Một số giống ngỗng
Ngỗng cỏ: Còn được gọi là ngỗng sen, đã được nuôi rất lâu đời ở nước ta. Tổ tiên của chúng là giống ngỗng trời, cư trú ở vùng Siberia và miền Bắc Trung Quốc. Ngỗng cỏ được nuôi nhiều ở vùng Ðồng bằng và Trung du Bắc bộ; Ngỗng cỏ có 2 loại hình chính là xám và trắng. Ngỗng xám có số lượng nhiều và tầm vóc to lớn hơn ngỗng trắng. Ngoài ra, có ngỗng loang xám - trắng do sự pha tạp giữa hai loại trên.
Ngỗng lai: Ngỗng lai là sản phẩm phổ thông của loài ngỗng, được nhiều hộ đầu tư chăn nuôi. Các nhà hàng nhỏ và vừa thường chọn nhập thịt dòng sản phẩm ngỗng lai để làm thực đơn. Sản lượng ngỗng lai thành phẩm hiện nay vẫn còn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hiện nay của thị trường. Ngỗng lai khi trưởng thành có trọng lượng khoảng 4 - 4,5 kg/con. Thời gian nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất chuồng
Ngỗng sư tử: Nguồn gốc từ Trung Quốc, được đưa vào nước ta từ rất lâu và đến nay nó gần như một giống nội, nhưng cho sản lượng thịt cao hơn hẳn ngỗng cỏ. Tuy vậy, ngỗng sư tử ở Việt Nam đã bị pha tạp nhiều. Chúng thích hợp với phương thức chăn thả trên đồng bãi như ngỗng cỏ.
Ngỗng Rheinland: Là giống ngỗng nhà có nguồn gốc từ vùng Rheinland, Ðức, hiện được nuôi rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới do có nhiều ưu điểm. Ngỗng Rheinland có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống chuyên thịt. Thân nở, đầu to, mỏ ngắn và khỏe, có màu vàng da cam; Mắt có màu xanh, mí mắt viền vàng sẫm, đầu không có mào như một số khác; Cổ to hơn, hơi ngắn.
1. Chuồng trại.
Do ngỗng là loài vật thích ánh sáng và chạy nhảy nên cần thiết kế chuồng theo kiểu quây mở. Cụ thể, chuồng trại cần thoáng đãng, có nhiều ánh sáng chiếu vào. Nền chuồng có thể làm bằng cát. Chuồng phải quây xung quanh bằng dây thép vững chắc để ngăn ngỗng bay và chạy ra ngoài.
Chuồng úm ngỗng con cần đảm bảo mật độ nhiều nhất 10 - 15 con/m2 với ngỗng dưới 7 ngày tuổi, 6 - 8 con/m2 với ngỗng trên 7 ngày và dưới 1 tháng tuổi.
Diện tích sân chơi yêu cầu gấp 2 - 3 lần diện tích trong chuồng. Sân chơi dốc ra ngoài để thoát nước, dọc sân chơi nên có cây bóng mát để chắn gió và che nắng.
2. Con giống.
Dựa vào điều kiện thực tế của hộ nuôi để lựa chọn giống ngỗng cho phù hợp. Nếu nuôi ngỗng đàn nên chọn những con lông xám hoặc vằn, chân to, vì chúng đi khỏe, chịu kiếm ăn.
Chọn ngỗng phải nở đúng ngày, khối lượng 85 - 100 g/con. Khi ngỗng mới nở chọn những con có bộ lông mịn, sáng; Lỗ hậu môn gọn, khô; Mắt sáng không hở rốn, dáng đi vững vàng, nhanh nhẹn; Ăn uống bình thường.
3. Giai đoạn ngỗng con.
Giai đoạn này do khả năng điều tiết thân nhiệt kém nên ngỗng không chịu được rét, cần được sưởi ấm thường xuyên. Ðây là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp ngỗng con có sức đề kháng tốt. Nên nhốt ngỗng mới nở trong quây kín bằng cót cao 0,8 - 1 m, che chắn cẩn thận, sử dụng lò sưởi hoặc bóng điện vừa để thắp sáng vừa để sưởi ấm. Tuần đầu, nhiệt độ chuồng quây nên giữ ở mức 32 - 350C, các tuần sau có thể giảm dần nhiệt độ: Tuần thứ hai 27 - 290C, tuần thứ ba 25 - 270C, tuần thứ tư 23 - 250C.
Trong những tuần đầu tiên, ngỗng chỉ nên nuôi trong chuồng quây, không nên cho ra ngoài. Thức ăn chủ yếu của ngỗng là rau tươi thái nhỏ như lá xu hào, lá cải bắp, bèo tấm… trộn lẫn với cám ngô hoặc gạo. Cho ngỗng ăn 4 - 5 bữa/ngày. Vì ngỗng lớn rất nhanh nên máng ăn có kích thước 45 x 60 x 2 (cm) đảm bảo dùng cho 25 - 30 ngỗng con. Máng uống cũng phải to để đủ lượng nước cho chúng uống hàng ngày.
Sau tuần thứ 3, lúc này ngỗng đã cứng cáp hơn có thể cho làm quen dần với môi trường xung quanh và chăn thả ở những nơi có rau cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước sạch và có bóng râm. Ban ngày ngỗng sẽ tự đi ăn, chỉ bổ sung thức ăn tinh cho ngỗng vào buổi chiều và ban đêm. Ở giai đoạn 25 - 26 ngày tuổi ngỗng có thể ăn tới 1 - 1,2 kg thức ăn rau xanh/ngày và tăng mạnh ở các giai đoạn sau.
4. Giai đoạn ngỗng dò.
Phụ thuộc điều kiện và khả năng của mỗi hộ nuôi để quy định mức độ nuôi trong đàn. Thông thường một lao động có thể chăn thả được đàn 100 - 120 con/đàn. Giai đoạn này, ban ngày chăn thả ngỗng, chiều và ban đêm đưa ngỗng trở về, bổ sung thức ăn tinh và rau xanh tại chuồng. Lượng thức ăn cho ngỗng là 1,5 - 1,8 kg rau xanh/con/ngày (tính cả thức ăn tự kiếm) ở giai đoạn 29 - 49 ngày tuổi. Thức ăn tinh của ngỗng có thể là cám ngô, thóc ngâm, khoai lang, sắn, bột đỗ tương… Tuyệt đối không dùng các loại thuốc kháng sinh chất tăng trưởng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng thịt.
5. Giai đoạn vỗ béo ngỗng.
Trước khi xuất chuồng khoảng 12 - 15 ngày, ngỗng được vỗ béo để tăng nhanh trọng lượng đồng thời làm tăng chất lượng thịt. Vì vậy, giai đoạn này, cần cho ngỗng ăn thức ăn tinh, giảm vận động. Lượng thức ăn tinh cho mỗi con ngỗng khoảng 250 - 350 g/con/ngày, có thể dùng ngô đỏ, hoặc hạt ngô vàng ngâm qua đêm cho thêm chút muối, ngoài ra có thể cho ngỗng ăn thêm khoai, cám trộn rau xanh khoảng 20 - 25%. Vào 10 ngày cuối, cho ngỗng ăn thêm hạt đậu tương luộc chín với lượng khoảng 10% thức ăn tinh, ngỗng sẽ tăng cân nhanh. Lưu ý, thời gian vỗ béo ngỗng chỉ khoảng 12 - 15 ngày, nếu kéo dài hơn sẽ tăng chi phí thức ăn mà hiệu quả tăng trọng thấp.
6. Xuất bán.
Tùy theo điều kiện chăn nuôi có thể kết thúc nuôi ngỗng thịt vào lúc 75 hay 90 ngày tuổi, lúc này ngỗng được 3,5 - 4,2 kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng tốt chóng lớn thì có thể rút ngắn thời gian nuôi, vì ở 10 tuần tuổi có con đạt được 3,5 kg nếu là ngỗng sư tử hay ngỗng cỏ và nặng 4 kg nếu là ngỗng Reinland.
Ðể phòng bệnh cho ngỗng, người nuôi cần vệ sinh chuồng trại thật chu đáo, đảm bảo chuồng đúng tiêu chuẩn. Các dụng cụ ăn uống cũng cần được tẩy uế sát trùng theo định kỳ thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra. Không nên nuôi lẫn lộn giữa vịt, ngan và ngỗng. Thực hiện tiêm phòng vaccine cho ngỗng ở các giai đoạn.