Ở Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị đất nước. Là Đảng cầm quyền cho nên Đảng phải luôn luôn nắm giữ quyền lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và phân công cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Chính vì vậy, từ khi mới thành lập đến nay Đảng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước nói chung và quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền và chống tham nhũng.

       Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay, ngày 23 tháng 9 năm 2019 Bộ chính trị đã ban hành Quy định số 205/QĐ-TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng và một nội dung them chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định bao gồm bốn nội dung lớn: Quy định chung; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền và điều khoản thi hành và có 15 điều quy định cụ thể. Đối tượng điều chỉnh của Quy định bao gồm tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ.

      Về nội dung quy định chung, Quy định của Bộ Chính trị xác định quyền lực trong công  tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễm nhiệm, phòng, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyền, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế,biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ. Cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ bao gồm: Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định về công tác cán bộ, nhân sự theo thẩm quyền là cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Ban tổ chức của cấp ủy, cơ quan tổ chức - cán bộ, cơ quan nội vụ, các cơ quan được giao phối hợp trong công tác đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định cán bộ. Nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ.

      Về cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 205 của Bộ Chính trị đã xác định cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; của cán bộ tham mưu, đề xuất và của nhân sự được xem xét. Trong thực hiện các cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời phát hiện và xem xét, xử lý nghiêm về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã để xẩy ra vi phạm.

      Nội dung Quy định cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhận diện 6 nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền; trong bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

     Đối với 6 nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định cụ thể như sau:

     1.Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

     2.Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là dịp lễ, tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

      3.Lợi dựng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

     4.Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

      5.Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

     6.Sử dựng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

     Đối với 8 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền được quy định cụ thể như sau:

     1.Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che dấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

     2.Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

     3.Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

     4.Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai nội dung hồ sơ nhận sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhận sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

     5.Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

     6.Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.

     7.Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền.

     8.Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

     Quy định còn đề cập cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; các hình thức xử lý các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; cấp ủy, các tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo của địa  phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và cụ thể hóa theo thẩm quyền để thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả thực hiện.

     Quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm cụ thể và các hình thức xử lý tập thể, cá nhân, trong đó có cán bộ, đảng viên đang công tác hoặc đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm các quy định về biện pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên quan, bị xử lý bằng các hình thức theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác thì còn bị áp dụng các biện pháp xử lý: đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra; tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng; hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.

     Đối với cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác thì tùy theo hình thức bị xử lý kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý khác, cụ thể sau đây:

     - Bị xử lý kỷ luật khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ.

     - Bị xử lý kỷ luật cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời gian ít nhất 36 tháng kẻ từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

     - Bị xử lý cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoach mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

     - Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động

     - Đối với hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

    Quy định 205/QĐ-TW của Bộ Chính trị vừa mới ban hành đã có sức lan tỏa nhanh, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Vấn đề cốt lõi còn lại là làm như thế nào để đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cần kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nghiêm cứu, học nội dung Quy định của Bộ Chính trị một cách sâu rộng; gắn việc thực hiện Quy định này với Quy định số 08/QĐ-TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đồng thời phải biết dựa vào đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, dựa vào công luận báo chí để kiệp thời và triệt để phát hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức chức, chạy quyền; lôi ra ánh sáng “ai chạy” và “chạy cho ai”; ai bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và “bao che tiếp tay cho ai”

     Hiện nay toàn đảng đang tập trung thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW và Hướng dẫn số 26 về đại hội đảng bộ các cấp thì vấn đề tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định 205 QĐ-TW của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc, quyết liệt và với hệ thống giải pháp đồng bộ để thực sự có hiệu lực và hiệu quả tin tưởng sẻ tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.