Tôi lớn lên ở làng. Làng tôi ở giữa, một bên một cánh đồng, một bên là triền cát rộng mênh mông tít tắp. Đường làng dài hun hút, vào mùa gặt mọi nẻo đường trong làng đều chất đầy rơm rạ bốc lên một mùi vừa thơm, vừa ngai ngái. Khi hương lúa mới từ đồng thổi vào cũng là dịp tháng 8 Trung thu về và đối với những đứa trẻ ở quê là cả một niềm háo hức, chờ đợi, là được đi chơi, rước đèn, và phá cỗ.

Gọi là phá cỗ nhưng thực chất cỗ trung thu chỉ là hoa trái được góp trong xóm và một ít bánh kẹo được các anh chị đoàn thanh niên bài trí trên cái bàn nhỏ ở sân hợp tác xã. Một kỷ niệm ấm áp với tôi khi còn nhỏ, đó là trung thu đầu tiên mà tôi nhớ mãi…Buổi chiều hôm đó tôi được mẹ cho theo chúng bạn đến sắp hàng ở nhà ông Kiên trong xóm để nhận quà trung thu. Nhà ông Kiên khá rộng, chúng tôi sắp hàng ở sân, đến giờ mỗi đứa chúng tôi được phát một vắt xôi đùm trong lá chuối và một miếng thịt ba chỉ mỡ to kềnh vắt ngang. Đó là quà trung thu tuyệt vời nhất mà cho đến sau này tôi không thể nào quên được...

Những năm dài đói kém, cơm không đủ ăn, toàn khoai sắn độn, một vắt xôi đỗ và một miếng thịt lợn là cả một niềm mơ ước đối với lũ trẻ chúng tôi. Tôi cũng như lũ trẻ trong xóm chúng sung sướng, nước miếng chực trào khi được phát, có đứa mở ngay ăn ngấu nghiên một cách ngon lành không do dự… Cái vô tư của trẻ nhỏ, cái đói thèm ăn đã cho chúng tôi cảm nhận niềm vui hết sức đơn giản: được ăn ngon một bữa! Tôi cầm nắm xôi vừa được phát định ăn ngay nhưng thằng Hùng bạn thân nhất của tôi rủ về nhà, cả hai chúng tôi sung sướng chạy thật nhanh … Thế nhưng, thật tội nghiệp thằng Hùng chân cao thấp thế nào ngã trượt dài hất cả nắm xôi lăn trên đường làng. Tôi đỡ nó dậy, nó mếu máo nhặt vắt xôi đã lắm lem đất cát, tôi nhặt giúp nó miếng thịt mỡ cũng chẳng còn nguyên màu. Nó khóc, cái khuôn mặt đầy tội nghiệp, tôi dắt nó chui qua bờ rào về nhà. Mẹ tôi hỏi han, động viên rồi mở gói xôi mà tôi mang về, chị tôi, tôi và nó cùng ăn một cách ngon lành, vui vẻ.

Mãi cho tới sau này nhắc lại kỷ niệm tôi mới biết, quà trung lần đó do các anh chị đoàn viên thanh niên trong xóm cùng góp sức. Số là lúc đó còn sản xuất theo mô hình hợp tác xã, các anh chị đoàn viên xin phở một miếng đất hoang, trồng nếp đến mùa thu hoạch phần thì bán để mua thịt, phần xôi lên để phát cho các em thiếu nhi…

Rồi tôi lớn lên, trung thu cũng dần đổi khác, được tổ chức bài bản và vui hơn. Đêm rằm chúng tôi cùng nhau rước đèn đi quanh xóm rồi tập trung về sân kho hợp tác xã nhận quà do các anh chị đoàn viên tổ chức. Sân kho hợp tác xã thường ngày là nơi phơi lúa, khá rộng được láng xi măng sạch sẽ, phía trên được kê một chiếc bàn gỗ bày cỗ dước ánh đèn măng-xông sáng chói. Trẻ em trong xóm được sắp thành từng hàng dọc, cùng hát nhiều bài hát từ “như có Bác Hồ” tới “Trung thu liên hoan…” và kết thúc là tiết mục múa lân vui nhộn. Sau phần văn nghệ, các anh chị phụ trách bắt đầu phần phát quà, đó là những gói kẹo đủ loại, nho nhỏ. Với lũ trẻ nông thôn chúng tôi lúc bấy giờ kẹo bánh là món hàng xa xỉ, nhất là kẹo được đóng gói, có nhãn mác bởi nếu có thi thoảng chúng tôi chỉ được một vài khúc kẹo kéo đổi từ người thu mua đồng nát, thế nên phần được phát kẹo bánh là phần vui và được chờ đợi nhất.

Mỗi lần có dịp ngồi lại với nhau, mấy đứa bạn cùng trang lứa còn nhắc lại những kỷ niệm của Trung thu thời niên thiếu rồi cười ngặt ngẽo. Đó là chuyện hát “kiếm” kẹo của cái Oanh xóm trên hay trò ma mãnh của tôi để có được thêm quà bánh. Cứ mỗi lần Trung thu các anh chị đoàn viên khuyến khích các em thiếu niên nhi đồng tham gia sinh hoạt văn nghệ, kể chuyện hát múa, mỗi tiết mục được anh chị đoàn viên phát thưởng một gói kẹo. Mặc dù thích kẹo là thế nhưng chúng tôi nhút nhát lắm, không có dũng khí bước lên sân khấu, thế nhưng cái Oanh năm nào cũng lên sân khấu đầu tiên. Lên hát đã đành là tốt nhưng năm nào cái cái sân kho cũng cười rộn lên bởi Oanh chỉ hát đúng một bài: “Chú voi con”. Không những thế nếu được gọi lên lần thứ hai Oanh vẫn hòn nhiên hát lại nguyên bài đó, rồi bài hát “gia truyền” được lặp lại nhiều năm cho tới khi lớn hơn một chút, biết ngượng ngùng nên nó không còn hát nữa…

Tôi không hát được như cái Oanh nên phải tính kế để có được thêm kẹo bánh và rồi tôi cũng tìm ra cách. Lần đó các anh chị đoàn viên bưng khay phát quà từ trên xuống dưới, một người một vài hàng, ánh đèn không thế hắt sáng hết ở phía sau. Quan sát kỹ, tôi liền cố ý chen cho được đứng gần đầu một hàng, sau khi được phát quà liền tức tốc ngồi thụp xuống bò lồm cồm nhanh chóng đứng vào cuối một hàng khác để nhận quà lần thứ hai. Cứ thế trung thu năm đó tôi có được hai đến ba gói kẹo tước những con mắt ngỡ ngàng của chúng bạn. Mưu kế hoàn hảo của tôi cũng chỉ chỉ trót lọt được một lần, qua năm thứ hai bị vỡ lỡ vì bị học theo quá nhiều khiến số quà đã được các anh chị tính toán bị hụt. Lần đó tôi bị gọi lên sân khấu, sau khi nhắc nhở không những không bị thu quà mà còn được anh bí thư đoàn tặng thêm một gói quà nữa, đây là kỷ niệm ấm áp mà suốt đời tôi không thể nào quên ….

Trung thu năm nào cũng vậy, sau phát quà, chúng tôi tập trung hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rồi được giải tán chơi tự do. Cái sân kho trở nên huyên náo với những trò chơi của lũ trẻ, để tránh chật chội tôi và mấy đứa bạn thường băng ra cồn cát mênh mông trong ánh trăng vằng vặc. Cát ướt sương mát rượi, chúng tôi chụm lại xem đứa nào nhiều kẹo, kẹo loại gì “nu ga” hay “hồng hà” rồi cùng nhau đánh chén. Trăng sáng cái cồn cát dài, rộng trở nên tuyệt đẹp. Đâu đó trong ánh trăng là những đống rơm được phơi khô vùn lại chưa kịp đưa về, đây chính là những “công sự” tuyệt vời để chúng tôi chia nhau chơi trò “xuất quân” cho tới khi mệt nhoài. Ngã xoài trên cát, cát mát lạnh, chúng tôi gối đầu lên tay nhìn lên bầu trời sáng đầy sao, nói chuyện “trên trời dưới đất” từ chú cuội, chị Hằng, cho đến chòm sao Bắc Đẩu, sao Ông nhà nông …tới tận khuya. Đây là khoảnh khắc nhiều chúng bạn ngủ thiếp đi và cũng là lúc những chiêu trò nhát ma đầy khiếp sợ đeo đuổi trong ký ức cúa lũ trẻ chúng tôi ...

Quà bánh là vậy nhưng Trung thu không thể thiếu đèn, đèn trung thu của chúng tôi đều tự làm, từ đèn ông sao, đèn kéo quân cho đến các đèn hình thù tự tạo. Trước cả tuần, thậm chí cả tháng đứa nào cũng háo hức làm đèn, đầu tiên là học, quan sát, phụ giúp người lớn. Xem mãi rồi cũng học theo và tự làm được, từ xấu đến đẹp, từ nhỏ đến to chúng tôi đều tự tạo nên tác phẩm cho mình trong đêm hội. Làm đèn dễ nhất là đèn ông sao, đèn khó là đèn cá chép, đèn kéo quân, thế nhưng làm đèn chưa phải là thách thức mà chính là làm cho đèn sáng. Hồi đó làng tôi chưa có điện, nhà nào sang có đèn măng-xông còn lại là thắp đèn dầu. Đèn trung thu làm xong phải có ánh sáng mới đẹp, nhất là đèn kéo quân, thế nhưng để làm được điều này không hề đơn giải. Trong xóm nhà đứa nào có điều kiện thì được bố mẹ bắt cho cái bóng 2,5V đèn pin, kèm theo là cục pin cột vào cán đèn, đây là loại “xa xỉ” nhất vì hồi đó cả đèn và pin đều hiếm và quý lắm. Phần còn lại, không có đèn-pin chúng tôi thắp nến nhưng nan giải nhất khi có gió là tắt và dễ cháy đèn, có những đứa bắt cả bao đom đóm cho vào túi ni-lon rồi lồng vào trong đèn cho thêm phần “long trọng”…

Cứ thế bao mùa Trung thu đi qua, tôi lớn dần lên theo từng gọng đèn, những đêm trăng sáng, trong tiếng trống thùng thùng vọng về từ sân hợp tác xã. Rồi quê tôi có điện, tôi cũng rời quê lên thành phố, ít khi còn thấy ánh trăng giữa cái phố thị đèn hoa rực rỡ. Nhiều Trung thu đi qua, tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần nữa, thế nhưng mỗi lần tháng tám về đưa con đi qua những phố thị đầy ắp rực rỡ đèn hoa, bánh kẹo trong tôi lại ùa về những cảm xúc khỏ tả, một miền ký ức thân thương biết bao giờ trở lại ….