Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Hà Tĩnh năm học 2017-2018.  Ảnh: Hương Ly

Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Hà Tĩnh năm học 2017-2018. Ảnh: Hương Ly

Từ khi thành lập năm 2007, Trường Đại học Hà Tĩnh đã và đang đào tạo 22 mã ngành đại học, cao đẳng gồm các ngành thuộc khối ngành kinh tế (Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng); khối ngành Kĩ thuật (Kĩ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin); khối ngành Luật - Chính trị (Luật, Chính trị học); khối ngành Ngôn ngữ (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung); khối ngành sư phạm (SP Toán, Lý, Hóa, SP Tiếng Anh, Giáo dục chính trị, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non …). Tính đến thời điểm hiện tại, số sinh viên tốt nghiệp khoảng trên 12.000 sinh viên, đây là nguồn nhân lực lớn cho tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh khác trong cả nước. Trong những năm qua, Nhà trường tập trung nguồn lực để nghiên cứu, xây  dựng chương trình đào tạo theo định hướng tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), nghĩa là hình thành ý tưởng - thiết kế ý tưởng - thực hiện và vận hành. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Theo cách tiếp cận CDIO mang tính thực học, thực làm, sinh viên sẽ được học các kỹ năng cá nhân cùng với kiến thức chuyên ngành. Chương trình vì vậy sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp giữa kiến thức chuyên ngành với rèn luyện kỹ năng, cho phép giáo viên và sinh viên sử dụng thời gian kép để vừa dạy vừa học kiến thức  đồng thời vừa dạy vừa học kỹ năng ứng dụng chuyên ngành - nhân tố gắn kết khả năng làm việc của sinh viên với yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo của Nhà trường với yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và phát triển. Chương trình đào tạo của Nhà trường cho phép người học được lựa chọn 1 trong 3 hình thức học ở năm thứ 3 (thực tập, học nghề, học thuật). Theo đó, sinh viên được cử đi thực tập 1 năm có hưởng lương tại các doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước như tại Đài Loan, Ixrael, Nhật Bản ... hoặc đi học 1 năm tại trường nghề để ra trường các em có hai bằng, một bằng đại học và một bằng nghề nhằm làm đa dạng hóa cơ hội việc làm của các em sau khi ra trường. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo hiện nay cũng kết nối nhiều với các doanh nghiệp, tổ chức, trường nước ngoài … để sinh viên được thực hành, thực tập rèn luyện các kiến thức, kỹ năng chuyên môn như thực hành buồng, bar, bếp … tại các chuỗi khách sạn 5 sao của Vinpearl, tại Trường Đại học Nakhonphanom của Thái Lan; thực hành nghề tại các doanh nghiệp thuộc Hiêp hội Thương mại Đài Loan tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh… Do vậy, chất lượng của sinh viên ra trường được các đơn vị đánh giá cao, được tiếp nhận công việc một cách thuận lợi và nhanh chóng. Theo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên do Trung tâm kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018, hơn 70% sinh viên của Trường có việc làm sau khi ra trường. Nhiều ngành nghề có thu nhập tương đối tốt, ngành Quản trị du lịch và lữ hành có thu nhập cao nhất các ngành trong toàn trường (trung bình 10 triệu đồng/ tháng), các ngành Kế toán, Quản trị kinh danh, Tài chính - Ngân hàng trung bình 5 triệu đồng/ tháng); ngành Công nghệ thông tin, có nhiều em đã đảm nhiệm giữ các vị trí quan trọng, then chốt tại các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh; ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung có vai trò, tầm quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực giáo viên Tiếng Anh ở Tiểu học, THCS, THPT của tỉnh, biên dịch, phiên dịch tiếng Anh, tiếng Trung cho các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh; ngành Luật học là một trong những ngành học thu hút học sinh theo học bởi nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực pháp lý tại Việt Nam hiện nay là khá cao và ổn định. Người tốt nghiệp cử nhân ngành Luật có thể làm việc trong khối tư nhân với các vị trí như luật sư, công chứng viên, nhân viên pháp chế, chuyên viên tư vấn pháp lý, nhân viên hành chính - nhân sự...; tại khối nhà nước, người tốt nghiệp ngành luật có thể trở thành cán bộ tư pháp hoặc nhân viên hành chính...; ngành Giáo dục chính trị, Chính trị học góp phần “Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ; khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Ðảng”  (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI); đặc biệt các ngành sư phạm như Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non do trường đào tạo ra có cơ hội việc làm rất tốt. Sinh viên Tiểu học, Mầm non của Trường hiện công tác chủ yếu tại các trường Tiểu học, Mầm non trong toàn tỉnh, từ các trường trung tâm thành phố, thị trấn, thị xã đến các trường ở các địa phương từ miền ngược đến miền xuôi. Có thể nói, đây là nguồn lực đông đảo, cơ bản, có kiến thức, kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp khá tốt bổ sung cho nguồn lực giáo viên Tiểu học, Mầm non của tỉnh.           Bên cạnh những hoạt động đào tạo chính quy, Trường cũng đã phối hợp với các bộ phận liên quan, chủ trì tổ chức các Khóa đào tạo Vườn ươm khởi nghiệp không chỉ cho đội ngũ là sinh viên mà còn cho lực lượng là học sinh trung học phổ thông trên toàn tỉnh. Các khóa đào tạo này được sự bảo trợ về chuyên môn và kinh phí từ các các doanh nghiệp và các nhà tài trợ trong tỉnh, đặc biệt là từ Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ từ năm 2017 đến nay. Các khóa đào tạo đã có sức lan tỏa lớn toàn xã hội; Trường tổ chức các chương trình như Talk show “Cơ hội việc làm và thực tập tại Sacombank”, chương trình Ngôi sao Hoa ngữ, các hội nghị, hội thảo về khoa học, đào tạo, việc làm, về du lịch và phát triển cộng đồng … thực sự hữu ích và lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện người học.           Có thể nói, Trường Đại học Hà Tĩnh đã có những đóng góp không nhỏ trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tri thức trẻ cho tỉnh nhà trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhà trường cũng đã gặp rất nhiều khó khăn như: Khó khăn về đội ngũ có trình độ, học hàm, học vị cao (Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư) còn khá khiêm tốn đối với yêu cầu giảng dạy bậc đại học; khó khăn về nguy cơ chảy máu chất xám đã và đang diễn ra; cơ sở vật chất được đầu tư quy mô nhưng còn dàn trải; khó khăn trong công tác tuyển sinh trong những gần đây một phần do xu thế hiện nay của các em học sinh lựa chọn học nghề, du học hoặc xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp phổ thông… Từ thực tế những thành công và khó khăn trên, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị là nơi  đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà, thời gian tới ngoài việc nhà trường phát huy tối đa nội lực thì rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ban ngành chức năng liên quan. Đặc biệt UBND tỉnh cần xem xét một số vấn đề về cơ chế, hỗ trợ tạo điều kiện cho trường như tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ; cho phép đội ngũ giảng viên của Nhà trường tham gia vào các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ của tỉnh nhằm phát huy nguồn lực chất lượng cao hiện có; có chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Đại học Hà Tĩnh đúng trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục chính sách bảo đảm đầu ra cho sinh viên học Trường Đại học Hà Tĩnh có bằng tốt nghiệp xuất sắc, điểm thi đại học đầu vào; cần tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực địa phương, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực địa phương. Bên cạnh đó tỉnh cần hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực. Cần có định hướng về các ngành chủ lực và nhu cầu của tỉnh trong các giai đoạn để Trường có thể đào tạo đúng định hướng, tránh sự lãng phí nguồn lực.