Đảng đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh

về công tác tập hợp đội ngũ trí thức

Trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành các cơ chế, chính sách tạo động lực khích lệ đội ngũ trí thức hoạt động, cống hiến. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc trưng cầu, tiếp thu ý kiến của trí thức trong hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện để trí thức tham gia giám định, phản biện xã hội các chương trình, dự án lớn của tỉnh, của các bộ, ngành. Tổ chức gặp mặt các giáo sư, phó giáo sư là những người con quê hương Hà Tĩnh để tranh thủ ý kiến góp ý định hướng chiến lược phát triển của tỉnh. Quan tâm việc tôn vinh trí thức tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh; định kỳ tổ chức gặp mặt, tôn vinh trí thức có nhiều thành tích, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có chính sách hỗ trợ trí thức trẻ, thành lập Quỹ hỗ trợ các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn vào đại học… Các cấp, các ngành làm tốt công tác thi đua khen thưởng, nêu gương những trí thức có nhiều đóng góp, cống hiến trên các lĩnh vực.

Chính sách trọng dụng nhân tài của tỉnh đã thu hút được một số trí thức có kinh nghiệm, trình độ cao về quê hương công tác, cống hiến. Nhiều trí thức thuộc nguồn lao động chất lượng cao tuy đã hết tuổi lao động nhưng vẫn tiếp tục cống hiến, sáng tạo trên lĩnh vực chuyên môn của mình với tư cách là hội viên các hội khoa học và kỹ thuật. Thực hiện khá hiệu quả chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc những ngành nghề tỉnh đang có nhu cầu, những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành, nghề truyền thống.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/12/2011 về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo. Trường Đại học Hà Tĩnh, các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao năng lực thực hành, chú trọng trang bị kiến thức ngoại ngữ, tin học; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu thực hành cho người học. Tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

Đội ngũ trí thức tỉnh nhà ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có trên 36.000 trí thức, trong đó trí thức có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ 22,21% (giảm 24% so với năm 2008); Đại học chiếm tỷ lệ 68,94% (tăng 18,14% so với năm 2008); Sau đại học là 8,85% (tăng hơn 6% so với 2008).

Trách nhiệm và hoạt động của đội trí thức được phát huy

Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác trí thức, gắn trách nhiệm của trí thức với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình; phát huy tốt vai trò, trí tuệ, năng lực sáng tạo để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ứng dụng, sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tham gia tư vấn, góp ý các đề án, dự án của tỉnh và các ngành về lĩnh vực quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

 Các hội trí thức đã xây dựng, củng cố tổ chức, phát huy vai trò sáng tạo của trí thức trong hoạt động khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật; tăng cường tập huấn về khoa học kỹ thuật, công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, kỹ năng xây dựng các đề tài, dự án, vận động tài trợ, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; khuyến khích, động viên văn, nghệ sỹ say mê sáng tác, cống hiến, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

 Hoạt động của Liên hiệp hội các cấp ngày càng đi vào chiều sâu

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thường xuyên quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổ chức các đơn vị thành viên, chỉ đạo các Hội đến nhiệm kỳ đại hội, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, giải thể tổ chức Hội hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, đã giải thể 01 tổ chức Hội chuyên ngành cấp tỉnh; thành lập 01 tổ chức Liên hiệp hội cấp huyện, kết nạp 02 tổ chức thành viên, chỉ đạo 24 tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo đúng quy định. Đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập được 13/13 Liên hiệp hội cấp huyện, là một trong ít các tỉnh, thành trong cả nước có mô hình tổ chức của trí thức đến cấp huyện. Các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn nên hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, một mặt góp phần quan trọng nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức Liên hiệp Hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trí thức và chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế, bất cập đáng quan tâm. Cơ cấu của đội ngũ trí thức chưa hợp lý giữa các vùng, miền, lĩnh vực; chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với trình độ được đào tạo, còn ít trí thức chuyên sâu về nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của tỉnh chưa đủ hấp dẫn để  thu hút, giữ chân người tài. Vẫn còn tình trạng lãng phí, “chảy máu” chất xám, việc giữ chân trí thức có trình độ cao ở lại công tác trong các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực y tế. Chưa tranh thủ phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức là con em quê hương Hà Tĩnh ở ngoài tỉnh và nước ngoài cống hiến xây dựng quê hương. Hoạt động của trí thức về tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thiếu chủ động và chưa rõ nét. Hoạt động của một số hội trí thức hiệu quả chưa cao; việc tập hợp, khuyến khích trí thức hiến kế, giám định, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của tỉnh chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu nhiệm vụ.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương, nghị quyết về công tác trí thức trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 52-KL/TW, Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về liên quan đến công tác trí thức trên các lĩnh vực. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp,  nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức. Phát huy hiệu quả vai trò giám sát của các cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Quan tâm txây dựng và ban các quy chế, quy định bảo đảm điều kiện thuận lợi, môi trường dân chủ, tôn trọng tự do cho các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật của trí thức, văn nghệ sỹ. Có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, phát triển sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Tổ chức các diễn đàn để khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.    

Ba là, thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Tích cực, chủ động, phối hợp thực hiện các chính sách, chế độ đối với trí thức, đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học, trí thức đầu ngành. Thực hiện đầy đủ chủ trương phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học, các trường cao đẳng, trung cấp, đơn vị sự nghiệp khác trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước; trong việc sử dụng kinh phí, sử dụng trí thức theo nhu cầu của đơn vị. Khen thưởng, động viên kịp thời trí thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có sáng kiến đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tỉnh nhà. 

Bốn là, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả trong việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ trí thức. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức đáp ứng cho từng giai đoạn phát triển, nhất là trí thức công tác tại vùng có điều kiện khó khăn, các lĩnh vực, ngành còn thiếu, yếu. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, kế cận. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực, nhân lực chất lượng cao phục vụ các công trình, dự án lớn đang triển khai trên địa bàn. Khuyến khích trí thức thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các cấp học, bậc học, tập trung xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh và một số trường cao đẳng trở thành các trung tâm đào tạo có chất lượng cao.

Năm là, đoàn kết tập hợp và nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hoá các hoạt động khâu nối, tập hợp trí thức, trí thức trẻ, trí thức trong các lĩnh vực, thành phần kinh tế bằng các chương trình liên kết, phối hợp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường kết nối và phát huy tối đa trí tuệ của đội ngũ trí thức là con em quê hương Hà Tĩnh đang công tác ngoài tỉnh và nước ngoài. Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, trách nhiệm của trí thức đối với xã hội và sự phát triển của tỉnh. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức.

Sáu là, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội trí thức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh và các ban, chi hội, hội thành viên đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức. Có các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, sử dụng, đãi ngộ trí thức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động t­ư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhất là đối với những công trình, đề án, dự án có tác động lớn tới sự phát triển của tỉnh. Các ngành, các địa phương, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các hội trí thức, mang lại hiệu quả thiết thực, gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.