Trao giải báo chí Trần Phú năm 2020.

Đến Đại hội Đảng lần thứ XI, năm 2011, Đảng ta mới chính thức giao cho báo chí nhiệm vụ phản biện xã hội: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”[1]. Và cũng theo đó, chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí bấy giờ mới chính thức được thừa nhận một cách nghiêm túc. Chúng tôi nói "chính thức được thừa nhận" vì thực sự là báo chí từ xưa đến nay, ngay trong cội rễ, đã luôn mang trong mình chức năng giám sát và phản biện xã hội. Nghĩa là có thừa nhận hay không thừa nhận thì chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí vẫn đã, đang và sẽ tồn tại. Trong rất nhiều sách giáo khoa về báo chí và gần đây nhất, trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí” NXB Lao động, 2013, của PGS,TS Nguyễn Văn Dững khẳng định báo chí có các chức năng: Chức năng thông tin-giao tiếp; Chức năng tư tưởng; Chức năng khai sáng-giải trí; Chức năng quản lý - giám sát - phản biện xã hội; Chức năng kinh tế – dịch vụ.

Như vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra ở đây không phải là có hay không có chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí mà là chức năng này phải được hiểu như thế nào, vì thực tế đã có khá nhiều cách hiểu chưa thống nhất.

Trong rất nhiều định nghĩa thì cách hiểu gần nhất với vấn đề mà chúng ta đang bàn là: Giám sát xã hội là theo dõi và kiểm tra, đánh giá một vấn đề nào đó của đời sống xã hội xem có thực hiện đúng những điều đã quy định hay không. Có hai bộ phận tham gia giám sát xã hội là bộ máy nhà nước và công dân. Trên thực tế thì các thiết chế nhà nước vốn đã được hình thành và hoạt động theo cơ chế tự giám sát và giám sát công dân. Tuy nhiên, một xã hội dân chủ là xã hội cần phải coi trọng sự giám sát của công dân đối với nhà nước. Đồng thời điều này cũng thể hiện trình độ phát triển, ý thức tự giác và thái độ, trách nhiệm của người dân.

Còn phản biện xã hội (hay là sự phản biện mang tính xã hội), tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống của các thành viên trong xã hội. Như vậy, phản biện xã hội là tiếng nói nhận thức của xã hội, của các lực lượng xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ (khoa học, thực tiễn) nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành.

Và như vậy, theo chúng tôi, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí có thể nói thực chất là thực hiện chức năng phản ánh nhiều chiều, có chính kiến, có cơ sở khoa học của cơ quan báo chí và nhà báo, nhằm khẳng định sự đúng, sai về một vấn đề nào đó của hiện thực cuộc sống.

Ở bài viết này chúng tôi không đi sâu vào chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí mà chỉ khu biệt vấn đề này, từ góc nhìn văn hóa. Vậy ở góc nhìn văn hóa thì chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí được thể hiện như thế nào?

Đầu tiên, theo chúng tôi, giám sát và phản biện xã hội của báo chí phải xuất phát từ tinh thần trung thực, khách quan, không vụ lợi.

Sẽ không có kết quả đúng nếu nếu báo chí không tuân thủ tinh thần trên khi giám sát và phản biện xã hội. Ca ngợi, nói tốt quá về một vấn đề hoặc ngược lại đều vi phạm tính trung thực, khách quan; Khen, chê không đúng sự thật nhằm mưu cầu một lợi ích nào đó cũng đã vi phạm nguyên tắc không vụ lợi. Mà vi phạm các nguyên tắc này là thiếu văn hóa vì bản thân báo chí là một sản phẩm văn hóa. Thực tế cho thấy trong cơ chế thị trường, áp lực của người làm báo là phải có thông tin nhanh, nóng. Tuy nhiên nhanh, nóng nhưng phải chính xác, phải lột tả được bản chất của sự thật. Đã có khá nhiều trường hợp hoặc vì trình độ hạn chế hoặc vì thiếu đạo đức nghề nghiệp đã thông tin sai sự thật dẫn đến vi phạm pháp luật. Chỉ trong 9 tháng năm 2014, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với có 10 cơ quan báo chí vì hành vi thông tin sai sự thật, trong đó có 3 báo in và 7 báo điện tử; sai phạm trong lĩnh vực báo điện tử là nghiêm trọng và cơ quan chức năng đã phải xử phạt hành chính với mức phạt tối đa là 200 triệu đồng [2]. Giám sát, phản biện không chính xác đã từng dẫn đến những“thảm họa” truyển thông gây tổn hại lớn cho xã hội ta như các vụ: ăn bưởi Năm Roi gây ung thư, sữa chứa melamine gây bệnh… làm hàng vạn nông dân và rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Thứ hai, giám sát và phản biện xã hội của báo chí phải đảm bảo tính toàn diện và khoa học.

Giám sát xã hội không chỉ là theo dõi và kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những thiếu sót, hạn chế. Giám sát không chỉ mang tính chất phê phán mà còn là sự biểu dương những cái mới, cái tiến bộ, tích cực. Như vậy, trên tinh thần văn hóa, báo chí khi xem xét, đánh giá một vấn đề phải từ nhiều chiều, nhiều góc độ để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, tránh sa vào phiến diện, hẹp hòi, vụn vặt.

Còn phản biện xã hội phải mang tính khoa học. Phản biện là tranh luận một cách khoa học chứ không phải là tìm câu trả lời có đồng ý hay không đồng ý theo dạng thăm dò dư luận xã hội. Nghĩa là phải có dẫn chứng, luận cứ khoa học, phải có sự tham vấn của các chuyên gia và mục đích tối cao của nó là đi đến chân lý, đi đến cái hợp lý, cái tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở các nhà báo tại Đại hội lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962 : “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn,…nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”.Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”[3]. Thực tiễn chứng minh rằng, nhờ phản biện mang tính khoa học của báo chí mà trong thời gian gần đây, một số văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương quy định thiếu tính thực tiễn như: quy định ngực lép không được lái xe, quy định bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học, đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân, quy định thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ, quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30°C… và mới nhất dự án chặt 6.700 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội đã được loại bỏ hoặc điều chỉnh. Ông cha ta có câu: “Nói phải, củ cải cũng nghe” là vì vậy và phản biện có văn hóa là như vậy.

Thứ ba, giám sát và phản biện xã hội của báo chí là phải thể hiện tính chiến đấu.

Dám phê phán cái xấu, bảo vệ cái tốt, không bị lợi ích mua chuộc, không sợ cường quyền đe dọa là sự thể hiện tính chiến đấu của báo chí và đây là một thành tố quan trọng nhất để thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội. Rất đáng ghi nhận tính chiến đấu của báo chí trong thời kỳ đổi mới. Bằng tính chiến đấu của mình, nhiều nhà báo và các cơ quan báo chí đã giúp cho các cơ quan pháp luật phát hiện, truy tố nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn. Điển hình như vụ tham nhũng của Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm tại Công ty Tiếp thị thương mại Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm, vụ băng nhóm tội phạm Năm Cam, vụ PMU18 phanh phui một loạt các vụ việc phạm pháp của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Bộ Giao Thông - Vận Tải, và gần đây nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), giải tỏa ở đất Văn Giang (Hưng Yên)... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có không ít nhà báo và cơ quan báo chí đã lẩn tránh chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình, vô cảm hoặc hèn nhát không giám lên tiếng trước cái xấu. Luật sư Martin Luther King từng thốt lên vì thực tế đó: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. 

Cuối cùng, giám sát và phản biện xã hội của báo chí phải đảm bảo tính dân chủ.

Cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra năm 1984 trong công tác dân vận thực sự đã mở đường cho việc giám sát và phản biện xã hội của người dân. Tôn trọng cơ chế này là tôn trọng tính dân chủ. Người dân có quyền được biết, được thảo luận, bàn bạc, đánh giá, phê bình, biểu thị thái độ về những vấn đề mà họ quan tâm, từ những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ cho đến những vấn đề trọng đại của đất nước, nhân loại. Báo chí chính là diễn đàn thể hiện tiếng nói đó của người dân. Bằng hoạt động truyền thông của mình, báo chí không những là nơi nhân dân thể hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, mà bản thân báo chí cũng đang thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình. Biết lắng nghe, biết tôn trọng và phản ánh đúng tiếng nói giám sát và phản biện xã hội của nhân dân là một hành vi văn hóa của báo chí. Tuy nhiên ở đây cũng cần phải lưu ý là không phải bất kỳ tiếng nói giám sát và phản biện xã hội nào của nhân dân đều là đúng. Chính vì vậy báo chí phải có tư duy độc lập và các thao tác nghiệp vụ khoa học để phân biệt, loại bỏ những tiếng nói giám sát và phản biện xã hội của người dân chưa đúng.

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí, nó không những phản ánh trình độ phát triển của báo chí mà còn là thước đo văn hóa của báo chí. Giám sát và phản biện có quan hệ nhân quả với nhau vì chỉ giám sát một cách nghiêm túc mới có thông tin đầy đủ và thấu đáo làm tiền đề cho phản biện. Nếu phản biện khoa học là một trong những cách thức chủ yếu để tiệm cận tới các chân lý khoa học, thì trong đời sống xã hội, phản biện xã hội là một công cụ để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Xin mượn lời của nhà báo, TS Trần Đăng Tuấn, tác giả cuốn sách Phản biện xã hội - câu hỏi đặt ra từ cuộc sống làm lời kết cho bài viết này:“Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội”.[4] Tôi xem đây là góc nhìn văn hóa nhất về vai trò của giám sát và phản biện xã hội nói chung và của báo chí nói riêng./.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. H. 2011, tr 225.

[2]http://mic.gov.vn/tintucsukien/tinhoatdongcuabo/Trang/Trong9thangdaunam2014Bodachidaoxyly26coquanbaochi.aspx

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 13, H2011, tr.464.