Hội nghị trí thức Hà Tĩnh với phong trào thi đua yêu nước và kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh (1995-2015) .   Ảnh: Huy Hải

25 năm qua, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng đội ngũ trí thức, đẩy mạnh các hoạt động KH&CN, hoạt động của Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức có nhiều chuyển biến, đi dần vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội.

Với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH tỉnh nhà, hoạt động của Liên hiệp Hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực từng bước khẳng định vai trò vị thế của tổ chức

Công tác vận động, tập hợp trí thức, xây dựng, phát triển tổ chức vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, Liên hiệp hội đã tìm kiếm cách làm, tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các ban, ngành liên quan, các cơ quan khoa học ở Trung ương và các tỉnh bạn để làm tốt công tác tập hợp trí thức, xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức. Đến nay, Liên hiệp Hội có 34 tổ chức thành viên, gồm 20 hội chuyên ngành cấp tỉnh, 12 Liên hiệp Hội cấp huyện, 2 trung tâm trực thuộc. Đội ngũ trí thức Hà Tĩnh hiện có trên 35.000, trong đó có hơn 17.000 thạc sỹ, 61 tiến sỹ, 05 giáo sư và phó giáo sư, 04 nhà giáo Nhân dân, 5 thầy thuốc Nhân dân, 79 nhà giáo ưu tú, 74 thầy thuốc ưu tú. Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, khâu nối, liên hệ trí thức là người Hà Tĩnh công tác trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài hướng về, tham gia xây dựng quê hương. Để động viên và biểu dương  đội ngũ trí thức, năm năm một lần Liên hiệp hội đã tổ chức Hội nghị Trí thức tiêu biểu Hà Tĩnh với phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh trên các lĩnh vực.

Để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức và Liên hiệp hội hoạt động hiệu quả, trong 25 năm qua Liên hiệp hội đã tham mưu để cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức. Trong đó nhiều hoạt động của Liên hiệp hội được cụ thể hóa như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27; Quyết định 781 về Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp Hội với các  huyện, thành, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc, Quyết định về việc quy định thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT; Kế hoạch số 343/KH-UBND, ngày 29/9/2016  về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Hội thi cuộc thi sáng tạo. Đây là cơ sở để đội ngũ trí thức, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động của mình, đóng góp vào các cơ chế, chính sách của tỉnh, phổ biến kiến thức KHKT đến cộng đồng.

Trong thời gian qua Liên hiệp hội đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển các ngành, các cấp. Trong 25 năm qua Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã tham gia phản biện, góp ý cho hơn 400 chương trình, đề án, dự án của địa phương. Trong đó nhiều chương trình, đề án, dự án lớn của tỉnh có đóng góp của Liên hiệp hiệp hội như: “Quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực vùng ven biển và vùng đồi, rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng 2030”; “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030”;  “Rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh”; Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; góp ý Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng và quy chế quản lý chất lượng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh… Đặc biệt năm 2017, Liên hiệp hội đã khâu nối để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh thực hiện chương trình tư vấn Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để tỉnh đề xuất với các bộ, chính phủ ngừng dự án. Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức được đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, xuất bản các ấn phẩm và truyền thông qua trang thông tin điện tử. Các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã thiết thực, giúp người dân ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Nhiều chương trình đào tạo tập huấn đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ về tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý, xây dựng mô hình phát triển kinh tế của cộng đồng tại các địa phương.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Liên hiệp hội đã phối hợp các ngành tổ chức tốt hội thi, cuộc thi thu hút được người dân tham gia tạo nên phong trào thi đua lao động sáng tạo. Đến nay Hội thi Cuộc thi đã được tổ chức đến lần thứ 11 với hàng ngàn giải pháp tham gia, hơn 200 công trình đã đạt giải trong đó nhiều công trình đã được ứng dụng thành công vào sản xuất và đời sống. Từ các hoạt động đóng góp của Hội thi, Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, người lao động, tuổi trẻ toàn tỉnh. Từ đây tạo sân chơi bổ ích, nơi hội tụ tài năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, góp phần đưa những sáng tạo có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Hoạt động ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật được Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đặc biệt chú trọng thông qua đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động đã hướng tới giải quyết những vấn đề cấp bách như chọn tạo giống cây, con, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Đến nay nhiều mô hình đã được Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên chuyển giao ứng dụng thành công như mô hình sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời cho xã Cẩm Nhượng, Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học, xây dựng mô hình vườn mẫu, mô hình sản xuất cung ứng sản phẩm gắn mã vạch hỗ trợ truy xuất nguồn gốc….

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên cũng đã tham gia và hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu như GEF SGP, UNDP, GIZ ... Trong 25 năm qua Liên hiệp hội đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ triển khai hơn 10 dự án về phát triển sản xuất, thích ứng bảo vệ môi trường với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, nhiều dự án lớn và hiệu quả như Dự án bảo tồn Đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, Dự án Xây dựng làng sinh thái Đông Bạn, Dự án sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời …

Chặng đường 25 năm qua, tuy đã có rất nhiều nổ lực, cố gắng trong lao động, sáng tạo vì sự phát triển của quê hương nhưng nhìn nhận cách khách quan, toàn diện, hoạt động của Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó chưa phát huy hết vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức, đặc biệt là chưa tận dụng tối đa nguồn lực từ đội ngũ trí thức bậc cao hướng về quê hương. Hoạt động của một số tổ chức ở cấp huyện và hội chuyên ngành cấp tỉnh còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, tổ chức hội thiếu tính hệ thống, lỏng trong cơ chế hoạt động... Bên cạnh đó cơ cấu đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội chưa phù hợp; thiếu cán bộ, chuyên gia lành nghề về kinh tế, quản lý doanh nghiệp, về các lĩnh vực công nghệ cao nhất là những ngành đang cần đẩy nhanh tốc độ phát triển như công nghệ thông tin, vật liệu mới, tự động hóa. Chưa làm tốt việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của ngành, lĩnh vực, địa phương và giải quyết thỏa đáng những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm hàng hoá chưa cao nên sức cạnh tranh của hàng hoá thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu còn thấp...

Hà Tĩnh đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhiều yếu tố thuận lợi, thời cơ, vận hội mới đang đến song cũng đối mặt với không ít những khó khăn thách thức. Để xây dựng tổ chức Liên hiệp hội vững mạnh, phát huy vai trò đội ngũ trí thức vào sự phát triển của tỉnh nhà đòi hỏi ngoài sự nỗ lực cố gắng cần có sự đồng hành, chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm tạo điều kiến tốt nhất để trí thức lao động sáng tạo và cống hiến. Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức tiếp tục phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh