Loài cá giá trị cao

Chạch lấu là loài cá nước ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt, lợ, phân bổ ở hầu hết các kênh rạch, ưa sống tại nơi có dòng nước chảy xiết, hàm lượng oxy hòa tan cao. Ban đầu, thức ăn chủ yếu của chạch lấu là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác, khi lớn, chúng ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ. Ở môi trường tự nhiên, qua 1 năm tuổi, chạch lấu có thể đạt kích cỡ 150 – 250g/con, sau 2 năm trọng lượng tăng hơn gấp đôi, tương đương 450 – 500g/con.

Cá chạch lấu phát triển tốt tại Nghệ An, nơi có điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt.

 

Trên thực tế, chạch lấu đã được nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo thành công, góp phần chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng để cung cấp cho quá trình nuôi thương phẩm. Dù vậy, mới chỉ một số cơ sở ở miền Nam cung ứng được mặt hàng này, nguồn cung cơ bản chưa đáp ứng đủ cho phong trào nuôi hàng hóa, kéo theo tình trạng “đội giá” của cánh thương lái, khiến những hộ có nhu cầu nuôi thực sự gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Dù vậy, xét tổng quan, mô hình nuôi chạch lấu thương phẩm vẫn là hướng đi mới đầy triển vọng. Sau thời gian dài tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, nhận thấy chạch lấu có thể sinh trưởng, phát triển tốt với điều kiện sinh thái của địa phương, cũng như đáp ứng được trình độ kỹ thuật, điều kiện đầu tư của người dân, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã quyết định triển khai chuyên đề "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong ao đất quy mô công nghiệp".

Thịt cá chạch lấu thơm ngon, có giá trị kinh tế rất cao, cá cỡ 300 – 500g/con được bán với giá 250.000 – 400.000 đồng/kg, điều này tạo đà đẩy nhanh quá trình khai thác chạch lấu tự nhiên, cá biệt có những trường hợp dùng cả phương pháp đánh bắt mang tính tận diệt (điện, hóa chất…) khiến sản lượng chạch lấu tự nhiên ngày càng suy giảm mạnh, do đó việc chuyển hướng sang nuôi công nghiệp là hướng đi phù hợp với xu thế chung.

Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Nghệ An là tỉnh có điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt, mùa hè quá nóng, mùa đông lại quá lạnh, với đối tượng nuôi hoàn toàn mới mẻ như chạch lấu thì đây là một "bài test" tương đối khó khăn.

Cái khó nữa là trên địa bàn chưa có cơ sở cung ứng giống chạch lấu, vì vậy nguồn giống phải đặt mua từ tỉnh Hậu Giang, sau đó vận chuyển về bằng đường máy bay với mật độ 500 con/thùng, khá tốn kém. Bù lại, cá giống được tuyển chọn tại địa điểm cung cấp uy tín nên chất lượng đảm bảo, khỏe mạnh, mức độ hao hụt không đáng kể, tỷ lệ sống sau vận chuyển đạt đến 99,8%.

Việc du nhập đối tượng nuôi mới tưởng chừng như mạo hiểm

nhưng thực tế đã cho tín hiệu rất tích cực.

Chuyên gia khuyến cáo, để tránh tình trạng cá bị sốc tại môi trường mới, đòi hỏi người nuôi phải chủ động điều hòa nguồn nước, giữ trạng thái cân bằng hoàn hảo bằng cách lắp hệ thống đảo nước, cung cấp thêm oxy hòa tan, lắp mái che, thả bèo tây cản nhiệt… Quá trình thả giống nên tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả phải tắm cho cá bằng nước muối pha loãng nồng độ 2 – 3% trong vòng 15 phút để sát trùng, phòng bệnh.

Quy trình nuôi chạch lấu khá kỳ công nhưng cũng không khó, tùy theo trình độ nuôi, hình thức nuôi sẽ có bố trí phương án thả giống hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Riêng trong ao đất quy mô công nghiệp, mật độ thả nuôi phù hợp là từ 5 - 10 con/m2. Những con giống khỏe mạnh, kích cỡ từ 12 - 15cm được đánh giá là phù hợp nhất, cá giống càng lớn thì tỉ lệ hao hụt càng thấp.

Mô hình tại Nghệ An chính thức xuống giống từ ngày 16/4/2021 với số lượng 9.000 con, kích cỡ con giống đạt từ 8 – 10cm/con, mật độ thả 6 con/m2. Thời điểm mới thả, kích thước chạch lấu nhỏ, miệng bé nên quá trình nuôi sử dụng hoàn toàn thức ăn dạng viên nhỏ, size từ 2 – 3mm. Trong 2 tháng đầu, nhóm thực hiện chuyên đề chủ động trộn bổ sung thêm giun quế để làm chất dẫn mùi, tăng khả năng bắt mồi cho chạch lấu.

Trong thời gian nuôi, thời tiết địa phương thường xuyên có những biến động bất thường, nền nhiệt thay đổi đột ngột, gây không không ít khó khăn. Nhằm đối phó với diễn biến nắng gắt, nhiệt độ nước tăng cao trong các tháng hè, nhóm thực hiện đã chủ động sử dụng quạt nước để dung hòa, tránh bị thiếu oxy. Mùa đông nhiệt độ nước biến động trong khoảng 23 – 38 độ C, nhờ chủ động điều hòa nên giữ được ngưỡng phù hợp.

Quá trình nuôi thử nghiệm, cho thấy cá chạch lấu có sức sống cao nhưng khá mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường, thời tiết. Do đó, cần làm tốt công tác phòng bệnh chung bằng cách cho ăn đẩy đủ, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng protein đảm bảo, không ẩm mốc. Người nuôi phải quản lý thức ăn hiệu quả nhằm tránh thừa, thiếu, tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá cũng như làm xáo trộn môi trường ao nuôi.

Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, lại nuôi trong bối cảnh mùa hè nắng gắt nên có thời điểm cá chạch lấu bị sốc nhiệt, mất nhớt, một số con chết. Trước tình hình trên, nhóm đã sử dụng thuốc tím với liều lượng 3ppm kết hợp tạt đều men vi sinh EM khắp ao, chỉ sau 2 tuần, số cá nhiễm bệnh đã khỏe mạnh trở lại, bắt mồi tốt, tỷ lệ hao hụt về sau không đáng kể. Nhờ phòng bệnh tốt nên bệnh trên cá chạch lấu đã cơ bản được kiểm soát hiệu quả.

Thạc sỹ Trương Văn Toản, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An) đánh giá: Cá chạch lấu duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định, tỷ lệ hao hụt thấp, chứng tỏ cá thích nghi tốt với điều kiện sinh thái tại Nghệ An. Chạch lấu càng lớn càng cho giá trị cao, được thương lái ưa chuộng, do đó không nên vội vàng thu hoạch nếu trọng lượng, kích cỡ chưa đảm bảo.

Hiệu quả kinh tế từ nuôi chạch lấu tương đương với nuôi lươn, quy trình nuôi cũng không quá phức tạp, rào cản lớn nhất lúc này là Nghệ An chưa chủ động được nguồn giống nên còn phát sinh thêm chi phí sản xuất. Từ kết quả thực tế cho thấy, chạch lấu là đối tượng nuôi phù hợp, lâu dài cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.