Hình tượng Hồng Sơn (Núi Hồng Lĩnh) được chọn khắc trên Anh đỉnh Triều Nguyễn

Hồng Sơn (núi Hồng Lĩnh) là 1 trong 9 ngọn núi thiêng được được khắc trên Cửu đỉnh Huế, đặc biệt trong số đó còn có Hoành Sơn cũng thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Hồng Sơn được khắc trên Anh đỉnh trong khi các ngọn núi còn lại gồm Thiên Tôn Sơn khắc ở Cao đỉnh, Ngự Bình khắc trên Nhân đỉnh, Thương Sơn khắc trên Chương đỉnh, Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh, Hải Vân Quan được khắc trên Dụ đỉnh và Hoành Sơn (tức Đèo Ngang) khắc trên Huyền đỉnh Duệ Sơn, Đại Lĩnh cùng được khắc trên Tuyên đỉnh.

Cửu đỉnh là 09 cái đỉnh lớn bằng đồng đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng Thành, Huế) được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835. Việc đúc Cửu đỉnh được hoàn thành sau hơn một năm và sau đó tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt, trên thân 09 đỉnh đồng lớn này có tổng cộng 162 mảng hình đúc tinh xảo mô tả một cách sinh động về các hiện tượng thiên nhiên, núi sông, bờ cõi, địa danh, sản vật, binh khí, phương tiện, cuộc sống... điển hình và đặc trưng của Việt Nam.

Tương truyền trước kia, Hồng Lĩnh có rất nhiều chim hồng cư trú. Núi ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân (nay một phần thuộc thị xã Hồng Lĩnh) bắt nguồn mạch từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, uy nghiêm. Dãy núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, trong đó có ngọn Am cao nhất mây mù bao phủ. Tiếp đến là ngọn Hương Tích hễ mây phủ là mưa. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ thời Trần.