Nếu phong vị Tết xưa là “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì ngày nay nội hàm đã được thay đổi đáng kể để phù hợp với xu hướng của thời đại. Một cái Tết xưa không thể thiếu dưa hành thịt mỡ, bánh chưng mang đậm văn hóa ẩm thực của người Việt, thể hiện cho ước mong một cái Tết đủ đầy. Ngày nay thịt mỡ dưa hành vẫn còn nhưng đã được “chế biến” phù hợp với chế độ dinh dưỡng hiện đại, nhẹ nhàng và tiện lợi.
Hình ảnh ông Đồ, câu đối cũng đã không còn nguyên bản mà thay vào đó là các “ông Đồ” hiện đại viết thư pháp tại các lễ hội xuân, nhà nhà giờ đây đã không còn chưng câu đối nữa mà thay vào đó là các sản phẩm thời công nghệ mới. Cây nêu ở nhiều miền quê vẫn duy trì nhưng được thay đổi chất liệu. Ngoài tre đó là cột sắt hoặc dàn sắt cách điệu, thậm chí cả cần cẩu, trên cây nêu ngày nay không chỉ có lá kết mà được cách điệu rực rỡ bóng đèn, cờ Tổ quốc. Đặc biệt, hình ảnh tràng pháo gần như chỉ còn trong ký ức, mặc dù Giao thừa vẫn còn tiếng pháo đì đùng nhưng hình ảnh tiếng pháo rộn ràng, râm ran đã không còn nữa. Pháo hoa được bắn chung ở quảng trường rộng rãi, hay pháo hoa (không nổ) được thay thế tại các gia đình theo quy định mới đồng nghĩa với hình ảnh xác pháo đỏ đường quê, ngõ xóm nay chỉ còn “vang bóng một thời”.
Việc đêm Giao thừa nấu một nồi bánh chưng, các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa cũng trở nên ít dần trong cuộc sống hiện đại. Bánh chưng được bày bán sẵn, được “ship” đến tận nhà, ở mọi thời điểm. Tết thời công nghệ, người ta đã bớt nặng nề bởi phong tục “xông đất”, thời khắc Giao thừa người người đổ ra đường xem pháo hoa ở các thành phố lớn, đến nhà nhau vào thời khắc năm mới chớm đến. Thành ngữ “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” cũng đã được đổi thay bởi ngày Tết thời công nghệ, nhà nhà thiên về du xuân, chơi xuân nên tiện lợi được lúc nào thì thực hiện lúc đó, miễn tròn lòng thành kính. Trên thực tế, dịp Tết nhiều gia đình, nhiều đôi trẻ đã sắp xếp chuyến du lịch toàn thời gian nghỉ Tết để tận hưởng những điều thú vị.
Nếu Tết xưa thường được nhắc đến trong thành ngữ “no ba ngày tết, ấm ba tháng hè” thì nay cuộc sống đã đủ đầy, sung túc, nhiều ngày thường cũng có được bữa ăn như ngày Tết. Không còn cảnh phải chờ Tết để no, để đủ đầy, để may áo mới nữa. Đối với thời công nghệ có thể ngày nào cũng là Tết.
Nếu Tết xưa xa nhà là nỗi niềm qua những lá thư, là tâm sự trào dâng khi xuân xa cách, thì nay Tết thời công nghệ đã rút ngắn, kéo gần mỗi người, mỗi gia đình lại khi xuân đến. Đó là những cuộc gọi video, là tin nhắn hình ảnh, là livestream để gặp nhau trực tiếp trên thiết bị công nghệ. Mỗi lời chúc, lì xì Tết cũng có thể “số hóa” trên môi trường mạng, với tốc độ cao, đa dạng hình thức, màu sắc, nội dung không giới hạn.
Đón Tết trong thời công nghệ, mọi thứ có thể đủ đầy sau một cú nhấp chuột nhưng đâu đó nhiều người vẫn bùi ngùi hoài cổ, nhớ về vị Tết xưa đầm ấm, bình dị chan chứa nỗi niềm. Tết dù ở thời nào, công nghệ có phát triển đến đâu thì trong tâm khảm của người Việt - Tết vẫn là dịp để hướng về cội nguồn, người thân cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc.