Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch do nhiễm virus khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công cơ thể, dẫn đến tổn thương thần kinh ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.
Trong khi nhiều người vẫn đang học cách sống chung với COVID-19, thì nhiều người khác lại đang phải chịu đựng các di chứng hậu COVID, còn gọi là hội chứng COVID kéo dài.
Hội chứng COVID kéo dài có thể dẫn đến các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là vài năm, sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở, mất khứu giác, mất ngủ, tim đập nhanh, chóng mặt, đau khớp và trầm cảm.
Phần lớn các ca mắc COVID-19 đều khỏi bệnh trong 4 tuần đầu tiên. Thuật ngữ “hội chứng COVID kéo dài” thường được dùng để miêu tả các triệu chứng vẫn còn kéo dài hoặc thậm chí nặng lên sau khi người nhiễm virus đã khỏi bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ước tính khoảng 1,5 triệu người tại Anh (tương đương 2,1% dân số nước này) đang mắc các hội chứng COVID-19 kéo dài.
Thời gian phục hồi của mỗi người là khác nhau và không nhất thiết phụ thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ khi mắc COVID-19.
Vậy tại sao một số người mắc hội chứng COVID kéo dài, những người khác lại không có triệu chứng hoặc chỉ ốm trong vài tuần?
Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này vì COVID-19 vẫn là căn bệnh mới mẻ và đang được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố vào tháng 12/2021 do Trung tâm Nghiên cứu y sinh Leicester của Viện Nghiên cứu y tế quốc gia Anh (NIHR) thực hiện phát hiện ra rằng có một số nhóm nhiều khả năng bị hội chứng COVID kéo dài, trong đó có phụ nữ, người béo phì và những người cần đến máy trợ thở trong quá trình điều trị COVID-19 tại bệnh viện.
Trước đó, Cơ quan Thống kê Anh ghi nhận hội chứng COVID-19 kéo dài xuất hiện phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi trung niên từ 35-49. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy rất nhiều người có thể gặp phải hội chứng này, bất kể độ tuổi hay tình trạng sức khỏe.
Các nhà khoa học đã nêu ra một số lý do để giải thích cho vấn đề này. Một trong số đó là bệnh tự miễn, khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công cơ thể và các cơ quan.
Nghiên cứu của Đại học Y Harvard công bố đầu tháng này đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch do nhiễm virus, qua đó giúp giải thích nguyên nhân dẫn đến tổn thương thần kinh ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.
Một lý giải khác là virus SARS-CoV-2 đã tấn công các tế bào và mạch máu khi lây lan trong cơ thể và để lại những tổn thương sau đó. Virus này có thể tấn công các cơ quan như phổi, tim, thận và gây viêm nhiễm.
Một nghiên cứu của Anh đăng trên tạp chí Nature cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa COVID-19 và sự thay đổi rõ ràng trong cấu trúc não.
Ngoài hai lý do trên, còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến hội chứng COVID kéo dài.
Một nghiên cứu nhỏ vào tháng 7/2021 cho thấy các triệu chứng trên có thể là kết quả của việc các virus khác trong cơ thể được kích hoạt trở lại.
Bên cạnh việc nghiên cứu các bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài, các nhà khoa học cũng đang xem xét tác động lâu dài của những loại virus tương tự để xác định nguyên nhân dẫn tới hội chứng này.