Kết quả nghiên cứu này giúp TS Trần Thị Hồng Hạnh (41 tuổi), Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020.

Xác định hàm lượng dược liệu như “truy vết vân tay”TS Trần Thị Hồng Hạnh thực hiện tách chiết hoạt chất của dược liệu. Ảnh: NX.

Nghiên cứu giúp các nhà khoa học có thể tìm ra thành phần đặc trưng của mỗi dược liệu; dịch chiết chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học và đặc điểm hóa học... Khi đó các chất được sử dụng là đặc điểm để nhận biết loài dược liệu.

Trong nghiên cứu mà TS Hạnh giành hơn 10 năm theo đuổi ở lĩnh vực hóa học các hợp chất thiên nhiên, hóa dược liệu biển, chị đã phát hiện nhiều hợp chất quý, điển hình cho nhận biết dược liệu. Sử dụng phương pháp sắc ký, nhóm nghiên cứu tách chiết, phân lập, xác định các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học từ các nguồn dược liệu, đồng thời xác định hàm lượng các hoạt chất từ đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng dược liệu được sử dụng.

“Hình dung đơn giản là ai cũng có dấu vân tay để nhận dạng và phân biệt, dược liệu cũng vậy.”Dấu vân tay“của dược liệu là những thành phần hợp chất có hoạt tính đặc trưng cho việc nhận biết”, TS Hạnh nói. Đây cũng là bước cuối cùng để xác định hàm lượng các hoạt chất, xem hoạt chất này có khả năng chống viêm, kháng u hay không.

Sắc ký dấu vân tay có ưu điểm cho kết quả chính xác tuyệt đối (bốn số sau dấu phảy). Chỉ cần hàm lượng nhỏ, kết hợp với công nghệ hiện đại (hệ thống sắc ký lỏng cao áp) cũng có thể hiển thị tất cả thành phần trong dược liệu.

Nhờ phương pháp này, hơn 200 “dấu vân tay” của dược liệu có hoạt tính và tiềm năng để phát triển thành các chế phẩm điều trị được sử dụng để làm dấu hiệu nhận biết.

“Thách thức hiện nay phải xây dựng một quy trình tách chiết tối ưu, phát hiện các hợp chất mới có hoạt tính, xác định đúng hàm lượng, đánh giá được mức độ an toàn để từ đó định hướng phát triển được các loại dược liệu cho từng loại bệnh”, TS Hạnh nói và mong muốn các kết quả nghiên cứu này có thể được áp dụng trong việc đánh giá tính năng dược chất, hỗ trợ quản lý chất lượng và nguồn gốc dược phẩm, giải quyết vấn đề thuốc giả, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Mới đây nhóm đã phân lập hai lactone mới từ cây ngải cứu bằng phương pháp sắc ký khác nhau, bước đầu chứng minh hoạt tính chống lại 5 dòng tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm. Nhóm tiếp tục đi sâu nghiên cứu đặc trưng nhận dạng của hai chất này.

TS Hạnh đã công bố 39 bài báo quốc tế trên tạp chí ISI và là đồng tác giả của 9 sáng chế về các hợp chất trong sinh vật biển và thực vật (hải sâm, san hô, huệ biển, cúc trắng...).