Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước) gặp gỡ lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Huấn.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức, nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Các tổ chức của trí thức được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của trí thức.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn. Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.
Bên cạnh đó một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến phát triển đội ngũ trí thức, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc. Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả; chậm khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, Nghị quyết số 45-NQ/TW đã xác định rõ quan điểm mục tiêu trong đó nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo đó xác định trí thức là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển, là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận, tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức là hết sức quan trọng và cần thiết.
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện. Đặc biệt ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến. Đồng thời thúc đẩy việc tăng số lượng phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật các công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Nghị quyết xác định đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.
Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ. Theo đó các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.
Trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp cũng đã chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là đội ngũ trí thức. Cụ thể đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nêu cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức Việt Nam góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho các hội trí thức. Có cơ chế để đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp.
Với việc ban hành nghị quyết, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ là cơ sở, điều kiện và động lực để phát huy vai trò vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó Nghị quyết đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đánh giá vai trò, vị trí của trí thức trong tiến trình phát triển.