1. Quy trình công nghệ.

Loại hình chuồng trại: Chuồng sàn bằng tấm đan và là chuồng hở, hoặc chuồng kín, chuồng kín sẽ phù hợp hơn do không phải chống nóng trong mùa hè. Quy mô chăn nuôi từ 50 - 300 heo thịt. Tỷ lệ % diện tích tấm sàn trên nền chuồng: chuồng được thiết kế với tỷ lệ là 70% và 100% diện tích sàn bằng tấm đan.

Thiết kế, xây dựng chuồng sàn tấm đan: Sàn chuồng là các tấm đan (bê tông cốt thép) có khe thoáng để thoát chất thải, được ghép lại với nhau. Kích thước của tấm đan: dài x rộng x dày là 110 cm x 55 cm x 7 cm. Độ rộng của khe thoáng là 2 cm và tấm đan được thiết kế sao cho tổng diện tích các khe thoáng chiếm khoảng 20% tổng diện tích của tấm đan.

Description: http://nguoichannuoi.vn/upload_images/images/khoa-hoc-ky-thuat-chan-nuoi/NCN112020nha-12.jpg

Mô hình nuôi heo trên chuồng sàn không xả thải, ngừa dịch bệnh

Bể thu chất thải (bố trí phía dưới tấm đan): Được chia thành một số khoang để có thể tháo chất thải riêng rẽ tùy theo lượng chất thải chứa ở từng ô bể thông thường chiều sâu của bể từ 75 - 75 cm. Tường ngăn giữa các bể chứa phân đồng thời cũng là điểm để gác các tấm đan lên. Đáy hầm chứa phân có các cửa xả phân thông với hệ thống ống thoát phân dẫn ra bể chứa chất thải bên ngoài chuồng.

Bát uống tiết kiệm nước: Được dùng để cung cấp nước uống cho heo có đường kính 17 cm và chiều sâu của bát uống là 0,8 cm. Độ cao của bát uống được thay đổi theo tuổi của vật nuôi.

Ủ chất thải làm phân bón hữu cơ: Công nghệ này sử dụng toàn bộ chất thải chăn nuôi heo từ chuồng sàn tấm đan cùng với than bùn, mùn cưa, phụ phẩm công nông nghiệp để ủ compost thành phần hữu cơ truyền thống dạng rắn.

          2. Ưu điểm.

Tính mới của công nghệ: Đây là công nghệ hoàn toàn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam trước đây;

Tính sáng tạo: Thiết kế chuồng nuôi công nghệ mới cho phép tận dụng tối đa hạ tầng chuồng nuôi kiểu cũ: nền chuồng cũ sẽ là đáy hầm chứa dung dịch chất thải, tường ngăn làm thành hầm chứa chất thải; hệ thống ống cấp nước uống và ống thoát chất thải được giữ nguyên, chỉ thay đổi các núm uống bằng bát uống; mái và cột chuồng cũ được giữ nguyên; hệ thống làm mát và thông gió không thay đổi. Tính kinh tế: Heo nuôi trên chuồng công nghệ mới phát triển tốt hơn, tăng trọng nhanh hơn, ít bị bệnh hơn; tiết kiệm thời gian lao động, đặc biệt khâu lao động nặng nhọc nhất là rửa dọn chuồng hàng ngày không còn; lượng nước sử dụng trong chăn nuôi chỉ bằng 10 - 15% so với công nghệ cũ, điều đó cũng có nghĩa là lượng dung dịch chất thải chỉ bằng khoảng 10 - 15% so với công nghệ hiện hành, chi phí xử lý chất thải, xử lý môi trường cũng sẽ giảm tương ứng; sức đề kháng của heo với dịch bệnh được tăng cường đáng kể.

Giảm thiểu tác động môi trường: Chất thải chăn nuôi được thu và xử lý toàn bộ để tạo thành nguồn phân bón hữu cơ truyền thống, nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hoàn toàn không có chất thải xả ra môi trường.

Tính cạnh tranh: Do thiết kế tận dụng được hạ tầng chuồng cũ nên chi phí không cao, các hộ/chủ trang trại chăn nuôi với điều kiện kinh tế bình thường cũng có thể áp dụng. Thời gian sửa chữa, cải tạo chuồng nuôi ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất của các hộ/chủ trang trại chăn nuôi.

Tính ổn định: Mô hình đã qua 2 lứa nuôi (trong điều kiện thí nghiệm) và thêm 2 lứa nuôi trong điều kiện sản xuất bình thường) đều cho kết quả tốt. Thời gian sử dụng chuồng nuôi cải tiến có thể lên tới trên 20 năm.

Hiện nay, Công nghệ chăn nuôi heo thịt không xả thải ra môi trường đã được nhân rộng trên nhiều địa bàn trong cả nước trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ… Với mức kinh phí đầu tư ban đầu hết sức hợp lý, phương án thi công tối ưu, áp dụng công nghệ cao thì đây được xem là bài toán kinh tế bền vững cho cộng đồng chăn nuôi heo thịt nước ta.