Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Utah, Mỹ. Nó giúp trả lời câu hỏi liệu virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 có dừng lây lan vào mùa hè.
Nhà khoa học Saveez Saffarian của Đại học Utah cho biết virus corona lây lan tương tự virus cúm thông thường. “Các giọt chất nhầy lơ lửng trong không khí, để truyền từ người này sang người khác”.
Tuy vậy, theo nhà khoa học Saveez Saffarian, virus sẽ không thể lây nhiễm nếu nó mất đi tính toàn vẹn cấu trúc. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm của nó.
Nhóm nghiên cứu gồm nhà vật lý Saveez Saffarian và Michael Vershinin nhận được 200.000 USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) để nghiên cứu cách lớp vỏ bảo vệ của virus corona phản ứng với các thay đổi môi trường.
Theo nghiên cứu trên, virus không thể tự mình làm “bất cứ điều gì” vì chúng đơn giản chỉ là những đoạn mã di truyền chứa bên trong một lớp vỏ bảo vệ. Khi virus xâm nhập vào vật chủ, nó sẽ sử dụng khả năng sao chép của tế bào để tự nhân bản.
Việc tạo ra một lớp vỏ nhưng không có đoạn mã di truyền bên trong sẽ giúp quá trình nghiên cứu virus corona an toàn hơn.
“Chúng tôi chỉ tạo ra bản sao lớp vỏ của virus corona. Ý tưởng này giúp trả lời được câu hỏi cái gì làm cho lớp vỏ này bị phá hủy, nó sẽ bám vào đâu và làm sao cho nó chết”, nhà khoa học Michael Vershinin nói.
Để điều khiển các hạt tạo nên lớp vỏ có kích thước nano này, phòng thí nghiệm của Michael Vershinin sử dụng công cụ gọi là nhíp quang học. Năng lượng từ các chùm sáng tập trung sẽ giúp di chuyển từng phân tử riêng lẻ, sắp xếp chúng thành lớp vỏ của virus corona.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hy vọng họ sẽ tìm ra cơ chế hoạt động của virus và các yếu tố làm ảnh hưởng để sự lây lan của nó. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh và rút ngắn thời gian phong tỏa tại các quốc gia.
“Đây không phải vắc xin. Nó sẽ không giải quyết khủng hoảng nhưng nó sẽ giúp đưa ra các quyết định chính sách trong tương lai”, Vershinin nói.