Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Công Trứ.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Công Trứ.

Dẫu trải qua nhiều biến cố thăng trầm, Nguyễn Công Trứ luôn mang trong mình khát vọng công danh cao đẹp, bổn phận quân thân, vì dân giúp nước. Người nam nhi không chỉ có bản lĩnh kiên cường, vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện lí tưởng “trí quân trạch dân” mà còn có tinh thần cao khiết, sống thanh bạch, không hám lợi danh. Nổi bật lên trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Công Trứ được xem là một trong những nhà nho tài tử với bản tính phóng túng mạnh mẽ với triết lý sống tự do. Một quan  niệm nhiều lần được ông nhắc từ thuở hàn vi và thời làm quan đắc chí, đó là “chí nam nhi”. Nguyễn Công Trứ  không có quan niệm nào khác là con người sống trong xã hội phải chiếm lấy một địa vị  trong xã hội. Nguyễn Công Trứ đã mang vào khái niệm chí nam nhi của Nho gia cái ý thức cá nhân về sự tự do phóng  túng trong lối sống tạo nên nét riêng độc đáo và mang đến một màu sắc mới  cho thời đại. “ Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”.  Đây chính là tuyên ngôn lập thân của Nguyễn Công Trứ. Theo quan niệm của người xưa, người con trai sinh ra ở đời, đầu đội trời, chân đạp đất là phải mang nợ tang bồng. Tang là cây dâu, bồng là cỏ bồng, nghĩa đen là cung tên. Nợ tang bồng là nợ lớn của đấng nam nhi: phải có chí lớn, tung hoành giữa trời đất, ra sức giúp nước, trả ơn vua, trả nợ đời. Không thể sống ru rú trong xó nhà. Không thể quẩn quanh, mang thói nữ nhi thường tình. Phải đem tài trí đua tranh với đời. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, được sự giáo dục chu đáo của gia đình, với trí thông minh vốn có của mình đã tôi luyện nên ở con người ông một bản lĩnh sống cùng trí tuệ, khí phách hơn người. “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất Không công danh thà nát với cỏ cây. Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây, Phải hăm hở ra tài kinh tế”. (Phận sự làm trai – Nguyễn Công Trứ) Quân tử là những người có hành động ngay thẳng, không khuất tuất vụ lợi cá nhân, bất chấp mọi khó khăn để thực hiện “chí nam nhi” của mình với non sông. Họ là những người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Đây là đối tượng đạo đức mà ông đặc biệt quan tâm, bởi đó chính là mẫu hình lý tưởng, con người trung tâm thời đại ông đang sống. Quan niệm về chí làm trai của người quân tử thời kỳ Lý – Trần với Nguyễn Công Trứ giống nhau ở chỗ tiêu biểu cho trạng thái tinh thần của tầng lớp nho sĩ đang cố sức vươn lên trong điều kiện mới của xã hội, nó được xây dựng dựa trên cơ sở những lý tưởng về chính quyền nhà Nguyễn lúc mới thành lập. Đấy là tinh thần nhập thế tích cực của nhà Nho vốn được giáo dục niềm tin về nguồn gốc vũ trụ thiêng liêng của nhân cách và tài năng của mình, muốn mang tài năng ấy cống hiến cho sự nghiệp cứu chúa, an dân. Ông muốn đem cái sở học cùng tâm nguyện chí làm trai ra góp phần, để kiến thiết một xã hội mới, trong niềm tin chủ quan và có phần chất phác của mình. “Chí tang bỗng hẹn với giang sơn Đường trung hiếu, chữ quân thân gánh vác”.( Nợ tang bồng) Trong tâm hồn, trong suy nghĩ của ông luôn luôn thường trực chí làm trai. Đây là động lực quan trọng giúp Nguyễn Công Trứ làm nên nghiệp lớn sau này. Điều hấp dẫn độc đáo là chí làm trai được ông nâng lên tầm vũ trụ, gắn với cảm hứng vũ trụ với hình ảnh to lớn, kì vĩ: “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả, trả vay. Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây, Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể.” (Chí làm trai -)   Kẻ sĩ là người biết mệnh trời, hiểu luật đời, dám chấp nhận mọi khó khăn thử thách trên hoạn lộ, quyết tâm đến cùng, không bao giờ từ bỏ sứ mệnh để thực hiện bổn phận, trách nhiệm với non sông. Cái chí làm trai lẫy lừng giữa đất trời này luôn sôi sục trong tinh thần của ông trong suốt cuộc đời. Chí làm trai phải “dọc ngang, ngang dọc” trong trời đất, đủ sức “vẫy vùng nơi bốn bể”, đem tài năng thi thố với thiên hạ, làm nên sự nghiệp lớn “lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh”.  Người làm trai tự nhận trọng trách lớn lao về mình, tự gánh trên đôi vai cái “nợ tang bồng”. Phận sự ấy là gánh càn khôn, sự nghiệp, công danh, chí tang bồng, đường trung hiếu, chữ quân thân… mà đấng nam nhi không thể trốn tránh, chối từ mà trái lại phải làm cho xong dù ông ý thức sâu sắc để làm tròn chí nam nhi phải trải qua con đường với bao gian nan thử thách, như chàng thủy thủ đang băng vượt giữa dặm dài đại dương đầy “mây tuôn sóng vỗ”.  Bản lĩnh và nhân cách là chỗ đó! “Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong Chí những toan xẻ núi lấp sông Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Mỗi một thời đại đều có một quan niệm về chí làm trai riêng. Nhưng dù ở thời đại nào, đã mang phận làm trai, ai cũng mang khát vọng dấn thân để làm nên công danh sự nghiệp, để lại tiếng thơm cho muôn đời. Có vậy, mới xứng danh một đấng nam nhi đứng giữa đất trời