Chàng trai trẻ hiện đang theo học chương trình tiến sĩ với đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ trong không gian lên các vệ tinh của CNES. (Ảnh: NVCC)
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm viên chức ở xã Xuân Yên, từ nhỏ Hoàng đã ham mê đọc các loại sách về khoa học. Mỗi tháng một lần, cậu sang TP Vinh (Nghệ An) để tìm sách về lĩnh vực này rồi đọc ngấu nghiến. Cuốn sách mà Hoàng nhớ và lưu giữ mãi đến bây giờ là quyển “Lịch sử du hành không gian”, nội dung nói về lịch sử loài người khi bay vào không gian.
“Những năm học cấp hai, mình được nuôi bằng sách khoa học và cả sách truyện viễn tưởng, từ đó đam mê cứ lớn dần lên. Đọc nhiều sách về vũ trụ không gian, mình suy nghĩ con người sinh ra là để khám phá chứ không thể dậm chân tại chỗ được. Lên cấp ba, do không có tiền nên mình làm kính thiên văn từ kính mắt, và tên lửa nước từ chai cocacola 1,5l cho thỏa mãn đam mê”, Hoàng kể.
Do gia đình có nhiều người làm trong ngành y tế, nên ngày học cấp ba ở trường THPT Chuyên - Đại học Vinh (Nghệ An), Hoàng được bố mẹ định hướng sẽ thi vào trường y. Dù không đúng với sở thích, song nam sinh vẫn làm theo ý nguyện của đấng sinh thành, làm hồ sơ dự thi vào trường quân y song bị trượt.
“Thời điểm đó, gia đình nhận nhiều lời bàn tán vì học trường chuyên mà trượt đại học, song mình không quan tâm lắm, nghĩ sẽ quyết tâm theo đuổi những gì mình lựa chọn”, Hoàng nói.
Nam sinh sau đó đăng ký nguyện vọng hai vào khoa vật lý, ngành khoa học vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Bên cạnh việc học, cậu tham gia vào hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội, xin vào thực tập ở phòng nghiên cứu không gian FSpace của Đại học FPT để theo đuổi đam mê nghiên cứu.
Hoàng cho hay, khi đó mới là sinh viên năm nhất, ý niệm về thiên văn cũng rất hạn hẹp, song khi vào các hội, gặp những người cùng đam mê, sở thích, nên học được rất nhiều từ họ về kiến thức cũng như suy nghĩ.
Vào học được nửa năm, Hoàng biết tin Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Việt –Pháp) mở ngành khoa học không gian và ứng dụng, cậu mừng như “bắt được vàng” vì đây là lần đầu tiên một trường đại học ở Việt Nam đào tạo ngành học này. Sau nhiều ngày suy nghĩ, nam sinh quyết định bỏ Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội để chuyển sang ngôi trường mới, ngành học mới.
“Dù bố mẹ không đồng tình quyết định này, song mình chỉ nghĩ đơn giản là con đường mình đi, thì bản thân phải chịu trách nhiệm trước những quyết định đó”, Hoàng chia sẻ.
Trần Hoàng đang có công việc ổn định và cuộc sống thoải mái ở Pháp. (Ảnh: NVCC)
Năm 2015, khi cuối chương trình cử nhân, Nguyễn Trần Hoàng đi thực tập ở Puerto Rico, sau đó về Việt Nam học lên thạc sĩ ở trường Việt - Pháp và đi làm tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia.
Tháng 4/2017, Hoàng sang thực tập ở Đại học Montpellier của Pháp. Tháng 12/2017, cậu bắt đầu làm tiến sĩ tại Pháp, dưới chương trình của Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES); đề tài nghiên cứu là ảnh hưởng của bức xạ trong không gian lên các vệ tinh của CNES.
“Do đây là chương trình tiến sĩ của Pháp nên họ phải xét hồ sơ xong, sau đó mới gọi đi phỏng vấn. Mình không phải là diện ưu tiên, nên phải cạnh tranh nhiều cho suất tiến sĩ này. Trải qua hai lần phỏng vấn với hai hội đồng, may mắn là nhờ những kiến thức về thiên văn, khoa học đã học ở trường và trong những lần đi thực tập nên mình đã đỗ”, Hoàng nói.
Theo chàng trai quê Nghi Xuân, môi trường học tập và làm việc ở Pháp khá cởi mở, đề cao tính độc lập, làm việc thời gian ít nhưng hiệu suất cao. Trong năm nhất tiến sĩ, Hoàng có bài báo đăng trên tạp chí của ngành và được trao cơ hội đi dự hội nghị của ngành ở Đan Mạch. Cậu đặt ra mục tiêu trong ba năm tới phải cố gắng hoàn thành chặng đường nghiên cứu tiến sĩ.
Nam sinh chia sẻ, quá trình ở Pháp học ngành khoa học vũ trụ, cậu được gặp rất nhiều người giỏi và quý trọng mình, đó là động lực rất lớn để theo đuổi những cái “trên trời”.
“Mình ấn tượng với một vị giáo sư 80 tuổi người Pháp tên là Darriulat, ông ấy dù tuổi cao song ngày nào cũng miệt mài tới trung tâm làm việc, và luôn có một suy nghĩ muốn giúp Việt Nam phát triển ngành nghiên cứu khoa học này”, Hoàng cho hay.
Hoàng đánh giá, trên thế giới, các nước phát triển có một cơ quan riêng phụ trách ngành nghiên cứu thiên văn, khoa học công nghệ vũ trụ, bởi nó liên quan mật thiết đến kinh tế và quốc phòng của mỗi quốc gia. Hơn nữa, khoa học giúp pháp triển các ngành khoa học cơ bản, công nghệ giúp kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ. Ở Việt Nam, ngành này đang khá mới, song hiện đang trên đà phát triển khi các trường đại học cũng đang bắt đầu mở ngành này để giảng dạy.
“Hiện tại, bố mẹ đã thay đổi suy nghĩ, ủng hộ và tự hào trước những quyết định và lựa chọn của mình. Từ khi làm chương trình tiến sĩ, đến nay mình vẫn chưa có dịp về lại Hà Tĩnh thăm gia đình và quê hương”, Hoàng nói và cho hay, cậu luôn hướng về quê hương, trong tương lai sẽ trở về nơi mình sinh ra và lớn lên để cống hiến, song cũng hi vọng lúc về sẽ làm được một “cái gì đó” cho ra trò...
Tác giả bài viết: Đặng Phương