Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Nghị quyết xác định rõ: Bộ 3 KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Trong đó, đổi mới sáng tạo đóng vai trò động lực, chuyển hoá tri thức, công cụ thành ý tưởng, giải pháp. KHCN là nền tảng, tạo ra tri thức và công cụ. Chuyển đổi số hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra giá trị kinh tế.
Nghị quyết 57 không chỉ khẳng định vị trí quan trọng của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển quốc gia mà còn mở ra cơ hội lớn để đất nước và đặc biệt là các địa phương có điểm xuất phát thấp như Hà Tĩnh bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Trong thực tiễn phát triển sản xuất, kinh doanh tại Hà Tĩnh cũng đã chứng minh rõ vai trò, hiệu quả của KHCN và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải (Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), trong mức doanh thu hơn 177 tỷ đồng hằng năm có vai trò rất lớn từ việc đầu tư công nghệ. Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư gần 86 tỷ đồng cho các dây chuyền, thiết bị công nghệ mới; hệ thống dây chuyền máy móc cơ bản được tự động hóa được nhập khẩu từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã được cung ứng đến nhiều thị trường ngoài tỉnh, trong đó có nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Ecopack (Nghệ An), Vinhomes Cổ Loa (Hà Nội), Vinfast Hà Tĩnh, đường bộ cao tốc Bắc – Nam…
Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải mạnh dạn đầu tư gần 86 tỷ đồng cho các dây chuyền, thiết bị công nghệ mới.
Nói về Nghị quyết 57, ông Lã Thái Hải – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải kỳ vọng: "Với sự tham gia trực tiếp của Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn trong việc ban hành và phê duyệt các chủ trương, chính sách liên quan KH&CN; các chính sách sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn. Đặc biệt, Nghị quyết 57 lấy con người, doanh nghiệp làm trọng tâm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận với các chính sách, nguồn hỗ trợ nhằm cải tiến dây chuyền sản xuất, mạnh dạn ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường".
Dù là doanh nghiệp trẻ nhưng Công ty cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) mạnh dạn đầu tư hơn 400 tỷ đồng để chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị mới. Ông Trịnh Quốc Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: "Chúng tôi chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu nên rất kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ thực sự tạo đột phá, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhất để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp Hà Tĩnh trên thị trường toàn cầu. Với việc Nghị quyết 57 quy định dành 2% GDP cho nghiên cứu phát triển, 3% ngân sách quốc gia cho đổi mới sáng tạo, KHCN và chuyển đổi số thì cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng về những chính sách đột phá của Trung ương và các cấp, ngành".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và đoàn công tác kiểm tra dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn khẳng định: "Hà Tĩnh sẽ tận dụng Nghị quyết 57 để đột phá trong phát triển KH&CN địa phương. Trước mắt, để thực hiện Nghị quyết 57 kịp thời, hiệu quả, có chiều sâu, Sở KH&CN sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổng kết Nghị quyết 09-NQTU ngày 3/2/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH&CN đến năm 2020 và những năm tiếp theo; tham mưu sớm ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57. Trọng tâm là tham mưu tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đột phá, huy động tất cả các lực lượng tập trung phát triển KH&CN, chuyển đổi số".
Cũng theo ông Bùi Quang Hoàn, thời gian tới, ngành sẽ tập trung công tác tuyển chọn và nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn và chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên tuyển chọn các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển nền tảng số, dịch vụ số, dữ liệu số, công nghệ sinh học cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục khuyến khích hình thành các doanh nghiệp KH&CN có quy mô, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị với mục tiêu tạo ra những đột phá cho địa phương. Cùng đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông minh, AI, IoT... vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm địa phương".
Với những định hướng đột phá, Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Hà Tĩnh. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng vùng Bắc Trung bộ và cả nước.