1. Protein thay thế tiềm năng.

Sự quay lại của những dịch bệnh toàn cầu như Dịch tả heo châu Phi (ASF) thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt gia cầm cao hơn, gây áp lực lên ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) phải tìm ra những nguồn thức ăn mới và hiệu quả sử dụng tốt hơn. Ngược lại, khí hậu không ngừng biến đổi cộng với sự cạnh tranh giữa thực phẩm - thức ăn - nhiên liệu khiến nguồn cung trong tương lai của những nguồn TĂCN truyền thống chi phí cao như khô đậu và bột cá trở nên bất ổn hơn. Ngành công nghiệp thức ăn buộc phải tìm ra protein thay thế và cá ủ chua là một trong những giải pháp tiềm năng.

Khi thế giới đang đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường đáng lo ngại, cá ủ chua có thể là một phần của giải pháp bởi thành phần được làm từ nguyên liệu thải xuống biển trong quá trình khai thác ngoài khơi. Nguyên liệu này chứa các phụ phẩm từ cá như đầu, xương và nội tạng để tạo thành TĂCN, từ đó làm giảm các vấn đề môi trường. Có thể sản xuất cá ủ chua ở những nơi có nguồn cung chế biến bột cá bị giới hạn hoặc quá đắt. Sản xuất cá ủ chua là một quy trình đơn giản gồm 3 bước cơ bản: Nghiền cá, axit hóa và ủ. Ủ cá trong điều kiện kỵ khí giúp bảo quản lâu dài, ít có nguy cơ bị ôxy hóa và phân hủy. Ngoài ra, ủ chua còn làm giảm pH, từ đó ức chế sự phát triển của hầu hết các vi khuẩn mang mầm bệnh. Cá ủ chua cũng là một nguồn axit amin và khoáng chất tốt với các thành phần axit amin tương tự bột cá.

2. Cải thiện hiệu suất tăng trưởng.

Các nhà nghiên cứu từ Ðại học Nayarit, Mexico đã tiến hành đánh giá giá trị dinh dưỡng của cá ủ chua với hiệu suất tăng trưởng và chất lượng thịt của gia cầm (1 - 28 ngày tuổi). Sử dụng hỗn hợp cá ủ chua và khô đậu theo tỷ lệ 1:1 để chuẩn bị cho 4 khẩu phần ăn với tỷ lệ bổ sung khác nhau 0%, 10%, 20% và 30%.

Kết quả cho thấy, trọng lượng thân của gia cầm được ăn bổ sung hỗn hợp khô đậu - cá ủ chua tăng hơn hẳn nhóm đối chứng. Như vậy, cá ủ chua trong khẩu phần ăn của gia cầm đã cải thiện chuyển đổi thức ăn ở vật nuôi nhờ thành phần protein thủy phân suốt quá trình lên men và các axit amin thiết yếu như histidine, threonine, methionine, glucine, alanine và tryrocine. Trong nghiên cứu này, hàm lượng axit amin trong cá ủ chua thậm chí còn cao hơn so bột cá. Trong thời gian 28 ngày nghiên cứu, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) đã cải thiện 10% ở nhóm gia cầm ăn bổ sung 20% hỗn hợp khô đậu và cá ủ chua. Lượng ăn của gia cầm trong khẩu phần bổ sung cá ủ chua cũng tương tự nhóm đối chứng.

3. Tăng chất lượng thịt.

Với 3 tỷ lệ bổ sung hỗn hợp cá ủ chua 10%, 20% và 30%, khả năng giữ nước và độ mềm của thịt gia cầm tốt hơn và chất lượng thịt tổng thể cũng tốt hơn. Mùi cá tanh chính là trở ngại lớn nhất khi hàm lượng bổ sung cá ủ chua tăng cao trong thức ăn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Mexico khẳng định, chất lượng cảm quan của thịt gia cầm không biến đổi khi tăng thêm hỗn hợp cá ủ chua: Khô đậu tới 30% trong thức ăn.

Tương tự với nghiên cứu đầu tiên tại Mexico, các nhà nghiên cứu tại Ðại học Nông nghiệp Na Uy cũng tiến hành đánh giá hiệu quả của cá ủ chua trong TĂCN và mỡ cá với hiệu suất tăng trưởng và chất lượng thịt gia cầm (1 - 35 ngày tuổi). Nghiên cứu gồm 1 khẩu phần đối chứng; 2 khẩu phần chứa 50 g/kg cá ủ chua và các hàm lượng mỡ cá khác nhau (6 hoặc 8 g/kg) và 2 khẩu phần chứa 100 g/kg cá ủ chua và lượng mỡ cá cao hơn (8 hoặc 10 g/kg). 5 nghiệm thức được sử dụng để đánh giá chất lượng thịt gia cầm: Khẩu phần đối chứng và 4 khẩu phần thử nghiệm chứa 50 g/kg cá ủ chua và hàm lượng mỡ cá 2, 9, 17 hoặc 25 g/kg.

Hàm lượng bổ sung cá ủ chua lên tới 100 g/kg khẩu phần, tương ứng với 21% protein tổng đã cho thấy hiệu quả tích cực lên hiệu suất tăng trưởng. Lượng bổ sung cao (100 g/kg cá ủ chua và 10 g/kg mỡ cá) giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và FCR lần lượt là 8% và 4%.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu Na Uy cũng phát hiện việc bổ sung mỡ cá vào khẩu phần ăn đã làm giảm hàm lượng huyết tương của Vitamin E và ceruloplasmin chứng tỏ sử dụng phụ phẩm nhiều mỡ cá làm tăng nhu cầu kháng ôxy hóa của gia cầm. Hàm lượng cao của mỡ cá có thể làm giảm chất lượng cảm quan của thịt gia cầm. Các chuyên gia cũng phát hiện hàm lượng 17 g/kg mỡ cá hoặc cao hơn gây ra những mùi lạ trong thịt và khuyến nghị nên sử dụng hàm lượng mỡ cá dưới 10 g/kg trong thức ăn để không gây ra các vấn đề mùi vị trong thịt gia cầm.

Thành phần dinh dưỡng là yếu tố quan trọng để xác định hàm lượng bổ sung. Cá ủ chua bị biến đổi về thành phần dinh dưỡng do sự khác nhau về loại cá, hoặc bộ phận của cá được sử dụng để ủ chua. Tuy nhiên, khi được cho ăn ở hàm lượng tối ưu, cá ủ chua cải thiện hiệu suất tăng trưởng của gia cầm mà không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Nhìn chung, cá ủ chua là nguồn dinh dưỡng tiềm năng, thân thiện môi trường để thay thế một phần các nguyên liệu thức ăn đắt tiền như khô đậu hoặc bột cá.