Nhiều đường giao thông trục thôn, đường dân sinh ở Hương Khê đang được xây dựng sơ sài, tạm bợ.

Ngoài việc thường xuyên phải gánh chịu những tác động của thiên tai, lũ lụt, các địa phương này đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhận thức của một bộ phận người dân về nông thôn mới chưa cao... Vì vậy, làm thế nào để khơi sức xây, huy động tối đa nguồn lực đưa các xã vùng khó cán đích nông thôn mới đang là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.  

Khó khăn tứ phía

Xã Hương Lâm (Hương Khê) có 18km đường biên giáp nước bạn Lào và nằm khá tách biệt với trung tâm huyện và các địa phương khác. Do địa hình bị chia cắt, giao thông, đi lại cách trở nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang ở mức 28%.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm Nguyễn Thế Hùng cho biết: Đến nay, địa phương đã có 11 trong số 20 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Phần lớn các tiêu chí chưa đạt chuẩn như: Giao thông, nhà ở dân cư, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... đang ở mức độ hoàn thành thấp và cần rất nhiều nguồn lực để chạm ngưỡng đạt chuẩn. Theo tính toán, để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, địa phương phải cần ít nhất 22 tỷ đồng. Đối chiếu với kết quả thu ngân sách của xã năm 2021 (34 triệu đồng), đây quả thật là bài toán khó giải của địa phương.  

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm Lê Hữu Thức, chúng tôi lần lượt lội qua mấy con suối và tuyến đường đất bụi bay mịt mù đến đến các khu vực trồng rừng sản xuất ở xóm 5 và 9.  

Ông Dương Đức Loan ở thôn 9 cho biết: Hễ trời mưa, 51 hộ dân ở khu vực này bị chia cắt với khu vực bên ngoài do nước ở sông Rào Bùi dâng cao. Đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng, song do chất đất xấu, chu kỳ thu hoạch cây trồng kéo dài, giá thu mua thấp nên nguồn thu nhập từ trồng rừng không đủ trang trải đời sống, nhiều lao động phải “tha hương cầu thực” để kiếm kế sinh nhai.

“Không riêng gì thôn 9, hiệu quả trồng rừng ở Hương Lâm khá thấp. Toàn xã hiện có hơn 1.000 ha rừng trồng sản xuất, chủ yếu là keo. Trong khi giá gỗ keo thấp, vòng đời thu hoạch dài, thì chi phí vận chuyển ở Hương Lâm cao hơn nơi khác bởi các hộ dân phải gánh thêm chi phí vận chuyển “tăng bo” đến nơi thu mua ở đường lớn vì tuyến huyện lộ chạy qua địa bàn bị xuống cấp, cấm tải trọng”, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Thức cho biết thêm.  

Tương tự Hương Lâm, các xã Hà Linh, Điền Mỹ, Hương Liên... cũng đang đối diện với nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt; thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai; kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh Hồ Sỹ Đồng nhẩm tính, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới địa phương cần huy động 90 tỷ đồng, sau khi tính toán các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện và vốn lồng ghép từ các dự án, địa phương cần khoảng 50 tỷ đồng để đạt chuẩn nông thôn mới. Với tình hình hiện tại, tính cả quy đổi ngày công lao động và mức đóng góp của người dân, may ra địa phương mới cân đối được 1/3 nguồn lực cần có.

Tại xã Điền Mỹ, nơi được ví như túi nước của “rốn lũ” Hương Khê, theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở đây nặng nề hơn các địa phương khác. Những năm qua, thông qua chính sách hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở tránh lũ, vượt lũ của Nhà nước, người dân nơi đây đã yên tâm, an toàn hơn mỗi khi đối mặt với lũ dữ. Tuy nhiên, việc bảo vệ, duy trì một số tiêu chí nằm ngoài khả năng của người dân bởi sau một trận lũ, mọi tâm huyết, công sức của người dân sẽ cuốn theo dòng nước. Do đó, mong muốn về một mô hình nông thôn mới bền vững, hội tụ đủ sức đề kháng chống chọi, vượt qua mưa lũ đang nhu cầu chính đáng, cấp thiết của chính quyền và người dân nơi đây.

Đồng hành cùng các xã vùng khó

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) Ngô Xuân Ninh cho rằng, ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, địa phương đã nhận diện, thích ứng dần với những khó khăn, trở ngại. Đi kèm với đó, chúng tôi cũng xác định được những tiềm năng của huyện miền núi, với lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế vườn, trang trại với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: Bưởi Phúc Trạch, cam các loại, chè, cây dó trầm, nguyên liệu rừng trồng... và phát triển chăn nuôi tập trung.

Chỉ tính riêng cây có múi, mỗi năm 2.700ha diện tích trồng bưởi Phúc Trạch cho thu nhập khoảng 700 tỷ đồng, 1.900ha trồng cam cho thu nhập trên 370 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm các mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn... trồng rừng cũng đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân.

Cán bộ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh khảo sát hiện trạng nông thôn xã Hà Linh (Hương Khê) để xây dựng kế hoạch hỗ trợ địa phương đạt chuẩn nông thôn mới

Về cách làm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ: Cùng với việc giao chỉ tiêu, đầu việc cho các thành viên đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các xã, huyện Hương Khê sẽ huy động toàn bộ cán bộ, đảng viên trên địa bàn mỗi tuần giành ít nhất hai ngày nghỉ về trực tiếp cùng làm việc, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các thôn, xóm và tổ liên gia. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất gắn với kết nối thị trường, tiêu thụ. Đồng thời, chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chúng tôi lấy đơn vị thôn xóm làm nòng cốt để xây dựng nông thôn mới, với phương châm có nhiều thôn đạt chuẩn thì sẽ có xã đạt chuẩn. Đối với xã đã đạt chuẩn thì phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao”, ông Ngô Đức Ninh cho biết thêm.

Mặc dù địa phương đã lên kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2022 có 100% số xã đạt chuẩn và đến năm 2024 huyện sẽ về đích nông thôn mới, tuy nhiên, theo phản ánh của người trong cuộc, hiện nay việc xây dựng lộ trình, xác định “kênh”để huy động 1.000 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới gặp muôn vàn khó khăn. Huyện Hương Khê không có địa phương nào thuộc diện xã khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, do đó rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ trung ương, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh Ngô Đình Long cho biết: Sau khi soát xét tình hình và nhận diện rõ những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hương Khê, ngày 22/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định về việc giao và chấp thuận cho hơn 60 tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ 8 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Hương Khê và 50 thôn chưa đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã này. Việc đỡ đầu, tài trợ tập trung các nội dung như: trực tiếp hỗ trợ, tài trợ hoặc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ các xã, thôn về kinh phí, hiện vật và ngày công; phối hợp, khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các xã, thôn cách thức, phương pháp tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Ngoài ra, tại Nghị quyết về một cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, HĐND tỉnh đã ban hành thêm một số cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện Hương Khê và Kỳ Anh xây dựng nông thôn mới như: Ưu tiên hỗ trợ từ nguồn thu, tiết kiệm chi bổ sung nguồn lực cho các địa phương chưa đạt chuẩn, ưu tiên phân bổ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ huyện Hương Khê 15 tỷ đồng/năm bổ sung nguồn xây dựng nông thôn mới...

Cùng với đó, ngoài mức hỗ trợ 100% kinh phí mua xi măng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, rãnh thoát nước, các xã ở Hương Khê, Kỳ Anh còn được tỉnh hỗ trợ từ 110-220 triệu đồng/km để mua vật liệu thi công đường nông thôn mới. Nguồn hỗ trợ kịp thời, thiết thực này được kỳ vọng sẽ giúp huyện Hương Khê tháo gỡ khó khăn, về đích nông thôn mới đúng hẹn.