Xã Trung Lộc xuất hiện DTLCP và nguy cơ bùng phát cao do ảnh hưởng của ngập lụt diện rộng
Tại huyện Can Lộc, hơn 1 tháng kể từ ngày DTLCP xuất hiện ở 1 hộ nuôi thuộc thôn Thượng Lội (Quang Lộc), đến thời điểm hiện tại, dịch đã lan rộng thêm 5 thôn: Ban Long, Tam Long (Quang Lộc); Văn Cử, Yên Xuân (Xuân Lộc), Cồn Soi (Trung Lộc) khiến 12 hộ nuôi bị ảnh hưởng với tổng số 75 con lợn đã chết.
Dịch bệnh tại các địa phương này đang có những diễn biến phức tạp sau đợt mưa lũ vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc Nguyễn Văn Đại cho biết: “Mới đây, toàn xã bị ngập nặng khiến các chất thải, mầm bệnh phân tán rộng. Trong khi, khu vực chuồng trại của người dân liền kề nhau càng khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn”.
Đợt mưa lớn kéo dài từ 28 - 31/10 khiến nhiều địa phương của Can Lộc như thị trấn Nghèn, Trung Lộc, Thiên Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Thượng Lộc... bị ngập nặng
Trước nguy cơ dịch có thể lây lan trên diện rộng sau lũ, công tác phòng, chống đang được huyện Can Lộc triển khai quyết liệt, hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch mới, xã Trung Lộc (Can Lộc) đã tiến hành các biện pháp theo kế hoạch UBND huyện như: kiện toàn lại ban chỉ đạo chống dịch, phân bổ thêm 60 lít hoá chất, 1 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng, lập 4 chốt kiểm dịch, nghiêm cấm các hoạt động buôn bán lợn trong xã ra ngoài và từ địa phương khác đến...
Các xã Trung Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc (Can Lộc) tăng cường hoạt động phun tiêu độc khử trùng thường xuyên mỗi tuần
Anh Phan Lục (thôn Cồn Soi, Trung Lộc) cho biết: “Ngoài số lượng hoá chất được xã cấp, chúng tôi đã mua thêm thuốc, vôi bột để tự vệ sinh ở chuồng trại chăn nuôi ngày 1 lần. Lợn giờ có giá trị rất cao nên mình càng phải cẩn thận, không được chủ quan với lại sau đợt dịch năm 2019, bà con đã có kinh nghiệm hơn rất nhiều, các biện pháp chống dịch lây lan được thực hiện đồng bộ và chủ động hơn”.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc Đoàn Minh Lương thông tin: “Huyện Can Lộc đang đối diện với nguy cơ rất cao nên tất cả các địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Huyện đã tăng cường thêm cho các địa phương 400 lít hóa chất, 7 tấn vôi để phun và rải trên các trục đường, cửa ngõ ra vào; tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp khống chế dịch bệnh; lập các chốt kiểm tra tại các khu vực giáp ranh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở…”.
Các chốt kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng được huyện Can Lộc lập ra nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán lợn trên địa bàn
Tại huyện Thạch Hà, công tác phòng chống DTLCP cũng được chủ động triển khai. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận chia sẻ: “Huyện đã có xã Thạch Trị tái nhiễm DTLCP nhưng đang được kiểm soát ổn định, chưa có dấu hiện lây lan thêm. Huyện cấp bổ sung cho các xã hơn 600 lít hoá chất và sắp nhận thêm 2.000 lít nữa để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Đồng thời, kiểm soát chặt hơn hoạt động mua bán, giết mô gia súc gia cầm tại xã Thạch Trị và các xã lân cận”.
Ngay sau đợt mưa lũ kéo dài, cán bộ thú y và các xã của huyện Thạch Hà đã tập trung hướng dẫn người dân vệ sinh và phun tiêu độc khử trùng môi trường
Dù chưa ghi nhận ổ DTLCP trên địa bàn nhưng huyện Cẩm Xuyên cũng đang tập trung khắc phục thiệt hại và huy động lực lượng tập trung vệ sinh môi trường chăn nuôi sau lũ.
Được biết, huyện đã phân bổ 900 lít hóa chất về các địa phương để tiến hành phun sát trùng tại khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn nhất là các xã ngập sâu như: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Nam Phúc Thăng…
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, DTLCP đã tái phát trên 3 huyện là Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn. Đặc biệt, sau lũ, nhiều địa phương bị ngập nặng, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, mầm bệnh càng dễ phát triển, lây lan nhanh chóng nên đề nghị ngành chuyên môn, các cấp chính quyền, người dân không được lơ là, chủ quan với việc phòng, chống”.
Người dân cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột tại cổng và lối vào khu vực chăn nuôi
Ông Hùng cho biết, đơn vị đã nhận thêm 15.000 lít hoá chất Vetvaco-Iodine và phân bổ về các địa phương. Theo ông Hùng, các địa phương vùng dịch cần tập trung lực lượng thực hiện đồng bộ các biện pháp theo kế hoạch đã được tỉnh, huyện đề ra để khống chế dịch, đặc biệt là nghiêm cấm buôn bán lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài và ngược lại; thông tin đầy đủ để người dân về diễn biến dịch bệnh.
Với các địa phương chưa tái xuất hiện dịch, chủ động lập chốt kiểm dịch tại các vùng giáp ranh, có nguy cơ cao; nắm chắc tình hình ở cơ sở nhằm ứng phó kịp thời khi trên địa bàn xuất hiện lợn ốm, lợn chết. Tuyên truyền để tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo nguồn thức ăn hợp vệ sinh cho đàn lợn; chú ý hướng dẫn người dân phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.