Hiện nay, bưởi Phúc Trạch đang giai đoạn ra hoa, đậu quả cùng đợt với đa số các giống bưởi hiện nay trên thị trường. Việc chăm sóc, thụ phấn cũng như quản lý sâu bệnh hại…có vai trò rất quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng của quả bưởi về sau. Sau khi tổng kết quy trình trồng và chăm sóc bưởi Phúc Trạch tại các cơ sở sản xuất điển hình trong tỉnh; tham khảo Quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho cây bưởi Phúc Trạch do Viện Nghiên cứu rau quả biên soạn được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật tại Quyết định số 276/QĐ-TT-CCN ngày 31/12/2021 và hướng dẫn tạm thời về quy trình trồng, chăm sóc bưởi Phúc Trạch trồng tại Hương Khê Hà Tĩnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh ban hành, Ban Thông tin & Phổ biến kiến thức- Husta có một số khuyến cáo trong kỹ thuật chăm sóc bưởi Phúc Trạch giai đoạn ra hoa, đậu quả và thu hoạch đến bà con như sau:

1.Cắt tỉa

- Vụ xuân: Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Cắt bỏ những cành chất lượng kém, cành cây sâu, cành mọc lộn ngược trong tán, kết hợp cắt bỏ những cành hoa nhỏ, dày, hoa dị hình.

- Vụ hè: Từ tháng 4 đến hết tháng 6. Cắt bỏ những cành mùa hè mọc dày hoặc yếu, những cành mùa vụ trồng, cành vượt, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình, tỉa những mùa quả dày.

2. Quản lý dinh dưỡng và bón phân:

a, Lượng phân hữu cơ và phân hóa học được bón căn cứ theo tuổi của cây:

TT

Loại phân

ĐVT

Kg/gốc

 4- 5 tuổi

6-7 tuổi

8-10 tuổi

> 10 tuổi

1

Phân chuồng

Kg

40- 50

50-70

80-100

>100

2

Phân đạm ure

Kg

0,5 - 0,6

0,8 - 1

1 - 1,2

1,2 - 1,5

3

Phân lân suppe

Kg

1 - 1,2

1,2 - 1,5

1,5 - 2,0

2,0 -2,5

4

Phân kalyclo rua

Kg

0,8 - 1

1- 1,2

1,2 - 1,5

1,5 - 2

5

Vôi bột

Kg

2

2

2

2

b, Thời điểm bón:

Có 4 thời điểm bón phân cho cây bưởi là sau khi thu hoạch quả; bón thúc hoa; bón dưỡng hoa, quả non và bón thúc quả. Tùy thời điểm bón mà lượng bón và loại phân bón cũng khác nhau. Bón 100% phân chuồng hoai mục+ 100% lân + 100% vôi + 20% đạm + 20% kali cho cây giai đoạn sau thu hoạch và 30% đạm + 30% kali cho giai đoạn thúc hoa (cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch).

 Đối với bón dưỡng hoa, quả non (cuối tháng 2, đầu tháng 3), ta bón 30% đạm + 30% kali. Bón thúc quả (cuối tháng 5, đầu tháng 6): ta bón ta bón 20% đạm + 20% kali còn lại.

c, Cách bón:

Rạch rãnh xung quanh tán sâu khoảng 10 - 15cm, rắc phân vào rãnh rồi lấp đất lại. Mỗi lần bón phân đều phải kết hợp với làm cỏ, xới xáo gốc, tưới nước và tủ gốc cây. Với lần bón sau thu hoạch (có phân hữu cơ) rãnh bón được cuốc sâu và rộng hơn, sâu từ 15 - 20cm, rộng từ 20 - 30cm.

Ngoài ra cần bón bổ sung thêm các phân trung, vi lượng qua lá để bổ sung cho cây vào một số thời điểm xung yếu.

3. Quản lý đất và độ ẩm:

- Xới xáo và làm cỏ gốc: Làm cỏ gốc, che phủ gốc cây bằng xác thực vật khô.

- Tưới nước và quản lý độ ẩm: Độ ẩm đất thích hợp cho cây bưởi Phúc Trạch phát triển trong khoảng từ 60-80% độ ẩm đồng ruộng. Tuy nhiên giai đoạn phân hóa mầm hoa (tháng 11,12) cần khô, duy trì trong khoảng 55-60% độ ẩm đồng ruộng. Kiểm tra độ ẩm đất bằng máy đo độ ẩm đất, cứ 5 - 7 ngày kiểm tra một lần. Trong mùa mưa cần lưu ý nếu không có mưa 7 ngày thì tưới, lượng nước tưới 60-70 lít/cây.

- Quản lý pH đất: kiểm tra pH đất và rắc vôi bột cùng với lần bón phân chuồng nếu pH đất < 5,5. Lượng bón vôi tùy thuộc vào độ chua của đất.

4. Thụ phấn bổ sung:

Việc thụ phấn bổ sung chỉ thực sự cần thiết với vườn trồng thuần bưởi Phúc Trạch. Nếu vườn có trồng xen với 2-3 giống bưởi khác hoặc trồng xen cây bưởi gieo từ hạt không nhất thiết phải thực hiện hoặc chỉ thực hiện ở những năm có điều kiện thời tiết giai đoạn nở hoa bất thuận (mưa phùn, độ ẩm không khí cao).

Khi thụ phấn, nên sử dụng kết hợp 2 hình thức là thụ phấn thủ công và thụ phấn bằng cơ giới. Trong đó, thực hiện thụ phấn thủ công cho những cành bưởi thấp trong tầm với của người thụ phấn khi đứng dưới mặt đất, thụ phấn cơ giới dùng để thụ cho cành cao, cành xa, ở ngoài tầm với của người thụ phấn thủ công. Trình tự các bước thực hiện như sau:

Thụ phấn bổ sung cho bưởi bằng phương pháp thủ công

* Thu thập hoa để lấy phấn:

Lựa chọn hoa ở thời kì nở hoa từ những cây bưởi khác giống, tốt nhất là từ những cây bưởi chua được gieo từ hạt. Cây bưởi lấy hoa phải đảm bảo đã cho quả ổn định. Tuỳ theo số lượng phấn hoa cần mà định lượng hoa thu thập. Thông thường cứ 100g hoa tươi sẽ thu được 2 - 3g phấn hoa. Hoa vừa ngắt vẫn còn hô hấp, do vậy không nên cho vào trong bao ni lông mà đặt lên trên những dụng cụ thoáng như sàng, hoặc rổ.

* Thụ phấn thủ công bằng tay:

- Chuẩn bị phấn hoa: Dùng panh kẹp bỏ cánh và nhụy hoa để trong đĩa Pettri hoặc cốc có nắp đậy để sử dụng cho việc thụ phấn thủ công. Phấn hoa bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thường, có thể sử dụng trong 48 giờ nhưng tốt nhất là sử dụng thụ phấn trong ngày.

- Thụ phấn: Lấy hoa bưởi chua đã chuẩn bị quét phấn hoa lên đầu nhụy của hoa cần thụ. Một hoa bưởi chua (hoa cho phấn) dùng thụ cho từ 8 - 10 hoa bưởi cần thụ. Một ngày thụ 2 lần, buổi sáng từ 8h30 đến 10h30, buổi chiều từ 2h đến 4h. Thụ bổ sung liên tục từ khi hoa nở rộ đến khi hoa bắt đầu tàn. Một chùm hoa chỉ cần thụ từ 1 đến 2 hoa, mỗi hoa chỉ cần thụ bổ sung 1 lần duy nhất.

* Thụ phấn bằng cơ giới (máy phun phấn):

- Chuẩn bị phấn hoa: Thực hiện theo các bước sau:

    + Bước 1: Thu bao phấn: Dùng kéo cắt lấy các bao phấn từ những hoa đã được ngắt cánh hoa và nhụy ta có được các bao phấn bưởi chua.

    + Bước 2: Trộn hỗn hợp phấn: Trộn phấn với Bột đá (CaCO3 - loại có kích thước hạt từ 75 - 90µm) theo tỷ lệ 1:4, nghĩa là 1 phần phấn được trộn với 4 phần bột (VD: 1 thìa cà phê bao phấn bưởi chua + 4 thìa cà phê bột đá). Sau khi trộn đều, dùng thìa nghiền nhẹ vào hỗn hợp phấn cho vỡ vỏ bao phấn và phấn hoa trộn đều với bột.

    + Bước 3: Loại bỏ vỏ bao phấn và bảo quản hỗn hợp phấn: Sau khi đảm bảo đã nghiền vỡ tất cả các bao phấn, lấy được hết phấn từ các bao phấn thì tiến hành sàng để loại bỏ vỏ bao phấn. Dùng sàng bột chuyên dụng hoặc một miếng vải màn Tuyn để sàng bỏ vỏ bao phấn bưởi chua. Sau bước này ta thu được hỗn hợp phấn. Bảo quản hỗn hợp phấn trong hộp nhựa hoặc thủy tinh có lắp đậy để dùng cho phun phấn trong ngày.

- Thụ phấn: Dùng máy phun phấn phun hỗn hợp phấn lên các vị trí có hoa bưởi nở. Phun từ trên cao xuống thấp để khi phun ra, nếu hỗn hợp phấn chưa bám vào đầu nhụy của những hoa phía trên có thể rơi xuống bám vào hoa ở phía dưới. Phun 4 lần vào thời điểm hoa bắt đầu nở rộ, mỗi lần phun cách nhau 1 ngày, phun 1 lần/ngày, có thể sáng hoặc chiều tùy điều kiện cụ thể. Buổi sáng phun trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 10h30, buổi chiều từ 2h đến 4h.

5. Bao quả:

- Vật liệu bao quả: Túi giấy hoặc túi PE, tốt nhất là túi giấy màu vàng hoặc màu trắng.

- Thời gian bao: Bao khi đường kính quả đạt kích thước từ 5 - 7,5cm.

- Chuẩn bị trước khi bao quả: Tỉa thưa quả (trên mỗi cành giữ lại 1 - 2 quả). Tỉa bỏ quả nhỏ, sâu bệnh, quả xấu,… Một ngày trước khi bao quả, cần phun thuốc trừ sâu và trừ bệnh một lần hoặc có thể bao ngay sau khi phun vài giờ khi quả ráo nước.

- Bao quả: Cho quả vào túi bao, miệng túi bao kín quả, nhẹ nhàng quấn chặt dây kẽm vào cuống quả. Trước khi thu hoạch khoảng 25 - 30 ngày tháo túi bao.

6. Những sâu, bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ:

6.1. Sâu hại:

a. Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella):

- Đặc điểm gây hại: Sâu vẽ bùa gây hại chủ yếu ở thời kỳ vườn ươm và cây nhỏ 3 - 4 năm đầu mới trồng. Trên cây lớn thường hại vào thời kỳ lộc non, nhất là đợt lộc xuân. Sâu non gây hại làm bề mặt lá hình thành các đường hầm ngoằn nghèo, lá kém phát triển, cong queo.

- Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ thiên địch như ong, kiến vàng,… Sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông thường phun thuốc phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non là hiệu quả nhất (lúc lá non dài 1 - 2cm). Phun ướt hết mặt lá.

b. Sâu đục thân (Chelidonium argentatum); Sâu đục cành (Nadezhdiella cantori):

    - Đặc điểm gây hại: Gây hại từ tháng 5 đến tháng 9. Sâu trưởng thành đẻ trứng vào các kẽ nứt trên thân, cành chính. Sâu non nở ra đục vào phần gỗ tạo ra các lỗ đục, trên vết đục xuất hiện lớp phân mùn cưa đùn ra.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Bắt diệt sâu trưởng thành (xén tóc).

+ Phát hiện sớm vết đục, dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ đục để bắt sâu non.

+ Sau thu hoạch (tháng 11 - 12)  quét vôi vào gốc cây để lấp những kẽ nứt ở vỏ cây không cho sâu có chỗ đẻ trứng và tiêu diệt trứng (làm bị ung những trứng sâu đã đẻ trong kẽ nứt).

+ Bơm các loại thuốc có hoạt chất Fenitrothion hoặc hoạt chất Methidathion, pha loãng và nhỏ vào các vết đục, sau đó dùng đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu.

c, Nhện hại: Nhện đỏ (Paratetranychus citri); Nhện trắng (Phyllocoptes oleivorus):

- Đặc điểm gây hại: Phát sinh quanh năm, gây hại nặng vào vụ đông xuân, hại lá và quả non.

+ Nhện đỏ rất nhỏ, thường tụ tập thành những đám nhỏ ở dưới mặt lá, hút dịch lá làm cho lá bị héo đi. Trên lá nơi nhện tụ tập thường nhìn thấy những vùng tròn bị bạc hơn so với chỗ lá không có nhện, hơi phồng lên nhăn nheo.

+ Nhện trắng là nguyên nhân chủ yếu gây ra rám quả, các vết màu vàng sáng ở dưới mặt lá. Phát sinh chủ yếu trong thời kỳ khô hạn kéo dài và ít ánh sáng (trời âm u hoặc cây bị che bởi các cây khác).

- Biện pháp phòng trừ: Để chống nhện trắng và nhện đỏ, dùng thuốc các loại thuốc có hoạt chất là Fenpyroximate 5% hoặc propagite phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cần phun ướt cả mặt dưới lá. Nếu đã bị hại, phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày.

d, Rệp sáp:

- Đặc điểm gây hại: Trên mình phủ 1 lớp bông hoặc sáp màu trắng hình gậy, hình vảy ốc, có thể màu hồng hoặc màu xám nâu. Thường gây hại trên cành lộc non, quả. Chúng hút dịch làm cành lộc, quả không phát triển, bị nặng có thể gây rụng quả.

- Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc có hoạt chất Etofenprox 10% hoặc Cypermethrin 250gr/l pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phun vào thời kỳ lá non. Khi xuất hiện rệp, muốn điều trị có hiệu quả cần pha thêm một ít xà phòng để có tác dụng phá lớp sáp phủ trên người rệp làm cho thuốc dễ thấm.

e, Ruồi vàng hại quả:

- Đặc điểm gây hại: Ruồi trưởng thành đẻ trứng vào vỏ quả, sâu non nở thành dòi đục vào trong quả làm thối quả. Khi trứng chưa nở, ngoài vỏ quả chỉ thấy một vết châm rất nhỏ, nhưng khi trứng nở thành dòi vết châm bị thâm nâu và lan rộng, bên trong quả có dòi, gây rụng quả

- Biện pháp phòng trừ: Dùng bả gồm Methyl Eugenol 90 - 95% + 5 - 10%Nalet. 2ml cho một bả, mỗi bả dùng cho 50 cây, làm liên tục 10 - 12 lần trong mùa quả chín.

6.2. Bệnh hại:

a, Bệnh loét cam quýt (Xanthomonas citri) và bệnh sẹo (Ensinoe faucetti jenk):

- Đặc điểm gây hại: Gây hại chủ yếu ở thời kỳ vườn ươm và cây mới trồng từ 1 - 3 năm. Trên lá thấy xuất hiện các bệnh màu nâu, có thể lốm đốm hoặc dày đặc trên mặt lá, hình tròn, bề mặt vết bệnh sần sùi gồ ghề. Nếu bệnh xuất hiện trên cành sẽ nhìn thấy các đám sần sùi có màu vàng hoặc màu nâu. Cành bị nhiều vết bệnh sẽ bị khô và chết. Thời kỳ mang quả, bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Năm nào mưa nhiều kèm thời tiết nóng ẩm bệnh bùng phát mạnh thành dịch.

- Biện pháp phòng trừ: Hiệu quả và kinh tế nhất là bằng cách phun Boocđô 1-2%. Cách pha thuốc Boocđô cho bình 10 lít như sau:

+ Dùng 0,1 kg sunfat đồng pha trong 8 lít nước

+ Dùng 0,2 kg vôi tôi pha trong 2 lít nước

+ Đổ 8 lít đồng vào 2 lít vôi (không được làm ngược lại), vừa đổ vừa ngoáy đều

+ Lọc nước trước khi phun.

Ngoài ra, có thể dụng một số loại thuốc khác có hoạt chất là Difenoconazole hoặc Oxyclorua đồng để phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

b, Bệnh chảy gôm (Phytophthora citropthora):

- Đặc điểm gây hại: bệnh thường phát sinh ở phần gốc cây, cách mặt đất từ 20 -  30cm trở xuống cổ rễ, bệnh nặng có thể phát sinh ở cành. Giai đoạn đầu bệnh mới phát sinh, vỏ cây thường bị những vết nứt và chảy nhựa (gôm). Bóc lớp vỏ ra ở phần gỗ bị hại có màu xám và có thể nhìn thấy sợi nâu hoặc đen chạy dọc theo thớ gỗ. Bệnh nặng lớp vỏ bị hại sẽ thối rữa và tuột khỏi thân cây, phần gỗ bên trong lớp vỏ hoá đen xám. Nếu tất cả xung quanh phần cổ rễ bị hại cây sẽ bị chết ngay, còn bị hại một phần thì lá bị vàng cây sinh trưởng kém. Đào sâu xuống đất có thể thấy nhiều rễ cũng bị thối. Những địa hình thoát nước kém cây dễ bị bệnh chảy gôm.

- Biện pháp phòng trừ: dùng Boocđô 1 - 2%  để phun trên cây và đổ trực tiếp vào vết bệnh. Nếu cả rễ bị bệnh có thể đào lên loại bỏ rễ thối và xử lý thuốc. Ngoài ra, có thể dùng thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium 80% hoặc thuốc có hoạt chất Metalaxyl M 40g/l + Mancozeb 640g/l pha với nồng độ 2/1000 để xử lý các vết bệnh và phun trên lá.

c, Bệnh đốm đen (Phyllosticta citricarpa):

- Đặc điểm gây hại: Triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 5, phát sinh và gây hại mạnh trong tháng 7 đến đầu tháng 9. Bề mặt vỏ quả có nhiều vết đốm hình tròn đường kính 2 - 3 mm, lõm xuống, tâm vết bệnh có những quả thể màu đen mọc rải rác. Quả bị bệnh chuyển màu vàng, gây ra hiện tượng chín ép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẫu mã và phẩm chất quả. Biểu hiện của bệnh rất nhanh vào giai đoạn quả sắp thu hoạch.

- Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp, cụ thể: Sau thu hoạch tiến hành thu dọn, tiêu hủy tàn dư gây bệnh như những cành, lá bị nhiễm bệnh, dọn sạch cỏ dại vì đây là nguồn lưu tồn và lây lan quan trọng nhất. Sử dụng các chế phẩm từ nấm Trichoderma bón vào đất sau thu hoạch. Trong trường hợp vườn có nhiều tàn dư bệnh thì sử dụng thuốc có hoạt chất Difenoconazole 3 lần, lần đầu phun sau tắt hoa 6 tuần, các lần phun cách nhau 15 ngày. Nồng độ phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

d, Bệnh greening (Bệnh gân xanh lá vàng):

- Đặc điểm gây hại: Tác nhân gây bệnh là một vi khuẩn gram âm sống trong tế bào phá hại chủ yếu các mạch gỗ ở các bộ phận còn non, rất phổ biến ở nước ta. Trên cây nhỏ, bệnh làm cây có tán lá không đều, lá nhỏ đi. Lá biến vàng lốm đốm hoặc vàng lá gân xanh. Trên cây lớn: Cũng giống như cây nhỏ nhưng chỉ xuất hiện trên một vài lá, một vài cành, bị nặng thì mới xuất hiện trên toàn cây.

- Biện pháp phòng trừ: Bệnh lây truyền qua chiết ghép và môi giới truyền bệnh, hiện không có thuốc trị, chủ yếu là phòng. Để phòng bệnh greening cần tiến hành theo 2 hướng: giảm số lượng côn trùng môi giới trong tự nhiên và dùng cây giống sạch bệnh. Nếu phát hiện cây bị mắc bệnh cần chặt bỏ, trồng cây khác để tránh lây lan.

e, Bệnh Tristeza:

- Đặc điểm gây hại: Triệu chứng giống như bệnh Greening, nhưng phần bị bệnh phá hại là gốc cây, khi cây bị bệnh thì toàn bộ lá trên cây đều bị vàng, giống như bệnh chảy gôm chỉ khác ở chỗ cây bị bệnh tristeza lá chuyển màu vàng gần trong và bị biến dạng, còn cây bị bệnh chảy gôm thì lá chỉ bị vàng và không bị biến dạng. Gốc cây bị bệnh có thể bị những vết lõm, vỏ chỗ vết lõm bị nứt. Nếu bóc lớp vỏ ra thấy phần gỗ bên trong bị hoá bần (nhìn thấy một đám trắng xốp). Nhìn kỹ thấy những mụn gỗ nhỏ li ti nổi lên đám gỗ hoá bần. Cây bị bệnh Tristeza chết rất nhanh, từ khi phát hiện thấy vàng lá chỉ trong vòng vài tuần hoặc một tháng.

- Biện pháp phòng trừ: Phòng tránh bệnh tristeza tương tự như phòng tránh bệnh greening.

7. Thu hoạch

    Cần thu hoạch kịp thời để không ảnh hưởng tới phẩm chất quả. Thu khi quả có 1/3 - 1/2 vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Chất lượng quả tốt nhất khi thu vào thời điểm tất cả vỏ quả chuyển vàng.

Thu khi trời mát, khi thu hái nên dùng kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ quả, gãy cành. Cần có dụng cụ để đựng quả trong và sau thu hoạch, tránh tổn thương đến vỏ quả. Phân loại trước khi cất giữ hoặc vận chuyển bán ngoài thị trường./.