UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND ngày 18/9/2020 về việc chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 45 huyện của 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 198 nghìn con gia cầm.
Hiện nay, còn có 10 ổ dịch cúm gia cầm tại 9 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, vùng dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại các tỉnh Nghệ An (4 huyện), Thanh Hóa (12 huyện), Quảng Trị (1 huyện), nguy cơ bệnh lây lan giữa các địa phương là rất cao.
Tại tỉnh ta, với tổng đàn gia cầm gần 9 triệu con, chủ yếu chăn nuôi trong các nông hộ, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đạt thấp. Trong khi đó, bước vào giai đoạn chuyển mùa, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, lưu lượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ những tháng cuối năm tăng cao nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào địa bàn tỉnh, gây lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm.
Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm để phát hiện, báo cáo kịp thời; tuyên truyền cho người tiêu dùng mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát của thú y để sử dụng làm thực phẩm.
Tiêm phòng bệnh cúm gia cầm là một trong những biện pháp chủ động, hữu hiệu để phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững
Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đợt 2 năm 2020, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, hộ chăn nuôi gia đình, cơ sở ấp trứng, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm, các cơ sở giết mổ gia cầm, điểm chợ mua bán gia cầm sống, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, từ ngoài vào địa bàn.
Tổ chức Triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2 năm 2020” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao trên địa bàn để tiêu diệt các loại mầm bệnh, thời gian thực hiện đồng loạt từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2020.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn để chỉ đạo phòng, chống dịch kịp thời, có hiệu quả.
Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; triển khai, chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
Chủ động sử dụng nguồn hóa chất, vắc xin cúm gia cầm dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đợt 2 năm 2020 và triển khai “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường”.
Phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng... và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sai quy định, không rõ nguồn gốc, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Theo dõi, tổng hợp báo cáo kịp thời và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp bổ cứu đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Cục Hải quan tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 6287/BNN -TY ngày 14/9/2020 và các quy định hiện hành.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định.