Có lẽ hiếm trong thời điểm nào, tình trạng loạn thông tin giả, hàng giả... dồn dập đến vậy. Đặc biệt, trong thời gian dịch cúm Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng công an, quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ mua bán, kinh doanh khẩu trang giả, nước rửa tay giả với số lượng rất lớn, lên tới hàng trăm ngàn chiếc. Trong ngày 11/2, riêng một xe ô tô tải chở hàng đã có tới 143.000 chiếc khẩu trang được xác định là giả.
Nghiêm trọng hơn, có những đối tượng đã sử dụng cả giấy vệ sinh, lắp đặt cả dây chuyền sản xuất để đưa giấy vệ sinh vào làm giả lớp kháng khuẩn bên trong khẩu trang để tung ra thị trường kiếm lợi.
Hàng giả được tung ra thị trường với số lượng rất lớn như vậy, tất nhiên sẽ làm giảm hiệu quả rất nhiều việc phòng, chống dịch. Bởi những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn, chất lượng như vậy, làm sao có thể ngăn ngừa được virut Covid-19, cho dù người dân đã phải cố gắng tìm mua trong lúc khó khăn?
Một thứ giả có lẽ cũng gây hậu quả xấu không kém là thông tin giả. Theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ ngày 6/2, tính đến ngày 5/2, đã có tới 170 người bị cơ quan công an, cơ quan quản lý về thông tin điện tử triệu tập làm việc, xử phạt do cung cấp thông tin, hình ảnh sai lệch về dịch cúm viêm đường hô hấp cấp trên mạng xã hội với số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Những người tung tin sai lệch về dịch cúm cũng rất đa dạng. Nhưng chủ yếu là những người muốn tăng like (lượt thích), chia sẻ (share)... để gây chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người bán hàng online thì cố tình đưa tin giả, giật gân để người trên mạng xã hội vào, nhờ đó tranh thủ bán hàng, kiếm lời. Nhưng đặc biệt, có cả những người nổi tiếng như một số ca sĩ cũng đưa thông tin sai lệch và đã bị cơ quan chức năng triệu tập, xử phạt.
Những thông tin sai lệch (còn gọi là fake news) trong bối cảnh dịch cúm đang có dấu hiệu lan rộng càng gây thêm hoang mang, lo lắng cho người dân và làm khó khăn hơn cho công tác quản lý, điều hành của nhà nước để phòng, chống dịch.
Đối với cả 2 loại "giả" trên, cũng rất khó cho người dân có thể nhận biết. Hàng hóa giả thì hầu như phải trông chờ cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý. Nhưng thông tin giả thì ngoài việc cơ quan chức năng có thể đánh giá, phát hiện để xử phạt thì về phía người dân, cũng cần phải cảnh giác, tự nâng cao nhận thức để đánh giá thông tin.
Trong thời điểm dịch cúm bùng phát như hiện nay, những thông tin chuẩn xác, đầy đủ nhất chủ yếu vẫn đến từ cơ quan nhà nước, các công cụ, phương tiện truyền thông chính thống, có nguồn gốc, được thẩm tra, xác minh đầy đủ.
Còn những thông tin trôi nổi trên mạng, không rõ nguồn thì người dân cần phải cảnh giác, tự kiểm tra, đánh giá mức độ tin cậy. Nếu không, rất dễ rơi vào tình trạng hoang mang rồi tự mình cũng lặp lại, phát tán đi những thông tin sai lệch, gây ra những hậu quả không đáng có.
Và dù thế nào, với cả 2 loại "giả" trên, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa. Với những kẻ cố tình làm hàng giả hay cố tình tung thông tin giả nhằm mục đích vụ lợi, cần áp dụng những mức phạt cao nhất trong khung hình phạt hoặc nếu mức phạt còn thấp thì sớm sửa đổi quy định để có mức phạt tương xứng với hành vi vi phạm.
Nhưng cũng đáng tiếc, đến thời điểm này, mặc dù đã phát hiện nhiều vụ vi phạm khá nghiêm trọng như các vụ làm giả khẩu trang với số lượng lớn, người ta cũng chỉ mới thấy các mức phạt hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Người ta cho rằng, những mức phạt trên chỉ bằng 1 phần nhỏ số tiền lãi mà nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vi phạm đã kiếm được. Chưa thấy vụ nào được khởi tố bởi tính chất đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu cơ quan chức năng không làm thật mạnh tay, e rằng, các hoạt động kiểm tra, xử phạt như mấy tuần qua sẽ không đủ tính răn đe, khiến nhiều đối tượng, tổ chức nhờn luật, tiếp tục có những hành vi làm hàng gian, hàng giả với qui mô lớn, tung tin sai, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh.