tm-img-alt

Các nhà khoa học quốc tế tham dự tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”

Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” diễn ra trong hai ngày 18 và 19-12 với 4 phiên: “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại”, “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn”, “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” và “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức”. Đây là những chủ đề khoa học thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống.

Tại phiên tọa đàm đầu tiên “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại”, dưới sự dẫn dắt của GS Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, các nhà khoa học quốc tế đã trao đổi qua các tham luận: “Những tiến bộ trong điện tử hữu cơ - Góc nhìn về vật liệu OLED và công nghệ tương lai” (GS Vivian Yam, thành viên Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture và GS - Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông - Trung Quốc); “Tái cấu trúc các thuật toán máy tính cho một tương lai bền vững trong vật liệu bán dẫn mô phỏng” (TS Sadasivan Shankar, Quản lý nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc quốc gia SLAC tại Đại học Stanford - Hoa Kỳ); “Tương lai của vi điện tử - ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn ở Singapore” (GS Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore).

tm-img-alt

GS Richard Friend chủ tọa phiên tọa đàm

Theo GS Richard Friend, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện tại, từ hệ thống năng lượng, viễn thông... đến điện toán đều cần bán dẫn. Đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng nên có nhiều cơ hội và thu hút nhiều ngành công nghiệp.

GS Vivian Yam cho rằng, điện tử hữu cơ là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng liên quan đến việc sử dụng vật liệu hữu cơ trong các thiết bị điện tử. Điện tử hữu cơ có nhiều ứng dụng, bao gồm màn hình, cảm biến, pin mặt trời và ánh sáng. Một trong những ứng dụng hứa hẹn nhất của điện tử hữu cơ là công nghệ OLED.

Theo GS Vivian Yam, hiện nay, màn hình OLED ngày càng phổ biến trong các thiết bị điện tử tiêu dùng. Đèn OLED nổi lên như một công nghệ đầy hứa hẹn cho các ứng dụng chiếu sáng chất lượng cao và tiết kiệm năng lượng. Công nghệ OLED cũng đã mở rộng sang các ứng dụng chăm sóc sức khỏe và ô tô. Cảm biến sinh học dựa trên OLED đã được phát triển để theo dõi không xâm lấn glucose, lactate và các dấu ấn sinh học khác...

tm-img-alt

GS Vivian Yam trình bày tham luận

Theo GS Vivian Yam, trong tương lai sẽ có nhiều thiết bị sử dụng OLED. Cơ hội và tiềm năng là không giới hạn. Ví dụ OLED làm kính cửa sổ, cửa ra vào, thậm chí có màn hình OLED 3D...

TS Sadasivan Shankar cho rằng, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại bởi nó làm tăng đáng kể hiệu suất làm việc của con người. Tuy nhiên, thách thức lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay là: Không bền vững (biến đổi khí hậu cực đoan diễn ra khắp nơi và tình trạng không bền vững trong việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là liên quan đến việc hoạt động của các trung tâm dữ liệu và tiêu thụ điện năng của các thiết bị khai thác tiền điện tử) và nhiều sai lệch được thể hiện qua việc máy tính, hệ thống tính toán không đi theo các đường cong tỷ lệ của hệ thống tự nhiên...

TS Sadasivan Shankar cho biết, báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy, việc sử dụng năng lượng hiện tại là một trong những yêu cầu cần xem xét trong mô hình phát triển điện toán trong tương lai.

tm-img-alt

TS Sadasivan Shankar trình bày tham luận

Nói về ngành công nghiệp và hệ sinh thái bán dẫn và vi điện tử của Singapore, GS Teck-Seng Low cho biết, ngành điện tử đóng góp vào 9% GDP và 42% tổng sản lượng sản xuất tạo ra.

“Bán dẫn quan trọng trong chiến lược phát triển. Chúng tôi đầu tư sâu vào ngành đang phát triển, hỗ trợ các nhà máy bán dẫn hàng đầu để có công nghệ hỗ trợ khoa học ở cấp độ dưới 2Nm (Singapore đang đầu tư để làm ra chip nhỏ nhất thế giới dưới 2Nm)... Theo tôi, các công nghệ đó sẽ thu hút nhà đầu tư tới đặt nhà máy mới và nghiên cứu phát triển công nghệ” - GS Teck-Seng Low thông tin thêm.

tm-img-alt

GS Teck-Seng Low chia sẻ kinh nghiệm của Singapore

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, để phát triển công nghệ bán dẫn, Việt Nam có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ, kết hợp sức mạnh nội tại và nhà đầu tư nước ngoài để phát triển năng lực. Chính phủ có thể đầu tư vào các trường đại học, và các trường đại học cần đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho bán dẫn. Bên cạnh đó, phải phát triển công ty bán dẫn trong nước và thu hút nhà đầu tư cũng như phát triển thế hệ doanh nhân mới