Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định:” Trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, kiến thức, hiểu biết, có tinh thần yêu nước nồng nàn và có ý thức dân tộc cao, trí thức Việt Nam là một bộ phận trong lực lượng cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức và chú trọng đến phát triển đội ngũ trí thức. Người luôn trân trọng và động viên đội ngũ trí thức đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã từng nói: "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều". Trả lời các nhà báo nước ngoài về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong nhận thức, chính sách của Chính phủ cũng như trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, để tìm người tài đức ra gánh vác việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu quốc ngày 14-11-1945, với quan điểm: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức của những công việc cần kíp giải quyết sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học người Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người cho rằng những người “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Người còn căn dặn có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng và chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Từ tư tưởng trọng dụng trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều những trí thức nổi tiếng toàn tâm, toàn ý vì đất nước và nhân dân. Mặc dù rất tôn trọng và đánh giá cao vai trò của trí thức, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thực hành và lấy hiệu quả công việc cụ thể làm thước đo, nên Người đề cao và đánh giá những trí thức thực học, thực nghiệp, tức là người có những đóng góp thiết thực, cụ thể cho đất nước, cho nhân dân và cho xã hội bằng những sáng kiến, công trình. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. Người cũng khẳng định trí thức đáng trọng phải là trí thức “hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Hồ Chí Minh đã phát triển tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc của trí thức. Người trân trọng trí thức, tìm kiếm người tài đức; tin dùng, mạnh dạn trao cho người trí thức những chức vụ tương xứng với tài năng và đức độ của họ. Người cho rằng, trí thức Việt Nam nói chung đều có lòng tự trọng, tự tin và ham tiến bộ, mong được giao những nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường, đồng thời không ngừng chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức mới. Từ những trăn trở đối với trí thức, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn về Đảng, về Đoàn viên và thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về việc riêng và cả đối với trí thức: “Những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Nguyện vọng của Hồ Chí Minh là đào tạo những người ưu tú thành những cán bộ, công nhân có trình độ kỹ thuật giỏi và lập trường tư tưởng vững chắc để xây dựng chủ nghĩa xã hội, giáo dục đào tạo được coi là bước quan trọng để có những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi. Khi nói đến con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức mới, trong đó có các nhà khoa học, trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa”. Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cán bộ đã được Người cử ra nước ngoài học tập. Nhiều nhà khoa học theo tiếng gọi thiêng liêng của Người đã từ bỏ cuộc sống cao sang nơi “đất khách quê người” về nước tham gia hai cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của dân tộc. Chính họ là những người đã góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp khoa học và công nghệ hiện đại nước nhà. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm làm tất cả những gì có thể vì sự phát triển nền khoa học công nghệ của đất nước. Người đặc biệt coi trọng việc tập hợp trí thức, trọng dụng nhân tài, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo lên sức sản xuất của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Chính vị vậy, một trong những mục tiêu cơ bản Đảng ta đề ra trong hội nghị Trung ương 7 khóa X là: “ Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ trí thức các nước trong khu vực và trên thế giới. Gắn bó vững chắc giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công – nông – trí”. Ngày 30-5-2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận (số 52-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức. Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội. Tận dụng tiềm năng, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hình thành hạ tầng tri thức hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo và truyền bá tri thức. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Khuyến khích thúc đẩy, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ trong khu vực doanh nghiệp. Tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập các quỹ đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phù hợp; Kiện toàn, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các liên hiệp hội, hội trí thức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các hội trí thức; Xây dựng Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học, trí thức học tập và làm việc ở các tổ chức quốc tế, cơ sở nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp ở nước ngoài. Triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả nguồn lực các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài… Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị dẫn đường bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị nhân văn và phát triển trong hệ thống các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người. Trong giai đoạn mới của đất nước, với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà trong đó khoa học công nghệ và tri thức đã trở thành động lực trực tiếp và quan trọng nhất thì những quan điểm của Hồ Chí Minh về trí thức, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, tấm gương đạo đức và tác phong của Người vẫn mãi mãi là kim chỉ nam, là động lực để chúng ta đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và hội nhập./.