GS.VT TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch LH các Hội KH&KT Việt Nam trao bức trướng cho LH các Hội KH&KT Hà Tĩnh tại đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2019-2024.  Ảnh: Tiến Anh

Với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH tỉnh nhà, trong nhiệm kỳ qua hoạt động của Liên hiệp Hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực từng bước khẳng định vai trò vị thế của tổ chức.

Xác định vận động, tập hợp trí thức, xây dựng, phát triển tổ chức vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội đã tìm kiếm cách làm, tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các ban, ngành liên quan, các cơ quan khoa học ở Trung ương và các tỉnh bạn để làm tốt công tác tập hợp trí thức, xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức. Đến nay, Liên hiệp Hội có 34 tổ chức thành viên, gồm 20 hội chuyên ngành cấp tỉnh, 12 Liên hiệp Hội cấp huyện, 2 trung tâm trực thuộc. Đội ngũ trí thức Hà Tĩnh hiện có trên 35.000, trong đó có hơn 17.000 thạc sỹ, 61 tiến sỹ, 05 giáo sư và phó giáo sư, 04 nhà giáo Nhân dân, 5 thầy thuốc Nhân dân, 79 nhà giáo ưu tú, 74 thầy thuốc ưu tú. Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, khâu nối, liên hệ trí thức là người Hà Tĩnh công tác trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài hướng về, tham gia xây dựng quê hương. Để động viên và biểu dương  đội ngũ trí thức, hai năm một lần Liên hiệp hội đã tổ chức Hội nghị Trí thức tiêu biểu Hà Tĩnh với phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh trên các lĩnh vực.

Nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Liên hiệp Hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND, ngày 16/12/2016 về việc quy định thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT. Đây là cơ sở để Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện bằng cách chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển các ngành, các cấp. Trong năm năm qua Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã tham gia phản biện, góp ý cho hơn 400 chương trình, đề án, dự án của địa phương. Trong đó nhiều chương trình, đề án, dự án lớn của tỉnh có đóng góp của Liên hiệp hiệp hội như: “Quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực vùng ven biển và vùng đồi, rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng 2030”; “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030”;  “Rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh”; Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; góp ý Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng và quy chế quản lý chất lượng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh… Đặc biệt năm 2017, Liên hiệp hội đã khâu nối để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh thực hiện chương trình tư vấn Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để tỉnh đề xuất với các bộ, chính phủ ngừng dự án.

 Song song với hoạt động tư vấn phản biện, Liên hiệp Hội cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, xuất bản các ấn phẩm và truyền thông qua trang thông tin điện tử. Trong nhiệm kỳ, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức hơn 1300 khóa tập huấn, hội thảo, nâng cao chất lượng và phát hành  67 số Thông tin Khoa học và Cuộc sống và bản tin Khoa học công nghệ với nông nghiệp nông thôn tới 262 xã phường trong tỉnh. Liên hiệp hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 343/KH-UBND, ngày 29/9/2016  về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp các Hội KH&KT, đây là cơ sở để Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên triển khai tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

Các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã thiết thực, giúp người dân ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Nhiều chương trình đào tạo tập huấn đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ về tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý, xây dựng mô hình phát triển kinh tế của cộng đồng tại các địa phương.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Liên hiệp hội đã phối hợp các ngành tổ chức tốt hội thi, cuộc thi thu hút được người dân tham gia tạo nên phong trào thi đua lao động sáng tạo. Trong 5 năm qua tổ chức  3 lần đối với Hội thi, 5 lần Cuộc thi cấp tỉnh với hơn 700 đề tài, giải pháp tham dự trong đó có 226 giải pháp đạt giải tỉnh, 32/142 giải pháp đạt giải quốc gia. Nhiều giải pháp đạt giải đã được ứng dụng chuyển giao vào sản xuất, đời sống hiệu quả, tiêu biểu như  giải pháp “Máy đóng gạch không nung” của tác giả Trần Văn Lộc được sản xuất chuyển giao sang nước bạn Lào; công trình “Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật đo áp lực nội sọ qua Catheter não thất ở bệnh nhân xuất huyết não tiên phát” của nhóm tác giả Hoàng Quang Trung và cộng sự, đạt giải Ba toàn quốc được ứng dụng hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, “Chân rô bốt hỗ trợ người khuyết tật” của tác giả Nguyễn Nhật Lâm.

Từ các hoạt động đóng góp của Hội thi, Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, người lao động, tuổi trẻ toàn tỉnh. Tạo sân chơi bổ ích, nơi hội tụ tài năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, góp phần đưa những sáng tạo có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Hoạt động ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật được Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đặc biệt chú trọng thông qua đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động đã hướng tới giải quyết những vấn đề cấp bách như chọn tạo giống cây, con, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Đến nay nhiều mô hình đã được Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên chuyển giao ứng dụng thành công như mô hình sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời cho xã Cẩm Nhượng , Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học, xây dựng mô hình vườn mẫu, mô hình sản xuất cung ứng sản phẩm gắn mã vạch hỗ trợ truy xuất nguồn gốc….

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên cũng đã tham gia và hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu như GEF SGP, UNDP, GIZ ... Trong năm năm qua Liên hiệp hội đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ triển khai 6 cuộc khảo sát về rừng, 4 chương trình về thích ứng bảo vệ môi trường, triển khai hoàn thành 1 dự án với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng.

Để tạo hành lang pháp lý cũng như cụ thể hóa các chủ trương chính sách, Liên hiệp hội đã tham mưu giúp chính quyền ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động của tổ chức Liên hiệp Hội. Trong đó Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 781 về Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp Hội với các  huyện, thành, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc;  UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 343 về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức; Quyết định 50/2016 về việc ban hành quy định thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, HĐND tỉnh ban hành Quyết định 126/2018 về mức chi giải thưởng Hội thi, cuộc thi sáng tạo...

Mặc dù đạt được những kết quả toàn diện nhưng hoạt động của Liên hiệp hội vẫn còn hạn chế như chưa phát huy hết vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức, đặc biệt là chưa tận dụng tối đa nguồn lực từ đội ngũ trí thức bậc cao hướng về quê hương. Hoạt động của một số tổ chức ở cấp huyện và hội chuyên ngành cấp tỉnh còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, tổ chức hội thiếu tính hệ thống, lỏng trong cơ chế hoạt động...

Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh, đội ngũ trí thức toàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức, lao động sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội; đoàn kết, hợp tác, năng động, sáng tạo, tiến quân mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển khoa học kỹ thuật; nhanh nhạy tiếp cận, tổng kết thực tiễn, giải đáp thoả đáng, kịp thời những vấn đề thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; cung cấp cho cấp uỷ đảng, chính quyền các luận cứ khoa học xác đáng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học cho cán bộ, nhân dân; nghiên cứu, tìm ra những cách làm thiết thực, có hiệu quả trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, đời sống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh