Sao la (kỳ lân châu Á) Pseudoryx nghetinhensis - loài mới được phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Nguồn: internet)
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Trên cơ sở đó, Sở NN& PTNT đã ban hành Kế hoạch số 501/KH-SNN ngày 10/12/2018, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát và đầu tư kinh phí của các cấp, ngành có thẩm quyền, công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả thiết thực
Theo ông Huấn, trước tiên, trong xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, Hà Tĩnh đã hoàn thành Đề tài đánh giá thực trạng các loài thuộc bộ linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng và xây dựng phương án bảo tồn tại Vườn Quốc gia Vũ Quang. Đề tài này được triển khai thực hiện vào tháng 10/2017 và đã hoàn thành nghiệm thu trong tháng 9/2019, với tổng kinh phí 716 triệu đồng, từ nguồn vốn khoa học của tỉnh.
Lớn hơn, Dự án Khẩn cấp bảo tồn Voi Châu Á, giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030 tỉnh Hà Tĩnh, với tổng kinh phí hơn 118 tỷ đồng hiện đang được tỉnh trình Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Được biết, ngoài 2 dự án trên, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khác của các tổ chức trong nước và ngoài nước.
Hà Tĩnh cũng đang khẩn trương xây dựng, nâng cấp một số cơ sở bảo tồn chuyển chỗ. Đáng kể nhất ở đây là Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại Vườn Quốc gia Vũ Quang đã được UBND tỉnh đồng ý, hiện nay, Vườn đang tiến hành thực hiện các bước theo quy định.
“Đây là Dự án rất quan trọng đối với mọi vườn quốc gia nên Vườn Quốc gia Vũ Quang đang tập trung cao cho việc triển khai thực hiện…”, ông Thái Cảnh Toàn – Trưởng Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết.
Một dự án khác về bảo tồn đa dạng sinh học cũng đang được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh tích cực xúc tiến. Đó là, Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Hiện, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5932/UBND-NL ngày 9/9/2019 giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các sở soát xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định (theo đề xuất của Sở NN&PTNT), hiện nay Sở này đang xem xét tham mưu.
Đi cùng với đó, thời gian qua, công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng, động, thực vật rừng được các cấp, ngành, chủ rừng trong toàn tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ đó, giúp cho tính đa dạng sinh học luôn được bảo tồn và phát triển cả về thành phần cũng như số lượng loài.
Đặc biệt, đối với 2 khu rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ), các khu vực chức năng, hệ sinh thái rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Hằng năm, chủ rừng đã áp dụng các giải pháp phục hồi tự nhiên, làm giàu rừng, nhằm bảo vệ tốt các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng tự nhiên và các loài động, thực vật rừng.