Điểm cầu trung tâm (host) của Tọa đàm do Liên hiệp hội Hà Tĩnh chủ trì điều hành.
Tọa đàm diễn ra trực tuyến tại 8 điểm cầu chính gồm Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học, các chuyên gia độc lập, doanh nghiệp, và cơ quan báo chí.
Phát triển năng lượng tái tạo gắn với mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trong giai đoạn hiện nay, đây là tiền đề, là cơ hội để các quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững góp phần vào tiến trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu hiện nay.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió trên thế gới đã tăng 15% so với năm 2018. Giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã giảm ở mức kỳ tích trong vòng 10 năm qua (giảm 82% với điện mặt trời, 39% với điện gió trên bờ và 29% với điện gió ngoài khơi)
Nắm bắt xu thế của thời đại, Đảng và Nhà Nước Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy phát triển NLTT trong đó xác định chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các cơ chế hỗ trợ giá các nguồn năng lượng tái tạo sinh khối, mặt trời, gió là đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững.
Đặc biệt với việc ra đời Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã có những thúc đẩy mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo, đề ra những yêu cầu về chính sách đột phá để khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo nhất là gió và mặt trời (áp mái và nổi) đảm bảo an ninh năng lượng và thay thế dần cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Từ các chủ trương của nhà nước, gần đây, nhiều dự án điện gió và mặt trời cũng được gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện, tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện Việt Nam với khoảng 5.500M (trong đó phần lớn là điện mặt trời). Đến tháng 7/2020 điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88MWp.) Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam tính tới ngày 23/8/2020 đạt hơn 1000 MW điện mặt trời mái nhà.
Đối với miền trung là khu vực có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, và hiện đã triển khai nhiều dự án điện mặt trời, trong thời gian qua với cơ chế hỗ trợ giá đối với các loại hình năng lượng tái tạo, khu vực miền Trung đã ghi nhận gần 3000 MW điện năng lượng tái tạo đi vào vận hành, riêng điện mặt trời là khoảng 1160MW.
Trong khi năng lượng tái tạo phát triển bùng nổ, thậm chí vượt quy hoạch đề ra thì nhiều dự án điện than lại bị chậm tiến độ. Nguồn năng lượng tái tạo đã giúp bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu năng lượng cấp bách.
Trước thực tiễn đó, cũng như tiến trình phát triển, buộc Bộ Công thương phải xây dựng Quy hoạch điện 8 để thay thế cho quy hoạch điện 7 đã không còn phù hợp. Theo bản dự thảo Quy hoạch điện 8 mới tham vấn lần 1, dự kiến công suất nguồn điện tái tạo sẽ tăng từ 21% lên khoảng 30%, và điện than giảm từ khoảng 43% xuống còn 27% vào năm 2030
Tại tọa đàm đại biểu đã được cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới, Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ đồng thời thảo luận các thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch, phân tích cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững và đề xuất giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch đảm bảo công bằng và bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Từ kết quả tọa đàm có thể thấy chuyển dịch sang năng lượng sạch là một xu thế tất yếu, Việt Nam cũng như vùng Bắc Trung bộ cũng không nằm ngoài xu thế đó, đặc biệt phát triển năng lượng sạch mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm, giá trị kinh tế cho địa phương và người dân. Tiềm năng phát triển năng lượng sạch của Bắc Trung Bộ rất hứa hẹn, để Bắc Trung Bộ nắm bắt được cơ hội, tận dụng được lợi thế này, cần tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, nhân lực, năn lực tài chính.
Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý, các chủ trương chính sách của trung ương, của tỉnh là khá đầy đủ, kịp thời tuy nhiên để việc triển khai thực sự có hiệu quả thì trên thực tế vẫn còn gặp những khó khăn, rào cản nhất là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt từ kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch trên thế giới và thực tế địa phương cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự chủ động của các địa phương là yếu tố quyết định hiện thực hóa chuyển dịch năng lượng.
Được biết các nội dung tại tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tổng hợp trình các cơ quan chức năng nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công thương đang xây dựng để trình Chính phủ trong thời gian tới