1. Chuẩn bị ao nuôi.
Vị trí ao nuôi nên chọn những nơi có khả năng cấp và thoát nước thuận lợi. Diện tích ao nuôi không nên quá lớn vì khó chăm sóc, quản lý địch hại, tốt nhất nên < 5.000 m2. Độ sâu mức nước trong ao 0,5 - 1,0 m. Bờ ao thiết kế cao hơn mức nước tối thiểu là 0,5 m. Đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống tiêu nước. Hàm lượng ôxy hòa tan > 1 mg/l, pH: 6,5 - 8.
Trước khi nuôi cần tẩy dọn sạch bằng cách tháo cạn, cào sạch bùn, cày, bừa, phơi đáy... Tạo độ dốc về phía cống, tu sửa cống. Làm hàng rào lưới ngăn ốc trong khu vực nuôi, để tránh ốc bò ra ngoài và sinh vật khác xâm hại. Sau đó tiến hành diệt tạp và ngăn ngừa sinh vật khác vào ao hại ốc.
Lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để chắn rác và sinh vật khác vào hại ốc. Thả bèo lục bình làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 1/4 diện tích ao nuôi. Làm khung ngăn bèo không để bèo phát triển lan ra quá diện tích cần thả bèo.
Để tạo mùn bã hữu cơ làm nguồn thức ăn tự nhiên trong ao cho ốc, trước khi thả ốc nên bón rơm, rạ băm nhỏ khắp đáy ao với lượng 10 -15 kg/100m2 và phân chuồng đã được ủ Hoai với vôi bột, lượng 7 - 10 kg/100 m2. Bón trước khi thả ốc 7 - 10 ngày (khi thấy nước ao sủi bọt thì thả ốc giống).
2. Chọn và thả giống.
Chọn ốc giống đảm bảo chuẩn chất lượng, khoẻ mạnh, không bị sứt vỏ, dập vỏ, mòn vỏ và đỉnh vỏ, màu sắc tươi sáng, không có rong rêu bám. Kích cỡ ốc giống từ 0,4 - 0,5 g/con trở lên. Giống được vận chuyển bằng phương pháp giữ ẩm, không cần bơm ôxy nhưng không được đóng kín mà phải có độ thông khí với môi trường bên ngoài. Vận chuyển ốc bằng thùng xốp, có đục những lỗ thủng trên nắp thùng. Dải một lớp ốc sau đó đến một lớp rễ bèo rồi mới đến lớp ốc khác để ngăn cách giữa các lớp ốc. Trước khi thả ra ao, đổ ốc giống ra chậu sau đó cho nước từ từ vào chậu để ốc thích nghi dần với môi trường mới, khoảng 20 - 30 phút sau đó thả ốc xuống ao. Mật độ giống thả nuôi trong ao là 70 con/m2.
3. Chăm sóc, quản lý.
Thức ăn cho ốc nhồi là các loại Rau xanh, bèo, ngũ cốc. Ốc nhồi có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và thường phân bố không đều trong ao nuôi. Vì vậy cần cho ăn ở nơi ốc tập trung để ốc có thể bắt mồi một cách nhanh nhất, tránh tình trạng để dư hoặc thiếu thức ăn một cách cục bộ (sáng sớm ốc nhồi thường nổi lên mặt nước, bám vào lá sắn, lá dọc mùng, bèo để ăn vì vậy quan sát vào lúc sáng sớm sẽ biết được ốc tập trung ở khu vực nào nhiều hơn). Thức ăn xanh để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn. Mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 - 1% khối lượng ốc trong ao. Trước khi có thức ăn tinh cần kiểm tra sàng ăn, nếu thấy còn thức ăn tinh thì không cho ăn thức ăn tinh lần sau.
Đối với ốc nuôi ở trong ao thì việc kiểm tra thức ăn xanh thừa hay thiếu dễ dàng nhưng kiểm tra lượng thức ăn tinh thì khó hơn phải đặt sàn ăn bằng phên tre đan dày. Trước khi cho ốc ăn lần sau phải kiểm tra thức ăn lần trước trong sàn ăn, nếu thấy còn thì ngừng cho ăn. Nếu ao nhiều mùn bã hữu cơ có thể không cần cho ăn thức ăn tinh mà chỉ cần cho ốc ăn thức ăn xanh.
Sau khi thả ốc giống đến khi 2 tháng tuổi không cần thay nước. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 3/4 lượng nước trong ao.
4. Thu hoạch.
Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3 - 4 tháng đạt trọng lượng thương phẩm 25 - 30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Nên thu hoạch ốc trước mùa đông. Có thể thu tỉa bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to (buổi sáng ốc thường nổi lên bám vào lá dọc mùng, lá sắn, dễ bèo để ăn nên việc thu hoạch rất dễ). Sau khi thu tỉa ốc to, ta có thể thả bù ốc nhỏ. Nếu thu hoạch toàn bộ thì sau khi dùng thuyền để thu, số ốc còn lại trong ao có thể tháo cạn nước ao.