Cống hiến cho Tổ quốc bằng khoa học công nghệ

TS Nguyễn Viết Hương - Phó Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội).

TS Nguyễn Viết Hương sinh năm 1990, quê ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Anh hiện là Phó Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, TS Hương vừa vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024.

Nhà khoa học trẻ quê Hà Tĩnh cho biết, một trong những cột mốc đầu tiên trong hành trình nghiên cứu, khám phá khoa học công nghệ của anh đó là việc thi đậu vào lớp chuyên Toán A1 – Trường THPT Chuyên, Trường Đại học Vinh.

Kết thúc 3 năm học THPT, nam sinh Nguyễn Viết Hương xuất sắc đỗ thủ khoa Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh vinh dự nhận được học bổng từ Đề án 322 – cử sinh viên đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Bắt đầu hành trình du học của mình ở tuổi 19, anh chọn INSA de Lyon (Học viện Khoa học Ứng dụng quốc gia Lyon) - trường kỹ sư hàng đầu nước Pháp để tiếp tục theo đuổi ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ nano.

TS Nguyễn Viết Hương vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ nhận Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024.

Những ngày đầu tiên du học ở Lyon (Pháp), anh bị sốc bởi chương trình kỹ sư phần đại cương rất nặng về lý thuyết trong khi trình độ tiếng Pháp hạn chế chỉ giúp chàng sinh viên người Việt hiểu được 30% những gì thầy cô truyền đạt.

May mắn là các môn như Toán và Vật lý sở trường lại chiếm tỷ trọng khá lớn trong chương trình giảng dạy nên anh có thể tiếp thu được bài giảng của các giáo sư và thường nằm trong top 3 người học tốt nhất lớp. Tiếng Pháp dần cải thiện, anh bắt đầu có thêm những người bạn quốc tế; học hỏi thêm được những phong tục, tập quán, văn hóa của nước sở tại và cũng tự hào giới thiệu, quảng bá về đất nước Việt Nam, quê hương Hà Tĩnh tới các sinh viên, giảng viên ngoại quốc.

“Những thành quả mà mình có được ngày hôm nay đó là từ học bổng ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, việc chăm lo học tập để làm rạng danh hai chữ Việt Nam ở nước ngoài không còn là việc cá nhân mà mình còn phải cố gắng cho nhiều người khác nữa, những người đã tin tưởng gửi mình đi học những điều tiến bộ để mai sau về xây dựng Tổ quốc” - anh Viết Hương bày tỏ.

Những suy nghĩ này đã tiếp thêm động lực giúp anh vượt qua những vất vả, khó khăn nơi đất khách để bứt phá, kết thúc chương trình kỹ sư với kết quả tốt nhất. Kết quả, nam sinh viên người Việt Nguyễn Viết Hương đã vượt qua 81 bạn trong lớp, trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa Khoa Khoa học Vật Liệu – INSA de Lyon.

Anh là người xây dựng thành công hệ SALD đầu tiên ở Việt Nam

Kết thúc 5 năm chương trình học kỹ sư/thạc sĩ tại Pháp, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Hương xác định sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học dài lâu. Anh quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, tìm một phòng lab bên ngoài nước Pháp để thực tập nghiên cứu nhằm trau dồi tiếng Anh.

Như một sự may mắn, anh được một vị giáo sư gửi gắm sang IMEC, Leuven (Bỉ) - một trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano hàng đầu tại châu Âu. Ở đó, anh được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu khoa học đỉnh cao, nơi có những công cụ, máy móc, thiết bị hiện đại cùng những con người đầy tài năng, sáng tạo, chăm chỉ và chuyên nghiệp.

Sau thời gian ở Bỉ, tháng 10/2015, anh trở lại Pháp làm nghiên cứu sinh ở phòng thí nghiệm Vật liệu - Vật lý (LMGP), thuộc CNRS & Trường Bách khoa Grenoble.

Sau 9 năm sống, học tập và nghiên cứu ở Pháp, dù có rất nhiều cơ hội để phát triển ở môi trường hàng đầu về công nghệ, anh vẫn luôn mang suy nghĩ sẽ trở về Việt Nam để đóng góp cho quê hương. Chưa đầy 1 năm sau khi lấy bằng tiến sĩ, tháng 8/2019, anh trở về Hà Nội và làm giảng viên tại Trường Đại học Phenikaa.

Tại đây, anh chủ trì dự án xây dựng, tự thiết kế hệ thống SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước. SALD là một trong những công nghệ chế tạo nano tiên tiến nhất hiện nay.

Sau 3 năm làm việc miệt mài, anh và các cộng sự đã cho ra mắt phòng thí nghiệm công nghệ SALD vào tháng 2/2022. TS Hương chia sẻ: “Đây là hệ thống lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước, đánh dấu bước ngoặt lớn, cho phép chế tạo các màng mỏng nano ô-xít kim loại bán dẫn với mức độ điều khiển bề dày tới từng đơn lớp nguyên tử. Đặc biệt, chúng ta chủ động được công nghệ và hoàn toàn có thể mở rộng ra quy mô lớn”

Mong muốn truyền lửa cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ

Nam giảng viên trẻ Nguyễn Viết Hương đã có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới.

Không chỉ là người tiên phong đưa công nghệ SALD lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển về nước, ở tuổi 34, TS Nguyễn Viết Hương còn là người sở hữu 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; có 39 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI - Q1 (tạp chí khoa học uy tín nhất hiện nay), trong đó, có 32 bài Q1.

Với tư cách là một nhà khoa học, nhà giáo, mục tiêu của nam giảng viên trẻ là để lại những công trình khoa học có giá trị, góp phần xây dựng Tổ quốc. Ngoài ra, TS Hương cũng mong muốn đào tạo ra được những thế hệ học trò có trình độ, năng lực tốt và khát vọng vươn lên để tiếp nối con đường lớn đó.

TS Nguyễn Viết Hương cho rằng, nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư dài hạn cả về vật chất, tinh thần kiên trì, bền bỉ và cả một chút may mắn. Chính vì vậy, nam giảng viên cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang bắt đầu bước chân vào con đường khoa học hãy tìm được sự đam mê, luôn lạc quan vì nghiên cứu khoa học là một chặng đường rất thử thách, cố gắng cẩn thận và làm đúng, chuyên nghiệp ngay từ những bước đầu tiên và hãy cứ vô tư, say mê trau dồi kiến thức, và kỹ năng nghiên cứu thật tốt.

Nhận giải thưởng Khoa học công nghệ - Quả Cầu Vàng năm 2024, TS Nguyễn Viết Hương càng cảm nhận được rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc dẫn dắt nghiên cứu, đồng thời phải cố gắng hơn nữa để hiện thực hóa các tiềm năng của công nghệ SALD mà anh đang triển khai thành các giá trị cụ thể hơn nữa, phục vụ xã hội.

TS Hương mong muốn đào tạo ra được những thế hệ học trò có trình độ, năng lực tốt và khát vọng vươn lên để tiếp nối con đường nghiên cứu khoa học công nghệ.

Trong tương lai, TS Nguyễn Viết Hương mong muốn tiếp tục phát triển các nghiên cứu xoay quanh công nghệ SALD và mở rộng ứng dụng của công nghệ này vào các lĩnh vực mang tính bền vững như sản xuất năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Anh cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học vật liệu, đặc biệt là tại Trường Đại học Phenikaa - nơi anh đang công tác nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với khoa học hiện đại và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

TS Nguyễn Viết Hương (bên phải) trong chuyến hội thảo khoa học quốc tế tại Malaysia

“Với quê hương Hà Tĩnh, tôi luôn có một mong muốn lớn là đóng góp vào sự phát triển giáo dục và kinh tế tại đây. Tôi hy vọng có thể hỗ trợ các trường đại học, THPT trong tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời dẫn dắt các em học sinh, sinh viên Hà Tĩnh cùng tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn phối hợp với các đơn vị trong tỉnh để đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào thực tiễn, góp phần nâng cao vị thế của quê hương. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm tự hào khi tôi có thể dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để xây dựng và phát triển nơi đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành” - TS Nguyễn Viết Hương bày tỏ.