế (cùng hội cùng thuyền giúp nhau). Đó là ứng xử văn hóa do cái nhìn con người đầy tình nhân ái nơi Bác.
- Nhân ái ấy là văn hóa thương người như thể thương thân của người Việt mình, còn là văn hóa đền ơn đáp nghĩa, biết ơn người giúp đỡ, cưu mang mình trong hoạn nạn là một nét văn hóa mang hồn cốt Việt Nam đích thực, cho dù người đó vào lúc ấy là người của “phía bên kia”. Không có của cải, tiền bạc đền ơn thì một lời biết ơn trân trọng tự nói với mình trong nhật ký - thơ cũng là một ứng xử văn hóa cảm động. Bác có đến 8 bài thơ trong Nhật ký trong tù bày tỏ lòng biết ơn chân thành với 8 nhân vật trong chính quyền Tưởng Giới Thạch trực tiếp quản lý Bác đã đối xử tốt, giúp đỡ, quan tâm tới Bác.
Cái nghĩa ân tình chung thủy ở con người văn hóa Bác Hồ hoàn toàn nhất quán từ thi ca đến hành vi ứng xử ngoài đời. Nói học Bác, ngày nay khối người nói và làm tương phản. Đến đây, xin cùng bạn nhớ lại một nhân vật trong bộ phim truyện về một dòng sông nổi tiếng: Cô gái trên sông. Nhân vật này thời hoạt động bí mật bị đối phương phát hiện, truy đuổi, ông liều mạng nhảy xuống dòng sông kia và được một cô gái điểm cứu sống và dùng con thuyền của mình chở ông trở về căn cứ. Ông hứa hẹn với cô gái nhiều điều tốt đẹp. Sau giải phóng, ông làm cán bộ lãnh đạo cao nhất tỉnh. Cô gái vẫn theo nghề cũ, muốn tìm việc làm ăn lương thiện nhưng không có điều kiện. Nữ nhà báo tìm hiểu để viết phóng sự về các cô gái điếm trên dòng sông nọ đã phát hiện ra câu chuyện kia. Người nữ phóng viên chất vấn nhân vật lãnh đạo tại sao anh không giúp ân nhân cứu mạng mình một việc làm bình thường để giải phóng cho họ. Ông lãnh đạo trả lời với lập trường lạnh lẽo: Cách mạng về đã giải phóng cho tất cả rồi đấy thôi. Đó chỉ là một ví dụ của thói quan liêu vô cảm mà Lênin từng phê phán là “thói quan liêu cộng sản”. Và Bác Hồ đã nhiều lần cảnh cáo thói xấu này của cán bộ trong tác phẩm Về đạo đức cách mạng (Nxb Sự thật, 1976)
Tháng 5 năm 2020