1 . Đối với cây ăn quả có múi.

          Vệ sinh môi trường, vườn cây và cây trồng: Thu gom hết những xác hữu cơ do lũ lụt đưa về, vật tư tủ gốc còn sót lại, cỏ dại trên vườn; cắt bỏ cành, thân gãy do nước lũ gây ra, cành khô, cành sâu bệnh, cành vô hiệu, thu gom và phơi đốt để hạn chế nguồn nấm gây bệnh. Rửa sạch phù sa trên lá, cành, thân bằng nước sạch. Quét hỗn hợp nước vôi - đồng hóc môn 96% lên thân cành (2 lượng vôi bột + 0,5 lượng đồng hóc môn pha trong 30 lít nước). Xới xáo nhẹ trong tán cây trồng, cuốc lật, phơi đất ngoài tán cây trồng, bón đều 20 - 25 kg vôi bột cho 1 sào 500m2 (tương ứng từ 18 - 20 cây cam, bưởi) rồi đập nhỏ đất.

        Thu nước trong bộ rễ: Khơi thông mương, rãnh thoát nước xung quanh vườn cây và giữa các hàng cây.  Mương rộng khoảng 30cm nhưng sâu hơn bộ rễ (50-70cm). Nhất thiết các vườn cây phải có chỗ nước thoát ra khỏi vườn để nước không đọng ở rễ cây.

Khôi phục vườn cây: Đối với cây bị đổ ngã: Cắt bỏ phần rễ bị gãy ở cả 2 bên theo chiều cây bị ngã (cách gốc tối thiểu từ 0,8 - 1,2m). Cắt 1/4 - 1/3 tán lá cây trồng (nhằm làm giảm thoát hơi nước) thu gom toàn bộ rễ và là cây và phơi đốt. Chống cây bị ngã đổ trở về vị trí ban đầu, đào lấy hết rễ còn sót lại trong đất, sửa lại rảnh xung quanh tán cây, bón vào 15 - 20kg phân chuồng hoai + 15 - 20 gam kích thích ra rễ cực mạnh + 15-20ml ThumBlack 0,5SL rồi đổ nước đầy và đánh nhuyễn trong 3 lần mỗi lần cách nhau 30 - 40 phút rồi lấp đất tưới nước đẫm. Dùng cọc cố định cây và tưới nước hàng ngày để cây sống.

Đối với cây bị gãy cành, gãy ngọ n : Cắt bỏ những cành bị gãy (cách điểm gãy 15 - 20cm) rồi thu gom, phơi đốt, tại điểm cắt trộn thuốc Aliette 800WG với phụ gia xử lý.

Đối với những vườn cây lá bị vàng và rụng

* Cây ở thời kỳ kinh doanh: Cắt từ 1/4 - 1/3 tán lá cây trồng, tỉa bỏ cành gãy cành khô, cành vô hiệu thu gom và phơi đốt. Đào rãnh quanh tán (rộng 0,3m, sâu 0,3m), phơi 1 - 2 nắng bón vào đó 20 - 30kg phân chuồng hoai + 15 - 20gam kích thích ra rễ cực mạnh + 10 - 15ml Thumblack 0,5SL rồi đổ nước đầy và đánh nhuyễn, lấp đất và tưới nước đẫm.

* Đối với cây kiến thiết cơ bản: Cắt bớt tán cây trồng (cắt đến hết điểm thâm đen trong thân của cây), cắt bỏ những cành vô hiệu của cây trồng rồi thu gom và phơi đốt. Đào rãnh quanh tán (rộng 0,2m sâu 0,2m), bón vào 10 - 15kg phân chuồng hoai + 5 - 10gam kích thích ra rễ cực mạnh + 5 - 10ml ThumBlack 0,5SL hoặc 5 - 10g Aliette 800WG (các loại này được trộn, rải đều trong rãnh) đổ nước đầy đánh nhuyễn rồi lấp đất và tưới nước đẫm.

Khôi phục tổn thương của bộ rễ, chống và phòng trừ nấm bệnh xâm nhập gây hại: Hòa 1/2lít ThumBlack 0,5SL + 150 - 200gam kích thích ra rễ cực mạnh hoặc 500g Aliette 800WG + 150 - 200gam kích thích ra rễ cực mạnh trong 250 lít nước (nếu sử dụng ThumBlack thì lắc mạnh chai trước khi mở nút và trộn vào 20 lít nước lã trước, đánh đều cho tan hết rồi đổ vào với 230 lít nước để thuốc tan đều). Tưới đậm nước sạch làm vườn cây đủ ẩm. Dùng 10 - 15 lít nước thuốc đã pha (1 trong 2 loại) tưới đều toàn bộ bộ rễ của cây trồng 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày.

Tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng: Trong giai đoạn này đang trong mùa mưa lũ để hạn chế quá trình rửa trôi trong đất, trước mắt sử dụng các loại phân vi lượng hoặc phân bón lá hay kích thích sinh trưởng, cụ thể:  Loại phân sử dụng: KH Thanh Hà hoặc NPK Quế lâm, NPK Bình điền, Biohumat Thanh Hà (dạng nước). Liều lượng pha: Được ghi trên nhãn mác bao bì của từng loại phân. Phương pháp và thời điểm phun: Phun ướt đẫm toàn bộ tán lá cây trồng vào sáng sớm khi lá cây trồng đã khô sương hoặc chiều tối râm mát, 2- 3 lần mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày.

Xử lý, phòng trừ bệnh chảy gôm, thối gốc

          Đối với các vườn cây thời kỳ kiến thiết cơ bản: Cắt bỏ những cành, ngọn cây bị bệnh gây hại đem chôn hoặc đốt. Cạo nhẹ vết bệnh rồi hòa loãng Aliette 800WG (1 gói 100g trong 2 - 3 lít nước) và quét lên vết bệnh 2 - 3 lần mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Những cây bưởi có đường kính nhỏ, cạo nhẹ vết bệnh và hòa 30 - 40gam thuốc Aliette 800WG trong 10 - 12 lít nước, phun 2 - 3 lần cách nhau 10 - 12 ngày phun lên cả toàn bộ tán, thân, cành và rễ cây (lưu ý phun ướt đậm toàn bộ cây). Trường hợp vườn bưởi chưa bị bệnh cháy gôm gây hại cũng tiến hành hòa 30 gam Aliette 80WG trong bình phun 16 lít rồi phun ướt đẫm toàn bộ thân cây trồng 1 - 2 lần mỗi lần cách nhau 15 ngày để phòng bệnh chảy gôm (n ội dung này áp dụng cho vườn bưởi).

Đối với vườn cây thời kỳ kinh doanh

* Ở gốc, gốc rễ: Khơi lấy hết phần đất xung quanh vết bệnh, thu gom và chôn đốt phần vỏ rễ, vỏ gốc kể cả bệnh ăn sâu xuống đất. Dùng dao sắc gọt hết vết bệnh cho đến hết phần thâm nâu, thu gom toàn bộ tàn dư chôn đốt. Hòa 100 gam Aliette 800WG hoặc 20ml ThumBlack 0,5 Sl trong 2 - 3 lít nước rồi quét lên vết đã gọt (trước khi xịt thuốc dùng khăn khô lau sạch nhựa từ vết gọt hay phần thuốc xử lý lần trước) 2 - 3 lần mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Lần cuối cùng có thể trộn thuốc vào chất phụ gia (có thể sử dụng phân bò tươi mới bài tiết đang nóng) đắp lên vết bệnh theo tỉ lệ 1:5 (thuốc/phân bò) để nhanh liền vỏ.

* Ở thân, cành lớn (áp dụng cho vườn bưởi): Gọt sạch vết bệnh cho đến phần thâm nâu thu gom hết tàn dư phơi, đốt, phơi vết gọt 2 - 3 giờ. Dùng khăn khô lau sạch nhựa từ vết bệnh đã gọt, hòa 100g Aliette 800WG hoặc 20ml ThumBlack 0.5SL trong 2 lít nước xử lý 3 - 4 lần mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày (trước mỗi lần xử lý thuốc lau sạch vết thuốc lần trước). Lần cuối cùng trộn 1 trong 2 loại thuốc trên với phụ gia, nếu sử dụng phân bò làm phụ gia thì trộn với thuốc theo tỉ lệ 1 thuốc 5 phân bò đắp vào vết bệnh để nhanh liền vỏ.

* Ở cành nhỏ (áp dụng cho vườn bưởi): Nếu bệnh gây hại nặng nhựa chảy nhiều thì cắt bỏ và thu gom phơi đốt. Nếu bệnh nhẹ có thể làm xây xát vết bệnh rồi hòa loãng Aliette 800WG quét 2 - 3 lần mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Nếu cành quá nhỏ có thể hòa 30g Aliette 800WG trong bình 16 lít nước phun ướt cành và tán lá 2 lần vào sáng sớm khi lá cây trồng đã khô sương hoặc chiều tối râm mát, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Chú ý: Ngoài sử dụng Aliette 800WG, có thể sử dụng thêm một số loại thuốc Ridomil Gold 68WP, Mataxyl 500WP,…

Chăm sóc vườn cây sau khi mùa lũ kết thúc: Phần chăm sóc này được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình thâm canh bưởi Phúc Trạch, cam Bù, cam Chanh có năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Đối với sản xuất vụ Đông.

Rau đậu thực phẩm các loại:Tranh thủ sau khi đất khô và thời tiết thuận lợi tập trung sản xuất các loại rau màu theo Đề án sản xuất vụ Đông đã ban hành. Tập trung các loại rau ngắn ngày, khoai lang.

Cây ngô: Số diện tích không bị ảnh hương do mưa lũ ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ,…tập trung chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật. Số diện tích ở các xã bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, nếu bị đổ gãy dưới 50% sau khi đất khô tiến hành vun gốc, bón thúc để ngô sinh trưởng phát triển, nếu bị thiết hại trên 50% tiến hành tận thu sản phẩm còn lại và gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Chuẩn bị giống, phân bón chuẩn bị sản các loại ngô nếp ngắn ngày và ngô Đông muộn – Xuân sớm theo đúng lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật.

3. Tổ chức ra quân diệt chuột.

Hiện nay nước trên các cánh đồng đang ngập sâu, chuột sẽ di chuyển lên sống tập trung và co cụm ở các bờ bụi, chân đê, khu dân cư rất thuận lợi cho việc diệt chuột; Tổ chức phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột, thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công (đào hang, đổ nước, bẫy chuột,…) và sử dụng thuốc diệt chuột sinh học; hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học để hạn chế sự phát sinh gây hại của chuột./.