Ngày 10/3 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam 4 con lợn ỉ đã được các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân bản thành công từ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma ở mô tai, tạo tiền đề cho việc bảo tồn giống lợn ỉ quý hiếm.
Triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” từ tháng 7/2017, các cán bộ nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật và Trung tâm nghiên cứu lợn Thuỵ Phương đã nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ tạo động vật nhân bản bằng cấy chuyển nhân tế bào soma tại Việt Nam.
TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản. Quy trình tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản.
Lợn ỉ được nhân bản tại Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương
Nhân bản hay nhân bản vô tính ở động vật là các cá thể có thể được tạo ra từ 1 tế bào lấy từ nguyên bản gốc mà không phụ thuộc vào quá trình thụ tinh. Hiện nay có 2 công nghệ nhân bản động vật được ứng dụng là nhân bản động vật bằng chia tách phôi, cấy chuyển nhân từ các tế bào phôi, bào thai… và nhân bản động vật có vú bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Công nghệ áp dụng không phải là mới nhưng đòi hỏi rất cao về những thao tác, kỹ năng làm việc rất khó, ngay cả các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới có thể làm thành công ra đến cái phiên bản để nhân bản được, nhưng chúng ta cũng đã nhân bản thành công chứng tỏ năng lực của các nhà khoa học của Việt Nam trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất khiêm tốn đã hết sức nỗ lực để duy trì và phát triển, bảo tồn lưu giữ và phục tráng những giống bản địa”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện trang thiết bị còn rất hạn chế nhưng nhóm nghiên cứu đã vừa sáng tạo, vừa kiên trì tận dụng tốt những thành tựu của thời đại biến thành kết quả của Việt Nam. Đồng thời yêu cầu, với thành tựu vừa đạt được, Viện Chăn nuôi rà soát lại toàn bộ quy trình để đảm bảo sự chắc chắn của kết quả, củng cố thành quả đạt được. Tiếp tục triển khai phương pháp này để giữ gìn, bảo tồn những giống vật nuôi bản địa đặc biệt cũng như mở ra hướng phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản bản địa.
“Kết quả cho thấy chúng ta đã chọn đúng và trúng đối tượng vật nuôi vì con lợn chiếm từ 65 - 70 % trong “rổ thực phẩm”. Đây cũng là hướng chiến lược của ngành chăn nuôi sắp tới hướng đến từng bước phục hồi những vật nuôi đặc hữu của Việt Nam để trở thành sản phẩm đặc sản thực phẩm không chỉ cung ứng nhu cầu trong nước mà còn cho thế giới” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.