“Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19”Bác sỹ Đội cơ động Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

“Đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 14/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19). Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới. Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí sáng 19/2.

- Xin Cục trưởng chia sẻ kinh nghiệm điều trị thành công đối với các ca bệnh dương tính với COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua?- Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Với tinh thần quyết liệt "chống dịch như chống giặc", “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân," ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch COVID-19. Trong hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Có thể nói, tại Việt Nam, những hướng dẫn chuyên môn điều trị bệnh thường được xây dựng rất sớm.

Với căn bệnh này, chúng tôi thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết.

Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.

Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói, đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đến thời điểm này, Việt Nam không có ca bệnh nào mới dương tính tại Việt Nam. Ngày 18/2, chúng ta tổ chức cho hai bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - phân tuyến cao nhất điều trị COVID-19 tại khu vực phía Bắc được ra viện. Hai bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng được xuất viện.

Bệnh nhân Việt kiều đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả âm tính hai lần và cũng sớm xem xét các điều kiện cho bệnh nhân ra viện.

Cháu bé ba tháng tuổi được Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực điều trị, không sốt, không ho, bú mẹ tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả xét nghiệm đã một lần âm tính. Nếu tiếp tục theo phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính tiếp, bé sẽ được ra viện sớm.

Cả 16 bệnh nhân mắc COVID -19 đều ổn định, tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào tiến triển nặng và chắc chắn không có bệnh nhân nào tử vong.

Điều đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều trị.

- Phương châm bốn tại chỗ đã phát huy hiệu quả như thế nào trong công tác phòng chống, điều trị COVID-19, Việt Nam chuẩn bị các phương án để ứng phó và điều trị tại các tuyến như thế nào thưa Cục trưởng?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế vẫn tiếp tục phân tuyến điều trị COVID-19 như đã thực hiện. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh và họ đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân. Do đó, chúng ta không cần tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 về các trung tâm lớn.

Với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ), với sự chi viện của bác sỹ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đã có đầy đủ mô hình như: có bệnh nhân nam, nữ; có bệnh nhân cao tuổi; có bệnh nhân nhiều bệnh nền huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư; có bệnh nhi.

Chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị để tiếp tục cập nhật thêm phác đồ điều trị cho những người bệnh trong thời gian tới.

- Đối với dịch COVID-19, công tác cách ly với người bệnh được thực hiện như thế nào, thưa Cục trưởng?

- Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế.

“Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19”Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đối với việc này, để đảm bảo chất lượng chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, thầy thuốc, cộng đồng, Bộ Y tế đã có văn bản tiếp tục nhắc nhở các giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện và các cơ sở y tế hết sức quan tâm đến việc cách ly, quản lý người bệnh ở tại cơ sở. Mục tiêu của Bộ Y tế là có phương pháp bảo vệ và cố gắng không để các thầy thuốc bị lây bệnh và không để lây từ bệnh viện ra cộng đồng.

Trong việc cách ly cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, công an, chính quyền địa phương. Thậm chí, có những khu vực chúng ta cần quản lý chặt chẽ, tuyệt đối.

Có ba khu vực cách ly, đó là khu vực với những người nghi ngờ mắc, chưa phải là người bệnh dương tính nhưng cũng phải được cách ly tuyệt đối. Khu vực thứ hai dành cho người đã bị bệnh rồi nhưng nhẹ, vẫn sinh hoạt bình thường được. Khu vực thứ ba dành cho những người bị bệnh nặng. Ở đây, ngay cả quần, áo, chất thải của người bệnh và các nguồn lây đều được quản lý theo quy chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đối với người bệnh được cho xuất viện là mới ra viện về lâm sàng bệnh nhưng về tâm lý, thể trạng vẫn cần phải được theo dõi, quan tâm, động viên.

Chúng tôi chỉ đạo cơ sở y tế tại Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc khi bệnh nhân đã ra viện, y tế địa phương vẫn quan tâm người bệnh. Việc quản lý theo dõi là việc hết sức đúng đắn trong giai đoạn hiên nay khi chúng ta hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh tại Việt Nam, tuy nhiên cần tránh việc kỳ thị khiến người ta tủi thân.

- Các bác sỹ chống dịch luôn có nguy cơ bị lây bệnh từ người bệnh, xin Cục trưởng chia sẻ vài điều về sự hy sinh này?

- Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Với bệnh dịch nguy hiểm như COVID-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới phải công bố khẩn cấp và tại Trung Quốc hằng ngày vẫn có thêm hàng nghìn người mắc, cả trăm người tử vong, thì người thầy thuốc ở tuyến nào tiếp xúc bệnh đều nguy hiểm.

Theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng nghìn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Đến giờ phút này chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm COVID-19.

Bộ Y tế đã sát cánh cùng với các thầy thuốc trong công tác phòng chống dịch ở cả Trung ương và cơ sở nên thấu hiểu được sự vất vả, sự cố gắng cũng như nỗi lòng của những các bộ y tế tham gia công tác chống dịch.

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao tất cả thầy thuốc đã tham gia vào công cuộc điều trị, phòng chống dịch cũng như tấm lòng, sự cố gắng của các thầy thuốc đã quên mình không vì lợi ích nhân cá nhân để phục vụ người bệnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!